Thành phố Urumqi, Tân Cương vốn bị chính quyền đàn áp, đã đóng cửa gần 100 ngày. Bức ảnh chụp cảnh 3 chiếc ô tô màu trắng đậu từ mùa Hè sang mùa Thu, đến giờ đã là mùa Đông tuyết trắng vẫn không nhúc nhích, đã nói lên nỗi cay đắng của người dân nơi đây.

p3242911a618779582
Thành phố Urumqi đã đóng cửa gần 100 ngày, người dân địa phương chụp được ảnh 3 chiếc ô tô đậu từ mùa Hè sang mùa Đông. (Ảnh: Weibo)

Ngày 9/11, ở Urumqi có tuyết rơi, một cư dân mạng địa phương đã đăng một bức ảnh lên Weibo. Bức ảnh chụp 3 chiếc xe từ cùng một góc độ trong 4 mùa khác nhau.

Gần đây, các nhà chức trách đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm trọng nhất đối với Tân Cương, một khu vực có 22 triệu dân. Tất cả mọi người đều phải ở nhà, giao thông công cộng bị đình chỉ, 97% chuyến bay đi và 95% chuyến bay đến đã bị hủy.

Urumqi, thủ phủ của tỉnh Tân Cương, đã đóng cửa từ ngày 10/8, đến nay đã gần 3 tháng. Người dân phàn nàn rằng mùa Hè không có quần áo mùa Hè, mùa Đông không có quần áo mùa Đông, chân trẻ em lạnh cóng, nhưng họ thậm chí không thể mua một đôi ủng mùa Đông. Họ còn phải xuống cầu thang hàng ngày để xét nghiệm axit nucleic, chi phí sinh hoạt dựa hoàn toàn vào lương hưu của ông bà.

Đài Á châu Tự do (RFA) tiết lộ rằng kể từ khi phong tỏa vào đầu tháng Tám, nhiều người dân ở Nghi Ninh (Tân Cương) thiệt mạng do đói hoặc thiếu thuốc men trị bệnh. Cơ quan chức năng Nghi Ninh đã xác nhận do phong tỏa trong thời gian dài, ít nhất 22 người chết vì đói, hoặc không được chăm sóc y tế, nhưng tin tức liên quan sau đó đã bị chặn.

Chính sách Zero-COVID do chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành đã dẫn đến nhiều thảm kịch khác nhau cho người dân.

3 “người tố giác” bị giam giữ

Có tin đồn rằng Urumqi sẽ đóng cửa trong 3 tháng nữa khiến người dân địa phương vô cùng hoang mang. Giới chức địa phương đã ra mặt hôm 5/11 để bác bỏ tin đồn, và khuyến khích người dân khai báo “những người tung tin đồn”.

Theo Đài Á Châu Tự Do, thành phố Urumqi đã ban hành “Thông báo về các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nguy cơ lây lan dịch bệnh của thành phố Urumqi” vào ngày 4/10.

Theo báo cáo, một ngày trước khi Urumqi đóng cửa thành phố, Văn phòng Công an thành phố đã đưa ra thông báo cho biết 3 người họ Lý, họ Đàm và họ Triệu, lần lượt bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng”, “gây gổ và kích động” và bị tạm giữ hành chính, vì cảnh báo sớm việc thành phố bị phong tỏa.

Cư dân mạng cho rằng: “Tin đồn đã biến thành lời tiên tri xa vời”. Có người chế giễu: “Tỉnh nào cũng nên độc lập, để tránh bị phong tỏa hết lần này đến lần khác, lại khổ người dân.”

Một số cư dân mạng nghĩ rằng: “Đây không phải là để phòng chống dịch bệnh, mà là để ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ xuất hiện trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.”

Tân Cương “đóng băng nhanh” chỉ vì 97 ca nhiễm COVID

Thông báo của chính quyền Tân Cương cho biết dịch bệnh ở Tân Cương hiện nay là một “trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng, với tốc độ lây lan nhanh nhất, phạm vi bao phủ rộng nhất, số người nhiễm nhiều nhất và việc phòng chống và kiểm soát khó khăn nhất.”

Ngày 6/10, Hãng thông tấn AP đưa tin số ca nhiễm thực tế ở Tân Cương hoàn toàn không tương xứng so với các biện pháp phòng chống và kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Tân Cương.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết toàn bộ Tân Cương – lãnh thổ của khu tự trị lớn nhất của Trung Quốc, đã ghi nhận 97 ca mắc mới trong 1 ngày qua, tăng 4 ca so với 93 ca vào hôm thứ Tư (9/11).

Các quốc gia trên thế giới đã chọn chung sống chung với virus và mở cửa hoàn toàn. So với hàng chục ngàn ca lây nhiễm mỗi ngày tại những quốc gia này, 97 ca nhiễm của Tân Cương là quá ít ỏi.

Các nhà bình luận ở nước ngoài chỉ ra rằng khi khả năng gây chết người của chủng virus Omicron đã suy yếu nhiều, chính quyền ĐCSTQ vẫn kiên quyết thực hiện chính sách Zero-COVID, ngoài việc duy trì danh tiếng của ông Tập Cận Bình, thì mục đích chủ yếu là mượn cớ phòng chống dịch để tăng cường kiểm soát và duy trì ổn định xã hội.

Tân Cương đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì xây dựng một lượng lớn các “trại giam giữ” mà giới chức gọi là “trung tâm dạy nghề”, giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, tẩy não, tra tấn, cưỡng bức lao động, cưỡng bức triệt sản và đàn áp người dân tàn bạo.

Tổ chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo đặc biệt vào tháng Tám, phát hiện rằng Trung Quốc có thể đã phạm “tội ác chống lại loài người” ở Tân Cương. Quốc hội và chính phủ một số nước đã cáo buộc Bắc Kinh phạm tội “diệt chủng” đối với những người Hồi giáo thuộc các dân tộc thiểu số, như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hãng tin AP cho biết, trong quá trình đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, chính quyền địa phương đã thiết lập một hệ thống giám sát quy mô lớn khắp Tân Cương.

Camera có ở khắp mọi nơi, các công nghệ kỹ thuật cao như phần mềm nhận dạng khuôn mặt và giọng nói đã được sử dụng rộng rãi tại Tân Cương. Vì vậy việc giám sát và hạn chế sự di chuyển của tất cả người dân Tân Cương dễ như trở bàn tay.

Bình Minh (t/h)