Bộ Y tế sáng 2/2 ghi nhận một người đàn ông 44 tuổi ở Hải Dương dương tính virus Vũ Hán (nCoV), nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 206 ca. Hà Nội được yêu cầu nâng lên một mức phòng dịch khi xác định chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4.

hanoi covid 1
Sau trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), thêm Trường tiểu học dân lập Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) phải cách ly vì có ca COVID-19. Ảnh: Trường Tiểu học Xuân Phương đóng cửa, phong tỏa sau khi một bé trai học lớp 3 (con bệnh nhân 1694) nhiễm COVID-19, sáng 1/2/2021. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Ca bệnh được xác nhận sáng 2/2 là bệnh nhân 1851, nam, 44 tuổi, ở thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương.

Ngày 31/1, anh này có triệu chứng sốt, ho, đau rát họng và khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 1/2, có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Thông tin dịch tễ của ca nhiễm mới đang tiếp tục được điều tra.

Sau Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội đang được yêu cầu cần nâng thêm một mức ngừa dịch. Tại buổi họp chiều 1/2, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội cho biết thực tế, dịch bệnh ở Hà Nội xuất hiện nhanh, trong vòng 5 ngày tính từ ngày 27/1 đến 1/2 đã ghi nhận 19 ca mắc bệnh và chu kỳ lây nhiễm đã sang chu kỳ thứ 4.

Trong 19 ca dương tính tại Hà Nội, 18 ca liên quan đến ổ dịch TP Chí Linh, 1 ca liên quan đến ổ dịch Quảng Ninh. “Hệ số lây nhiễm rất cao, 1 người bệnh ở Nam Từ Liêm lây truyền ra 8 F1 và 4 F2, đã có lây nhiễm thứ phát”, ông Hạnh cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Hà Nội cần nâng ứng phó dịch lên một mức so với đợt dịch lần trước. Theo ông Long, sở dĩ Bộ Y tế quan ngại về tình hình dịch ở Hà Nội bởi đợt dịch lần này sẽ khó khăn hơn, phức tạp hơn và khác hẳn so với đợt dịch bùng phát trước tại Đà Nẵng, do chủng biến thể mới của virus có tốc độ lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn hơn.

“Chưa giải trình tự gen hết nhưng bệnh nhân từ Hải Dương đi Nhật là nhiễm chủng biến thể xuất hiện đầu tiên ở Anh, chủng này có hệ số lây cao hơn và có những bệnh nhân còn trẻ nhưng đã có diễn biến tăng nặng”, ông Long cho biết.

Do đó, theo ông Long, lần này phải coi các F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2 và coi F2 gần như F1. “Chúng tôi đồng ý cách ly F2 ở nhà, nhưng phải thực hiện cách ly F2 tại nhà nghiêm ngặt và phải có giám sát. Đó là sự thay đổi trong cách thức ứng phó dịch” – ông Long nhắc. Ngoài ra, ông Long đề nghị Hà Nội khoanh vùng rộng hơn, sau khi khoanh vùng rộng, lấy mẫu toàn bộ dân cư, kết quả xét nghiệm âm tính sẽ gỡ khoanh vùng, những vùng như Xuân Phương, khu vực Nhà máy Z153… phải lấy mẫu toàn bộ dân cư.

Cùng chiều 1/2, họp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết thực tế tình hình dịch bệnh, chủng virus mới này lây lan rất nhanh, đã có F2 dương tính chỉ trong một thời gian ngắn, do đó, yêu cầu Hà Nội cần lấy mẫu đến  F3.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết sau khi xét nghiệm xong các trường hợp đã lấy mẫu, Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu F3 để xét nghiệm và hoàn thành xét nghiệm đến F3 của các trường hợp nhiễm bệnh hiện tại trước Tết.

Song, đáng chú ý, ông Hiền thừa nhận ngành y tế Hà Nội không dám khẳng định đã có thể “vét” hết được các F1, vì có một số khó khăn trong việc truy vết, như trường hợp nam sinh viên của Đại học FPT, bệnh nhân đi học bằng xe bus, nhiều sinh viên trên xe đã tỏa về quê nên khó xác định các trường hợp F1, F2.

Hiện nay, Hà Nội đang xác định có khoảng 15.000 người trở về từ vùng dịch từ Hải Dương và Quảng Ninh. Nhưng thực tế con số chủ động khai báo chỉ khoảng 5.000 người, ông Hiền cho hay.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

BN1660 đến TP.HCM trên chuyến bay VN213 nhiễm biến chủng mới ở Anh