Sau phiên phúc thẩm vụ Đồng Tâm diễn ra sau ngày 8-9/3, 4 mạng người và bản kế hoạch 419A tiếp tục là “ẩn số”, trong khi thêm 2 án tử hình, chưa kể hàng loạt bất cập nhức nhối. 

xet xu vu dong tam
2 án tử hình, 1 án chung thân cùng hàng chục án tù giam trong vụ án Đồng Tâm, hình ảnh 29 bị cáo tại phiên xét xử chiều 7/9/2020. (Ảnh chụp màn hình/VTC Now)

Phiên tòa “kín” hay “mở”?

18h ngày 9/3, sau hai ngày xét xử, phiên tòa phúc thẩm do TAND cấp cao tại Hà Nội thực hiện đã tuyên y án 6 người kháng cáo trong vụ án xảy ra vào đêm 8/1- rạng sáng 9/1/2020 (15 tháng Chạp) tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Các án tuyên gồm: hai ông Lê Đình Chức và Lê Đình Công – con trai ông Lê Đình Kình y án tử hình; anh Lê Đình Doanh – cháu nội ông Kình – y án chung thân; ông Bùi Viết Hiểu y án 16 năm tù, cùng về tội “Giết người”; và bà Bùi Thị Nối y án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Tin tức về phiên tòa vẫn được truyền thông trong nước đưa tin, tuy nhiên, nhấn mạnh vào việc VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị giữ nguyên án (sáng 9/3), và HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án đối với cả 6 bị cáo kháng cáo (chiều muộn cùng ngày). Các nội dung thẩm vấn giữa HĐXX với các bị cáo, nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…, phần tranh luận giữa VKSND với luật sư và các bị cáo, nhân chứng… tại tòa, cũng như các diễn biến bên lề của phiên tòa hầu như vắng mặt trong các bản tin nói trên. Thông tin xoay quanh vụ án được báo trong nước đưa theo cáo trạng của VKS và các kết luận của HĐXX.

Tương tự diễn biến tại phiên sơ thẩm, giới luật sư, bao gồm những người tham gia bào chữa và người theo dõi vụ án, chuyển sang cập nhật tin tức và bày tỏ quan điểm qua mạng xã hội Facebook.

Theo thông tin cập nhật, nhiều hành vi can thiệp được coi là trái luật đã diễn ra tại phiên tòa, như luật sư Đặng Đình Mạnh – người bào chữa cho các bị cáo đề nghị về quyền tiếp xúc với thân chủ của mình trong quá trình xét xử, tuy nhiên, HĐXX không chấp thuận. “Quyền tiếp xúc giữa luật sư và thân chủ theo Điều 256 Bộ Luật Tố tụng Hình sự [2015] đã bị hội đồng xét xử “tịch thu”, luật sư Mạnh viết trên tài khoản Facebook cá nhân.

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết khi ông lấy ổ cứng USB có chứa tệp biên bản phiên tòa phúc thẩm mà ông dùng máy tính của tòa án gõ lại (các luật sư bị tạm giữ máy tính và điện thoại cá nhân) để sao lưu vào máy tính cá nhân thì bị công an tịch thu USB. Điều này đồng nghĩa thông tin trong phiên tòa phúc thẩm bị cản trở tiếp cận, dù phiên tòa được công bố xét xử công khai.

“Kết cục bi thảm ở Đồng Tâm cho thấy rằng, [quy chế] dân chủ cơ sở đang không được thực thi một cách hiệu quả. Có rất ít tiến triển trong việc đối thoại mang tính xây dựng, mặc dù sắc lệnh dân chủ cơ sở đầu tiên đã trở thành pháp lệnh hơn một thập kỷ trước” […]

“Mặc dù người dân không có xu hướng phản đối việc chính phủ thu hồi đất vì mục đích công, nhưng nhiều vụ việc trong quá khứ, trong đó các quan chức chính phủ lạm quyền đã ảnh hưởng đến lòng tin của họ đối với hệ thống/chế độ. Việc khôi phục niềm tin đó đòi hỏi phải loại bỏ quyền thu hồi đất cho các mục đích “kinh tế xã hội”, nhằm phản ánh chặt chẽ hơn kỳ vọng của cộng đồng về một hệ thống sở hữu đất công bằng. Điều đó cũng đòi hỏi một môi trường thể chế, trong đó có thể thực sự tiến hành cân nhắc, đồng thời vụ việc của người dân phải được các cơ quan xét xử độc lập xem xét và đánh giá một cách chân thực.” – Toan Le, The Diplomat, ngày 15/8/2020.

Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số 6 bị cáo kháng án, viết trên Facebook cá nhân vào chiều muộn ngày 9/3/2021, sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án: “Người Việt có một cơ hội để đoàn kết thì lại có 99 cơ hội để chia rẽ. Vì vậy, dân tộc Việt đã không thể trở thành mạnh mẽ. Qua những lời ca, lời ru nó cho thấy dân tộc Việt là một dân tộc đầy đau thương, mất mát. Kẻ thắng cuộc không bao giờ nhìn về cội nguồn.”

“Vụ án Đồng Tâm là vụ án khó, vụ án buồn, vụ án nhức nhối, vụ án thách thức lương tri, vụ án làm đau lòng nhiều người, vụ án đánh vào người nông dân giữ đất, vụ án oan của dân oan…”, luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nhận định, theo RFA ngày 9/3/2021.

EU lên tiếng quan ngại về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm

4 mạng người và bản kế hoạch 419A tiếp tục là “ẩn số”

Ngày 2/3, một tuần trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, 14 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên phúc thẩm gửi đơn kiến nghị tới Chánh án TAND tối cao Hà Nội, ông Ngô Tự Học – Thẩm phán TAND tối cao tại Hà Nội (chủ tọa phiên phúc thẩm), Viện trưởng VKSND tối cao Hà Nội và Viện trưởng VKSND tối cao.

Đơn kiến nghị dài 32 trang liệt kê những vấn đề cần làm rõ, để HĐXX phúc thẩm và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, góp phần tìm ra sự thật tại phiên xét xử phúc thẩm.

Trong đó, nội dung nổi bật và liên quan trực tiếp đến vụ án đang xét xử là bản kế hoạch 419A dẫn đến cuộc vây ráp, tập kích trong đêm vào khu dân sự (thôn Hoành) và việc tử vong của 4 người (gồm ông Lê Đình Kình và 3 công an).

Về Kế hoạch 419A

Các luật sư cung cấp thông tin ngày 7/1/2020, một lãnh đạo Hà Nội đề nghị luật sư đến gặp trực tiếp đại diện người dân Đồng Tâm để trao đổi nguyện vọng của người dân, và khả năng đối thoại (luật sư đã gặp ông Kình, ông Hiểu, ông Công), nhưng việc đối thoại chưa diễn ra thì tối đêm 8/1/2020 lực lượng công an bắt đầu “Kế hoạch 419A”, di chuyển quân đến Đồng Tâm và sau đó đã xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 4 người (trang 12 đơn kiến nghị).

“Cần thu thập thêm chứng cứ là bản Kế hoạch số 419A ngày 2/1/2020 này, để xác định xem việc tấn công bắt giữ ông Kình và những người chống đối có phải là một phần kế hoạch đã được lập chuyên án thực hiện hay không” – theo đơn kiến nghị.

“Kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự ở thôn Hoành có từ khi nào, được cấp nào phê duyệt?… Việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn ở nơi xa, tại sao không tập trung ở đó? Hơn nữa, để tiến vào khu vực cần xây dựng của sân bay Miếu Môn có rất nhiều cung đường khác nhau, không nhất thiết phải đi qua thôn Hoành” (trang 15)

Các luật sư nhận định “cần thiết phải công khai kế hoạch 419A của Công an TP Hà Nội và triệu tập những người có liên quan đến việc xây dựng kế hoạch này tới phiên tòa để làm rõ tính hợp pháp, chính danh của kế hoạch này”. Tuy nhiên, các luật sư cũng nhấn mạnh bản kế hoạch trên chưa bao giờ được công khai trong vụ án này, dù các luật sư đã nhiều lần yêu cầu công khai bản kế hoạch để đảm bảo tính đúng đắn và hợp pháp.

Cái chết của 3 công an

Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 công an là do ông Lê Đình Chức chọc dao tuýp sắt khiến họ bị rơi xuống hố, sau đó đổ xăng và châm lửa đốt.

Tuy nhiên, các luật sư lưu ý: “Đến nay, cơ quan điều tra chưa có thực hiện khám nghiệm hiện trường để làm rõ nội dung với lượng xăng đã có, không thể đốt cháy 3 nạn nhân bị than hóa”. Theo luật sư Hà Huy Sơn, với lượng oxy thiếu dưới đáy hố không thể cháy dưới đáy được. Nếu đổ thêm xăng chỉ khiến cháy phía trên chứ không thể cháy ở dưới đáy.

“Liên quan đến cái chết của 3 chiến sỹ, lời khai của các bị cáo, các chiến sỹ tham gia tổ công tác này là mâu thuẫn với nhau; một số lời khai của một số chiến sỹ mâu thuẫn với lời khai của đồng đội và có lợi cho các bị cáo nhưng tất cả mâu thuẫn này chưa được đối chứng, đối chất dù chỉ một lần khiến cho sự thật về nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 chiến sỹ vẫn còn là một ẩn số” (trang 20).

Vì vậy, các luật sư kiến nghị cần thực nghiệm lại hiện trường tổng thể, đặc biệt ở nguyên nhân 3 người bị rơi xuống hố và nguyên nhân dẫn đến tử vong. Các luật sư lưu ý ngoài khả năng cao là do lửa gây ra thì còn có các khả năng là do đầu đạn, lựu đạn nổ, thậm chí có thể là do chấn thương từ việc rơi từ trên xuống hố… Ngoài ra, cần phải triệu tập các công an chứng kiến việc đồng đội bị rơi xuống hố để đối chất với các bị cáo tại tòa.

Cái chết của ông Lê Đình Kình

Mô tả lại sự việc, Kết luận điều tra và Cáo trạng cùng nêu khi Tổ công tác lực lượng công an phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp) thì phát hiện ông Kình đứng quay lưng, tay phải đang cầm 1 quả lựu đạn đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong. Tổ công tác đã sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của ông này khoảng 2-2,5m và nổ súng 2 lần khiến ông này bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này, 1 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của ông Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1. Khi lực lượng công an tiến hành áp sát thì thấy ông Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 1 quả lựu đạn (Cơ quan Công an đã thu giữ).

Tại trang 44 của Kết luận điều tra nêu: Hành vi của Lê Đình Kình đã cấu thành tội “Giết người”, quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Lê Đình Kình đã chết nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với Lê Đình Kình.

Các luật sư nêu rõ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm “chưa hề làm rõ” cái chết của ông Kình. Kết quả khám nghiệm tử thi ông Kình cho thấy, hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào. Điều này trùng hợp với nội dung lời khai của bị can Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa sơ thẩm, rằng ông Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước ông Kình khoảng 1m, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực ông Kình, bắn trực diện chứ không phải bắn từ phía sau. “Ông Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác ông Kình đi”, ông Hiểu nói (ông Hiểu cũng bị bắn nhằm ngực nhưng đạn sượt xuống bụng nên bị thương, không chết).

Trong khi đó, những lời khai của tất cả chiến sỹ công an chứng kiến cái chết của ông Kình giống nhau về từng câu chữ ghi trong Bút lục lời khai, và không có cơ sở tin cậy do họ là những người chủ động tấn công và nổ súng vào ông Kình – các luật sư nhận định.

“Như vậy, cần xác định rõ việc ông Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết ông Kình đã đúng quy định pháp luật hay chưa.” – các luật sư kiến nghị.

Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Không ai được xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án”, do đó, việc cơ quan điều tra và VKSND TP Hà Nội vội vàng quy kết “Hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự” là trái quy định của pháp luật. Ông Lê Đình Kình không phải là bị can, bị cáo trong bất kỳ một vụ án nào, cũng không phải chấp hành bất kỳ một biện pháp ngăn chặn nào trong tố tụng hình sự, vậy mà lực lượng công an và cơ động lại tấn công và xâm phạm chỗ ở của ông Kình.

Không có đơn kháng cáo kêu oan nên phải viết là “xin giảm nhẹ hình phạt”?

Tại phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 9/2020 do TAND TP Hà Nội thực hiện, 6 người bị khép tội “Giết người”, trong đó tòa tuyên án tử hình đối với hai ông Lê Đình Chức và Lê Đình Công – con trai ông Lê Đình Kình – với cáo buộc họ “chủ mưu, cầm đầu”; anh Lê Đình Doanh – cháu nội ông Kình – bị án chung thân; ông Bùi Viết Hiểu bị 16 năm tù; ông Nguyễn Quốc Tiến bị 13 năm tù; ông Nguyễn Văn Tuyển bị 12 năm tù.

23 người khác bị khép tội “Chống người thi hành công vụ”, mức án thấp nhất là 15 tháng tù treo, đến cao nhất là 6 năm tù.

Sáu người thực hiện quyền kháng cáo, gồm: hai ông Lê Đình Chức và Lê Đình Công bị tuyên án sơ thẩm tử hình về tội “Giết người”; ông Bùi Viết Hiểu bị tuyên án sơ thẩm 16 năm tù về tội “Giết người”; anh Lê Đình Doanh bị tuyên án sơ thẩm chung thân về tội “Giết người”; ông Nguyễn Quốc Tiến bị tuyên án sơ thẩm 13 năm tù về tội “Giết người”; và bà Bùi Thị Nối bị tuyên án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Trong đó, 5 người kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì án “hơi nặng”, “quá nặng”, “quá cao”; riêng bà Nối kháng cáo “không chấp nhận bản án” và yêu cầu “bồi thường giá trị thương tích” (hồ sơ vụ án không ghi nhận bà Nối bị thương nhưng tại phiên tòa ngày 8/9/2020, khi được luật sư hỏi, bà Nối cho biết bà bị bắn chảy nhiều máu và bị lôi ra đánh đập tàn nhẫn. Bà Nối sẵn sàng cởi áo để chứng minh vết thương trên người nhưng không được chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm chấp nhận – theo đơn kiến nghị ngày 2/3 của 14 luật sư).

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 8/3, ông Lê Đình Công thay đổi kháng án, nói bản thân vô tội, không hề bàn bạc, không đại diện cho ai, và việc ném hai chai ‘bom xăng’ chỉ nhằm mục đích đe dọa và là hành vi vi phạm chống người thi hành công vụ chứ không phải giết người. Luật sư Lê Hòa cũng khẳng định ông Công kháng cáo kêu oan nhưng do mẫu đơn của trại giam đưa không có việc kháng cáo kêu oan nên phải viết đơn là “xin giảm nhẹ hình phạt”.

Phiên phúc thẩm diễn ra trong hai ngày 8 và 9/3, trùng thời gian diễn ra Đại hội Đảng khóa XIII. Đại hội bế mạc vào sáng 9/3 với việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội (dự kiến sẽ bầu, phê chuẩn vào Kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc ngày 24/3 tới).

Xuân Tường

Xem thêm:

ĐBQH Dương Trung Quốc: ‘Vụ việc ở Đồng Tâm là khủng hoảng về lòng tin’