Hãy cùng nhìn lại những sự kiện nổi bật nhất, thiên tai tự nhiên lẫn nhân tạo ở Trung Quốc trong năm 2021 vừa qua.

id13470059 a32473bc554e79e5e9980f38f9fbfb2c 600x400 1
Những thảm họa lớn liên tiếp xảy ra trong năm 2021 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước. (Ảnh: Epoch Times)

1. Thảm kịch cuộc thi chạy marathon xuyên núi “22/5” ở Cam Túc gây chấn động Trung Quốc

Ngày 22/5/2021, “Cuộc thi chạy marathon quốc gia 100km xuyên rừng núi đá Hoàng Hà” lần thứ 4 được tổ chức tại huyện Cảnh Thái, thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc đã gặp phải thời tiết khắc nghiệt, khiến 21 vận động viên tử vong, trong đó có nhiều vận động viên marathon hàng đầu của Trung Quốc. Vụ việc này đã làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước.

Vào lúc 9:00 sáng ngày 22/5, ông Trương Húc Thần, Phó Bí thư Thành ủy Bạch Ngân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã nổ một phát súng bắt đầu cuộc đua tại Quảng trường Nam Sơn trong Rừng Đá Hoàng Hà. Trên thực tế, ngay từ một giờ trước, nhiệt độ đã bắt đầu giảm, sức gió tại một số khu vực thi đấu đạt cấp 6-7, gió giật tối đa cấp 8-9.

Đến khoảng 1:00 chiều, thời tiết trở nên tồi tệ hơn, thậm chí còn xuất hiện những đợt thời tiết khắc nghiệt như mưa đá, mưa cóng, gió giật mạnh cục bộ. Do cơ thể hạ nhiệt độ, một số vận động viên đã mất ý thức, mất khả năng di chuyển, và ngất xỉu trên mặt đất. Theo tuyển thủ Lệ Kiến An, các vận động viên đã kêu cứu trong nhóm WeChat, nhưng việc giải cứu bị trì hoãn, khi cảnh sát vũ trang địa phương lên núi thì đã muộn.

Trước khi sự việc xảy ra, lực lượng cứu hộ thuộc Đội cứu hộ Lam Thiên (một tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp tư nhân) đã cực lực khuyến cáo ban tổ chức sự kiện cần ngay lập tức chấm dứt cuộc thi, nhưng sự việc vẫn không dừng lại.

Sau khi sự việc xảy ra, trước sức ép của dư luận, cơ quan chức năng đã đưa ra thỏa thuận bồi thường đối với gia đình nạn nhân, với điều kiện họ phải “im hơi lặng tiếng”. Theo báo cáo của kênh truyền thông Đại Lục, chính quyền địa phương liên quan đã lên kế hoạch bồi thường cho gia đình của mỗi nạn nhân 950.000 nhân dân tệ (NDT, khoảng 149.400 USD).

Tuy nhiên, nhiều gia đình nạn nhân không chịu ký. “Chúng tôi cảm thấy rằng đây không phải là thiên tai, mà là nhân họa. Có bao nhiêu người trong số 21 vận động viên là trụ cột của gia đình”, gia đình các nạn nhân cho biết.

Về vụ việc này, nhà bình luận thời sự Trần Tư Mẫn viết rằng trong cuộc thi chạy marathon trên núi có nhiều người thương vong. Tỷ lệ tử vong cao đến mức tưởng như là một “thảm họa tự nhiên” dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng thực chất lại là một “thảm họa do con người gây ra” bởi sự cẩu thả của ban tổ chức.

Ban tổ chức Bạch Ngân đã không hủy cuộc thi theo dự báo thời tiết, và bị buộc tội coi thường tính mạng. Chính phủ ĐCSTQ là động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của Giải Marathon này, hay còn gọi là “nền kinh tế chạy”. Đây là một ngành kinh doanh độc quyền từ chính quyền trung ương đến các chính quyền địa phương.

2. Thảm kịch “25/6” ở Hà Nam được xử lý âm thầm, truyền thông của giới chức tập trung vào các sự cố tại nước ngoài

Rạng sáng ngày 25/6, một vụ hỏa hoạn bùng phát tại Câu lạc bộ Chấn Hưng Bác Kích ở phố Bắc, thị trấn Viễn Tương, huyện Chá Thành, thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Vụ tai nạn khiến ít nhất 18 người chết, 4 người bị thương nặng và 12 người bị thương nhẹ.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, chính quyền địa phương đã lập tức phong tỏa thông tin. Do chính quyền không cho phép phụ huynh được nhìn thấy những đứa trẻ bị thương nặng, một số phụ huynh đã giăng biểu ngữ “Sống phải thấy người, chết phải thấy xác” để phản đối chính quyền huyện Chá Thành. Một số phụ huynh nghi ngờ mình bị theo dõi, họ bị buộc phải ký thỏa thuận nhận bồi thường.

Điều khiến dư luận phẫn nộ hơn cả là khi vụ cháy xảy ra cũng là lúc vụ sập một căn hộ chung cư tại thành phố Miami, Florida, Mỹ xảy ra, các phương tiện truyền thông chính thống của ĐCSTQ dường như còn “quan ngại” về vụ tai nạn ở nước ngoài này hơn cả vụ việc trong nước.

Giới truyền thông chính thức của ĐCSTQ tập trung đưa tin về vụ sập tòa nhà ở Hoa Kỳ, mà không hề đề cập đến thảm kịch vụ hỏa hoạn Hà Nam. Vụ hỏa hoạn cũng không xuất hiện trên các tìm kiếm nóng của Weibo. Nhiều cư dân mạng cho rằng vụ hỏa hoạn xảy ra vào thời điểm ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, nên các nhà chức trách đã cố tình trấn áp vụ việc và xử lý một cách âm thầm.

id13048041 Unknown33 e1640613084981
So sánh số lượng bản tin của CCTV về vụ sập tòa nhà ở Florida và thảm kịch hỏa hoạn tại Thương Khâu. (Ảnh tổng hợp chụp màn hình)

3. Vụ nổ cực lớn ở Thập Yển, Hồ Bắc, hiện trường giống như một vụ nổ hạt nhân

Rạng sáng ngày 13/6, một vụ nổ đã xảy ra tại khu Diễm Hồ, phố Xa Thành Lộ, quận Trương Loan, thành phố Thập Yển, tỉnh Hồ Bắc, khiến chợ rau trong khu dân cư đổ sập. Nhiều ban công của hộ dân bị hư hỏng và ô tô đỗ trên con đường cạnh chợ đều thiệt hại nặng.

Theo báo cáo của giới chức, tính đến đêm 14/6, vụ nổ khí gas này đã khiến ít nhất 25 người chết và 138 người bị thương (trong đó có 37 người bị thương nặng).

Các nhân chứng cho biết, lúc đó chợ rau đang mở cửa, rất nhiều người đang mua sắm và ăn uống thì vụ nổ bất ngờ xảy ra. Nhà cửa xung quanh bị dập nát, gạch đá bay tứ tung, hiện trường vẫn còn bụi mù mịt, tầm nhìn rất kém, thậm chí là khó thở.

Một nhân chứng khác tiết lộ, sau khi vụ nổ xảy ra, xung quanh có nhiều tiếng kêu cứu thảm thiết và nhiều bộ di hài người bị vỡ nát. “Tôi nghe thấy rất nhiều người kêu cứu nhưng cả chợ rau như một đống đổ nát, thậm chí việc ra ngoài cũng rất khó khăn, căn bản là không biết nên giúp đỡ như thế nào.”

Ông Vương, chủ một nhà hàng lẩu gần điểm xảy ra vụ nổ, nói với Epoch Times: “Chợ rau phát nổ có 2 tầng. Tầng hầm là chợ rau. Sau khi đi lên bậc thang là các quầy ăn sáng, hiệu thuốc, cửa hàng… Những người mua bán rau tại chợ rau dưới tầng hầm hoạt động khá sớm. Không biết đường ống dẫn khí ga nổ ở đoạn nào, cả tuyến (phố) đó đều phát nổ. Trần nhà làm bằng các tấm xi măng đúc sẵn. Sau vụ nổ, từng mảnh từng mảnh rơi xuống khiến nhiều người bị thương.”

4. Cắt điện diện rộng tại 20 tỉnh, thành; gây thiệt hại nặng nề về kinh tế

Sau khi bước sang tháng 7, vấn đề thiếu điện tại một số khu vực của Trung Quốc bắt đầu dần trở nên nổi cộm. Từ ngày 24/9, 20 tỉnh, thành của Trung Quốc đã liên tiếp xảy ra tình trạng cắt điện trên diện rộng. Việc cắt điện liên tục đã ảnh hưởng đến sinh kế và kinh tế của người dân.

Một số kênh truyền thông phỏng đoán rằng các biện pháp cắt giảm điện có liên quan đến chính sách giảm carbon của ĐCSTQ. Để kiểm soát việc tiêu thụ năng lượng và đạt được mục tiêu giảm phát thải, một số tỉnh đã cắt giảm điện trong các khu dân cư, làng xã, thị trấn và một số doanh nghiệp.

Ngoài ra, các nhà chức trách đã trả đũa Úc bằng cách cấm nhập khẩu than chất lượng cao của Úc, khiến giá than cần thiết cho sản xuất nhiệt điện của Trung Quốc tăng vọt. Việc hạn chế giá cấp điện của chính quyền cũng được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc.

Mặt khác, sau khi bước vào tháng 10, tình hình lũ lụt ở tỉnh Sơn Tây ngày càng gia tăng, 60 mỏ than ở tỉnh này đã phải đóng cửa, khiến tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc càng thêm trầm trọng. Ngoại giới cho rằng việc Trung Quốc cắt điện có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Gần đây, để tạo ra một “Bầu trời xanh Olympic”, ĐCSTQ đã không ngần ngại đóng cửa nhiều nhà máy hơn.

ĐCSTQ đã chính thức công bố “Kế hoạch xử lý toàn diện ô nhiễm không khí mùa thu và mùa đông năm 2021-2022 (Dự thảo trưng cầu ý kiến).” Giới truyền thông Đại Lục chỉ ra rằng “lệnh dừng làm việc” hiện tại của chính quyền kéo dài trong 6 tháng và sẽ ảnh hưởng đến 65 thành phố. Điều này có nghĩa là hơn một nửa doanh nghiệp công nghiệp nặng của Trung Quốc tại các tỉnh, thành và khu vực phải đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động, sản xuất.

5. Trận lụt tháng Bảy ở tỉnh Hà Nam “hơn 5.000 năm mới gặp một lần”

Bắt đầu từ ngày 17/7, lũ lụt hiếm và bất thường đã xảy ra tại Trịnh Châu, Tháp Hà, Khai Phong, Tân Hương, Hạc Bích, An Dương thuộc tỉnh Hà Nam, gây ra thương vong và thiệt hại tài chính quy mô lớn. Theo báo cáo của giới chức, lũ lụt và thảm họa thứ cấp do mưa bão gây ra đã khiến tổng cộng 14.531.600 người ở tỉnh Hà Nam gặp nạn, 302 người thiệt mạng và 50 người mất tích.

Trận mưa lớn này đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi tại Trịnh Châu và tạo thành nhiều thảm họa nghiêm trọng. Trong đó, sự cố người dân tử vong trên tuyến tàu điện ngầm số 5 của Trịnh Châu và trong đường hầm Kinh Quảng Bắc Lộ thu hút sự chú ý của dư luận nhất.

Vào lúc 1:00 sáng ngày 21/7, tài khoản“Trịnh Châu Thông báo”, Weibo chính thức của Ban Tuyên giáo Thành ủy Trịnh Châu, đã đưa ra thông báo cho biết hồ chứa nước Thường Trang gần Trịnh Châu bắt đầu ngập lụt lúc 10:30 sáng ngày 20/7. Điều này có nghĩa là sau khi xả hồ chứa 14 giờ, các nhà chức trách mới đưa ra thông báo cảnh báo.

Cuộc khủng hoảng lũ lụt ở khu vực thành thị Trịnh Châu thường xuyên diễn ra. Tình hình ở các vùng nông thôn bị lãng quên ở xung quanh thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Nằm cách thành phố Trịnh Châu 15 km về phía bắc, Trang trại Phong Lạc có nhà kính, khu vực trồng rau, nhà kính nhựa và các thiết bị khác.

Những người dân ở trang trại Phong Lạc nói với Epoch Times qua điện thoại: “Mưa đã tạnh vào ngày hôm trước. Tôi không ngờ rằng lũ sẽ xả đột ngột ở thượng nguồn. Ngày 21 là nghiêm trọng nhất. Đến giờ vẫn đang xả, nước lũ đã tràn lên cả mái nhà, gây ngập úng toàn bộ diện tích rau, không còn sót lại thứ gì.”

Về thảm họa này, Sở Thủy lợi tỉnh Hà Nam gọi đây là một trường hợp “5.000 năm mới gặp 1 lần.” CCTV dẫn lời các chuyên gia, giải thích rằng trận mưa xối xả ở Hà Nam là do cơn bão “In-fa” (Pháo hoa) cách xa hàng ngàn km điều khiển từ xa. Lời giải thích của giới chức bị dư luận chỉ trích.

Nhóm bình luận thời sự Thiên Quân đã viết một bài bình luận nói rằng lũ lụt ở Hà Nam đã gây ra thương vong và thiệt hại kinh tế nặng nề, được truyền thông thế giới hết sức chú ý. Nhà cầm quyền ĐCSTQ nhấn mạnh đến “thiên tai tự nhiên”, hòng viện cớ “trăm năm không gặp” hoặc “ngàn năm không gặp” để che đậy việc xả lũ và các thảm họa nhân tạo khác. Giới chức vừa không trả lời câu hỏi của nhiều bên, cũng như không tiến hành điều tra, rõ ràng là họ chỉ muốn trốn tránh trách nhiệm.

Đúng lúc người dân Hà Nam chìm trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” và thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, thì ngày 22/7 Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình lại tới Tây Tạng thị sát.

6. Ba cơn bão quét qua các vùng ven biển trong 3 tuần, In-fa có sức càn quét khủng khiếp nhất

Ngày 20/7, cơn bão số 7 “Cempaka” đã đổ bộ vào Quảng Đông. Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Trung Quốc trong năm 2021, ảnh hưởng đến Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông và Ma Cao.

Cùng lúc đó, cơn bão số 6 “In-fa” (Pháo hoa) xuất phát từ vùng biển phía tây bắc đảo Guam có đường đi rất lạ. Khi chuẩn bị đến gần Đài Loan, nó lại quay ngoắt 90 độ và tăng tốc đổ bộ vào Chiết Giang và Thượng Hải.

Ngày 25/7, bão “In-fa” đã đổ bộ vào bờ biển thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang. “In-fa” có sức gió mạnh, lượng mưa lớn, thời gian kéo dài và phạm vi ảnh hưởng rộng. Theo giới chức, cơn bão đã khiến 4,08 triệu người ở 8 tỉnh (quận và thành phố trực thuộc Trung ương), gồm Chiết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, An Huy và Sơn Đông, làm hư hại hơn 8.700 ngôi nhà và gây thiệt hại trực tiếp 12,9 tỷ NDT (khoảng 2 tỷ USD) cho nền kinh tế.

“In-fa” đã đi qua thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô vào chiều ngày 27/7, đi vào địa phận tỉnh An Huy vào sáng ngày 28/7, lúc này nó lại chuyển hướng di chuyển lên phía bắc. Ngày 29/7, trung tâm lưu thông của In-fa tiến vào Sơn Đông. Ngày 31/7, cơn bão In-fa tan sau khi đổ bộ xuống tỉnh Liêu Ninh.

Ngày 5/8, bão số 9 “Lupit” (Lô Bích) đổ bộ vào Sán Đầu, Quảng Đông, sau đó đến Đông Sơn, Phúc Kiến. Con đường của Lupit giống như một bản sao của In-fa, một lần nữa chuyển hướng ngay khi tiếp cận Đài Loan.

Bị ảnh hưởng bởi bão Lupit, lượng mưa lớn đã xảy ra dọc theo khu vực bờ biển phía đông nam. Mưa lớn hoặc mưa lũ đã xảy ra tại các khu vực Phúc Kiến, Chiết Giang, Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, mưa lớn cục bộ (250-398 mm) tại Phúc Châu và Phúc Khánh.

Theo trang web chính thức của Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp của ĐCSTQ, bão Lupit đã mang lại “lượng mưa dồi dào” cho các tỉnh ven biển phía đông nam và “làm giảm bớt tình trạng hạn hán.”

Tuy nhiên, theo video trực tiếp cảnh bão Lupit hoành hành do người dân ở Thâm Quyến quay lại, đường phố tại một số khu vực của địa phương đã trở thành sông, một lượng lớn phương tiện giao thông bị ngập, người dân bỏ xe tháo chạy, liệu có người thương vong hay không hiện vẫn chưa rõ.

7. Trong tháng 8, mưa lớn ở 20 tỉnh của Trung Quốc, Hà Nam lại hứng chịu mưa lớn

Kể từ đầu tháng 8, nhiều nơi ở Trung Quốc đã trải qua thời tiết khắc nghiệt. Từ phía đông bắc, đông nam đến tây bắc và tây nam, ít nhất 20 tỉnh có mưa to đến rất to, có nơi gió giật cấp 8-10 hoặc xuất hiện mưa đá.

Ngày 8/8, đài quan sát khí tượng trung ương đã đưa ra cảnh báo màu xanh lam về thời tiết khắc nghiệt của tầng đối lưu. Từ ngày 8-9/8, các khu vực miền trung và đông Nội Mông, miền trung và bắc Sơn Tây, miền bắc và trung Hà Bắc, miền tây Bắc Kinh, miền tây và nam Thiên Tân, miền tây Hồ Bắc, miền bắc và tây nam Trùng Khánh và một phần phía bắc Quý Châu có gió giật cấp 8-10 hoặc gặp thời tiết mưa đá.

Ngoài ra, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Thiểm Tây, Nội Mông, Hắc Long Giang, Cát Lâm, Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và 20 tỉnh, thành khác xuất hiện mưa lớn hàng giờ trong thời gian ngắn.

Trận lũ lụt Trịnh Châu “gây chấn động cả nước vào ngày 20/7” vừa qua đi, vào 10:00 ngày 8/8, giới chức tỉnh Hà Nam đã phát đi thông báo, quyết định điều chỉnh ứng phó khẩn cấp trước tình hình lũ lụt của tỉnh Hà Nam, từ cấp I lên cấp III.

Theo Chính quyền tỉnh Hà Nam, lượng mưa lớn đã khiến 2.639 chỗ trên đường cao tốc Hà Nam và 149 trạm thu phí bị nước phá hủy; 6.553 đoạn đường trục chính thông thường bị nước lũ gây thiệt hại nặng; 3.852 đường giao thông nông thôn bị phong tỏa; 351 phương tiện vận tải hư hại; 1.255 chỗ trong các dự án đường cao tốc đang thi công bị hư hỏng do nước; thiệt hại trực tiếp lên tới 10,9 tỷ NDT (khoảng 1,7 tỷ USD).

Ngoài ra, theo Mạng lưới thời tiết Trung Quốc, bắt đầu từ chiều ngày 22/8, cường độ mưa ở tỉnh Hà Nam đã tăng lên đáng kể, thành phố Trịnh Châu cũng ban hành cảnh báo đỏ mưa lớn ở mức cao nhất. Từ 12:00 – 15:00, các trận mưa xối xả cục bộ tại Bình Đỉnh Sơn, Tiêu Tác, Trịnh Châu, v.v. đã được ghi nhận.

8. Vụ nổ khí gas Thẩm Dương rất nghiêm trọng

Vào lúc 8:20 ngày 21/10, vụ nổ khí gas đã xảy ra tại một nhà hàng gần đường Nam Thất Mã, phố Nam Thái Nguyên, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Sóng xung kích đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các tòa nhà gần đó. Một chiếc xe buýt tại hiện trường đã bị nổ tới mức chỉ còn lại khung.

Ngã ba giữa phố Nam Thái Nguyên và phố Nam Thất Mã, nơi xảy ra vụ nổ thuộc khu thương mại phố Thái Nguyên, là phố ẩm thực nổi tiếng của địa phương.

Đoạn video cho thấy vụ nổ đột nhiên bùng phát với lực xung kích rất mạnh, một đám mây hình nấm xuất hiện tại hiện trường. Khói bụi ngay lập tức nuốt chửng những ngôi nhà và xe cộ gần đó. Một tòa nhà 3 tầng quay mặt ra đường đã bị phá hủy hoàn toàn với những thanh thép lộ ra ngoài, nền đất ngổn ngang gạch, kính vỡ, dây điện…, nhiều ô tô cá nhân bị hư hỏng, khung cảnh hoang tàn, đường phố tan hoang.

Theo báo cáo của giới chức, tính đến tối ngày 21/10, vụ nổ khí gas đã làm 4 người chết, 3 người bị thương nặng và 44 người bị thương nhẹ.

Khâu Lệ (bút danh), chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Tây An, nói với Thời báo Epoch Times rằng không chỉ số người mà chính phủ thông báo, số thương vong cũng phải tăng thêm. Đó là một con đường lớn, đông người qua lại, như xe buýt và ô tô cá nhân.

9. Trung Quốc đã phải đối mặt với 6 đợt gió lạnh, với nhiệt độ thấp cục bộ phá kỷ lục -40℃, và một trận bão tuyết hiếm gặp ở Nội Mông

Kể từ nửa cuối năm nay, Trung Quốc đã trải qua 6 đợt thời tiết đợt lạnh quy mô lớn. Theo thống kê, đợt lạnh đầu tiên xuất hiện ngày 14/10; đợt lạnh thứ 2 xuất hiện ngày 4/11; đợt lạnh thứ 3 xuất hiện ngày 20/11; đợt lạnh thứ 4 xuất hiện ngày 29/11; đợt lạnh thứ 6 xuất hiện ngày 23/12. Nhiệt độ tối thiểu ở một số khu vực đã vượt quá -40°C.

Trong đợt lạnh thứ 2, nhiệt độ ở hầu hết các khu vực của Trung Quốc giảm xuống theo chiều thẳng đứng. Trong số đó, gần 70% diện tích ở Nội Mông bị tuyết bao phủ. Thành phố Thông Liêu, Nội Mông hứng chịu trận bão tuyết kéo dài 30 giờ. Độ sâu của tuyết ở Thông Liêu “phá kỷ lục sâu nhất trong 70 năm qua”. Nhà cửa bị vùi lấp, chuồng bò bị sập, nước ở khu đô thị chính bị cắt và giao thông tê liệt.

Ô Ương (bút danh), một sinh viên đại học đến từ Nội Mông, nói với Epoch Times: “Ở vùng nông thôn Hậu Kỳ, Khoa Tả ở quê tôi, nhiều chuồng bò bị tuyết dày đè bẹp, bò bị thương và thiệt hại nặng nề. Những nông dân gần đó cũng có mức độ thiệt hại khác nhau. Ông Trương, một người dân ở thị trấn Sá Bách Thổ, Trung Kỳ, Khoa Tả, nghẹn ngào nói: ‘Chuồng bò bị tuyết dày đè bẹp, 2 con bò được tìm thấy đã chết.’”

Theo tin tức từ Mạng Thời tiết Trung Quốc ngày 26, đầu đợt lạnh thứ 6 đã đến miền Nam Trung Quốc, và gần 70% diện tích của Trung Quốc đã phải hứng chịu sức mạnh của đợt lạnh cuối năm. Hiện tại, nhiệt độ của 18 tỉnh thành đã đạt mức thấp mới trong mùa đông năm nay. Nhiệt độ ở Thượng Hải, Hàng Châu, Trường Sa và những nơi khác lần đầu tiên giảm xuống dưới mức đóng băng trong mùa đông năm nay.

Từ ngày 27 – 28, đường 0°C của nhiệt độ thấp nhất sẽ nằm từ phía bắc Hoa Nam đến nam Quý Châu, là điểm cực nam kể từ mùa đông đến nay. Trong số các thành phố lớn như Thượng Hải, Hàng Châu, Trường Sa, Nam Xương, Quý Dương, Phúc Châu, Quảng Châu, Nam Ninh, Hải Khẩu vẫn tiếp tục ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục.

10. Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn, chính sách “xóa sổ ca nhiễm về 0” của ĐCSTQ đã thất bại

Vào ngày 23/12, Tây An, với dân số 12 triệu người, đã tuyên bố “đóng cửa thành phố”. Ngày 27/12, công tác phòng chống và kiểm soát của Tây An đã được nâng cấp, chính phủ yêu cầu tất cả người dân không được rời khỏi nhà. Theo các báo cáo của giới chức, đợt dịch hiện tại ở Tây An đã lan sang 5 tỉnh, gồm Diên An, Hàm Dương, Sơn Tây, Hà Nam, Quảng Đông và Bắc Kinh.

Sau Vũ Hán, Tây An là một thành phố khác với dân số hàng chục triệu người ở Trung Quốc, đã phải “đóng cửa” do dịch bệnh. Vào tháng 12/2019, lần đầu tiên COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán và lan rộng ra toàn thế giới. Ngày nay, tất cả các vùng của Trung Quốc đều đã trải qua nhiều đợt dịch bệnh.

Theo nguồn tin của giới chức, tính đến ngày 28/12, Trung Quốc có 2 vùng rủi ro cao và 168 vùng rủi ro trung bình. Tuy nhiên, vì ĐCSTQ luôn che giấu dữ liệu thực nên tính chính xác của số ca lây nhiễm chính thức bị các bên nghi ngờ.

Vào đầu tháng 12, tình hình dịch bệnh tại thành phố Mãn Châu Lí và thành phố Hulunbuir, Nội Mông, đã gia tăng; số ca được xác nhận đã tăng lên, và lan ra 2 tỉnh và 5 khu vực. Sau khi ca dương tính đầu tiên được phát hiện ở quận Thượng Ngu, thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang vào ngày 7/12, dịch bệnh tại đây bắt đầu lan rộng. Thành phố Thiệu Hưng trở thành “khu vực thảm họa nghiêm trọng” của tỉnh, và lan sang các tỉnh khác.

Tại cuộc họp báo diễn ra ở tỉnh Chiết Giang ngày 28/12, nhà chức trách yêu cầu tuân thủ chính sách chung “xóa sổ ca nhiễm về 0”, tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ dòng người và việc đi lại giữa các tỉnh, yêu cầu nhân viên không phải là người địa phương “mừng năm mới tại chỗ.” Ngoài ra, nhà chức trách cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát 4 cảng hàng không và 5 cảng biển ở tỉnh Chiết Giang.

Do tác động của các biện pháp “đóng cửa thành phố”, một số nhà máy ở nhiều thành phố tại Chiết Giang đã tạm dừng hoạt động, một số nhà máy đóng cửa sớm.

Gần đây, trên mạng lan truyền một đoạn video “diễu phố thị chúng” được quay ở huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây. Đoạn video quay cảnh 4 người diễu phố trong trang phục bảo hộ màu trắng với những bức ảnh lớn của họ. Một số nhà bình luận cho rằng chỉ trong một đêm Đại Lục đã trở lại thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”.

Theo một đoạn video được cư dân mạng Đại Lục quay lại gần đây, ngày 27/12 thành phố Cảnh Hồng thuộc quyền quản lý của tỉnh Tây Song Bản Nạp bắt đầu “đóng cửa”; đồng thời thực hiện kiểm soát giao thông trên các đoạn đường ra vào thành phố; cấm người dân không được phép ra ngoài và tất cả mọi người đều phải xét nghiệm axit nucleic.

Tại thành phố Thụy Lệ tại phía tây thành phố Cảnh Hồng, ngày 24/12, các nhà chức trách thông báo rằng Thụy Lệ đã thực hiện chính sách “xóa sổ ca nhiễm về 0”, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng. Các quan chức yêu cầu người dân không được rời khỏi Thụy Lệ trừ trường hợp cần thiết.

Thành phố Thụy Lệ đã trải qua 5 đợt bùng phát từ tháng 9 năm ngoái, từng 4 lần “đóng cửa thành phố”. Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại, kinh tế và cuộc sống hàng ngày tại địa phương, người dân vô cùng khốn đốn. Ngày 28/10, ông Đới Vinh Lí, cựu phó thị trưởng thành phố Thụy Lệ, đã đăng một thông báo cầu cứu trên WeChat, trong khi cư dân mạng địa phương nói rằng Thụy Lệ “gần như một địa ngục tại nhân gian!”

Liên quan đến làn sóng dịch bệnh lần này, “Thời báo Hoàn cầu”, kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ, tin rằng chủng biến thể Omicron sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh – vượt xa bất cứ điều gì khác ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước dự đoán rằng “chính sách xóa sổ ca nhiễm về 0 của Trung Quốc (ĐCSTQ) và kinh nghiệm dập tắt dịch trong nước trước đây sẽ giúp kiềm chế dịch bệnh hiện nay.”

Tuy nhiên, ngày 29/12 ông Hoàng Hà, chuyên gia về Trung Quốc tuyên bố trên kênh truyền thông tự do “Quan điểm Hoàng Hà” rằng việc đóng cửa Tây An đột ngột, một thành phố với dân số hàng chục triệu người, có thể sánh với Vũ Hán năm xưa.

So với nhiều cuộc phong tỏa cục bộ trước đây, có thể thấy rõ hơn những sai lầm dẫn đến thất bại của chính sách “xóa sổ ca nhiễm về 0” của ĐCSTQ. Chính sách này là một phương pháp hành chính phi khoa học. Nguồn gốc của nó đến từ ý thức hệ của ĐCSTQ, từ những sai lầm trong kinh nghiệm phòng chống SARS. Thất bại của chính sách này là sự thất bại của thể chế, không thể giải quyết bằng cách trừng phạt các quan chức.

Theo Lý Tịnh / Epoch Times

Xem thêm: