Theo thống kê chưa đầy đủ từ Minghui.org vào tháng 11/2022, 26 học viên Pháp Luân Công mới đã bị kết án phi pháp. Trong số đó, bà Ngưu Tiểu Na, một phụ nữ tàn tật ở tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 15 năm tù.

id13884754 001 2022 12 7 mh persecution panxing 1 600x400 1
Số liệu thống kê về số học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án phi pháp từ tháng 1 – 11/2022. (Ảnh: Minghui.org)

Các khu vực bị kết án phi pháp nặng nhất là: Tỉnh Quảng Đông 6 người; tỉnh Liêu Ninh 5 người; tỉnh Sơn Đông 5 người; tỉnh Hắc Long Giang 2 người.

Luật sư nhân quyền Ngô Thiệu Bình nói với Epoch Times rằng vào đêm trước Ngày Nhân quyền Thế giới (10/12), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với ông Đường Dũng (Tang Yong), cựu Phó giám đốc khu vực Trùng Khánh, vì đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, cần chấm dứt tội ác và chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Người phụ nữ tàn tật Ngưu Tiểu Na bị kết án phi pháp 15 năm tù

Bà Ngưu Tiểu Na (47 tuổi) là học viên Pháp Luân Công bị khuyết tật ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Gần đây, bà đã bị kết án phi pháp 15 năm tù và bị phạt 1.000 nhân dân tệ (144 USD). Bà Ngưu Tiểu Na không phục và đã kháng cáo.

Bà bị bệnh thấp khớp nghiêm trọng khi là sinh viên đại học năm thứ 2. Bà bị đau xương bất thường, đầu gối sưng tấy đến mức không thể duỗi ra được và phải nằm liệt trên giường. Mẹ bà đã đưa bà đi chữa trị khắp nơi, nhưng không có kết quả.

Vào tháng 10/1998, bà Ngưu Tiểu Na được giới thiệu tu luyện Pháp Luân Công. Sức khỏe của bà đã cải thiện đáng kể, cơn đau biến mất và tình trạng sưng khớp gối dần thuyên giảm, nhưng chân của bà vẫn không thể co duỗi bình thường. Năm 2004, bà Ngưu bị kết án phi pháp 14 năm tù vì kiên định với đức tin của mình.

Pháp Luân Công là môn tu luyện Phật gia, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, gồm 5 bài công pháp, có tác dụng kỳ diệu trong việc chữa bệnh và giữ gìn sức khỏe, rất được ưa chuộng.

Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công, vì sợ rằng số lượng học viên Pháp Luân Công nhiều hơn các đảng viên của ĐCSTQ. Để làm sáng tỏ sự thật và thức tỉnh thế giới, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục đã phải trả một cái giá không thể tưởng tượng nổi.

Rạng sáng ngày 19/4/2021, bà Ngưu Tiểu Na bị cảnh sát Cáp Nhĩ Tân bắt cóc trái phép, nhà của bà cũng bị lục soát. 79 cuốn sách Pháp Luân Công, 4 máy tính xách tay, cùng nhiều điện thoại di động và thẻ ngân hàng đều bị cướp.

Bà Ngưu Tiểu Na bị bắt cóc và đưa vào trại tạm giam. Do môi trường trong trại giam khắc nghiệt, bà đã gánh chịu những cơn đau khắp người. Ngoài ra bà còn bị đau tim, đau đầu và đau mắt. Ngày 9/7/2021, bà được tại ngoại chờ xét xử do không thể tự chăm sóc bản thân.

Cuối tháng 9/2022, bà bị Tòa án Giao thông Đường sắt Cáp Nhĩ Tân kết án 3 năm tù theo Điều 300 của “Luật Hình sự”. Nhưng tòa lại tuyên bố rằng “kết hợp với hình phạt đã không được thực hiện lần trước”, nên bà bị kết án 15 năm tù.

Vào cuối tháng 11/2022, Tòa án Giao thông Đường sắt Cáp Nhĩ Tân cấp trung đã tổ chức một phiên tòa xét xử vụ án lần thứ 2 qua video. Bà cho biết mình không có tội.

Về trường hợp của bà Ngưu Tiểu Na, trước đây, ông Ngô Thiệu Bình, cựu Luật sư nhân quyền Đại Lục, đã nói với NTDTV (Mỹ) rằng: “Bản án 14 năm tù trong lần xét xử đầu tiên dành cho bà Ngưu Tiểu Na đã hết hạn, nên nó được coi như đã hoàn thành. Tòa sơ thẩm thứ 2 nên hủy bỏ bản án sơ thẩm này.”

Ông Từ Vĩnh Thanh, kỹ sư điện ở Thượng Hải, lại bị tù oan 4 năm

Học viên Pháp Luân Công Từ Vĩnh Thanh (58 tuổi) là kỹ sư điện xây dựng cao cấp ở Thượng Hải.

Tháng 10/2021, ông bị cảnh sát bắt cóc tại ga xe lửa Long Tuyền trên đường trở về Thượng Hải từ quê hương của mình là thành phố Long Tuyền, tỉnh Chiết Giang.

Ngày 2/11/2022, ông bị kết án 4 năm tù oan và bị phạt 10.000 NDT (khoảng 1.439 USD). Ông đã từ chối nhận tội và kháng cáo.

Trước đó, ông từng bị bắt cóc 2 lần vào ngày 22/8/2016 và ngày 29/11/2017. Ông bị kết án 2 năm tù, bị phạt 5.000 NDT (720 USD), và bị giam tại Nhà tù Hồng Trạch Hồ, tỉnh Giang Tô.

Ngày 28/11/2019, ông được ra tù sau khi chấp hành xong bản án và trở về Thượng Hải.

Vì bị thương trong tù, sức khỏe của ông rất yếu và phải ở nhà vì thất nghiệp. Nhưng dù sống ở đâu, ông cũng bị quấy rối, theo dõi, đuổi ra ngoài, và buộc phải chuyển chỗ ở 4 lần, bị tước quyền cư trú và mất chỗ đứng tại Thượng Hải.

Bà Lý Kiện, giáo viên về hưu, bị kết án phi pháp 3 năm 6 tháng tù giam

Học viên Pháp Luân Công Lý Kiện, là giáo viên đã nghỉ hưu của Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu.

Ngày 5/11/2020, bà Lý Kiện bị cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia Cục Công an Quận Hải Chu và Đồn cảnh sát phố Tân Cảng bắt cóc và lục soát nhà trái phép.

Các vật dụng cá nhân như sách Pháp Luân Công, tài liệu, máy tính, đĩa CD-ROM và ổ USB ở nhà đều bị tịch thu. Trước đó, vào tháng 10/2020, bà đã phát tài liệu sự thật về Pháp Luân Công cho cư dân tại Đại học Trung Sơn.

Sau đó bà bị đưa đến Nhà tù quận Hải Châu và bị giam giữ phi pháp.

Cuối năm 2021, bà bị Tòa án quận Hải Châu kết án phi pháp 3 năm 6 tháng tù và bị phạt 5.000 NDT (720USD).

Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức ĐCSTQ vì đàn áp Pháp Luân Công

Ngày 9/12/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Đường Dũng (Tang Yong), cựu phó giám thị nhà tù ở Trùng Khánh, Trung Quốc, vì tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

“Theo Mục 7031(c), Bộ Ngoại giao chỉ định ông Đường Dũng (Tang Yong) tham gia vào hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là tùy tiện giam giữ các học viên Pháp Luân Công, cấu thành một tội danh vi phạm quyền tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một tuyên bố.

Trong số 5 công dân Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt hôm thứ Sáu (9/12), ngoài ông Đường Dũng (Tang Yong), còn có cựu Bí thư Đảng ủy Tây Tạng Ngô Anh Kiệt; Giám đốc Công an Khu tự trị Tây Tạng Trương Hồng Ba; ông Lý Chấn Vũ, ông Trác Tân Vinh của Công ty Đánh cá Viễn dương Đại Liên và Công ty Thực nghiệp Hàng hải Đàm Hải (Pingtan Marine Enterprise).

Liên quan đến các biện pháp trừng phạt mới nhất của Chính phủ Hoa Kỳ, Luật sư nhân quyền Trung Quốc Ngô Thiệu Bình hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times: “Từ cấp độ hành chính, chức vụ (bị xử phạt) của họ không cao. (Điều này cho thấy) đối với các quan chức (ĐCSTQ) đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, dù ở cấp nào, dù cấp bậc cao hay thấp, cũng đều có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.”

“Tôi nghĩ đây là một thông điệp rất quan trọng. Đối với những người tham gia (bức hại), đây là một lời cảnh báo lớn: Dù họ là quan chức cấp cao hay quan chức nhỏ, xin đừng tham gia vào cuộc bức hại, đừng tham gia hành ác.”

Ông nói: “Đây là một cuộc bức hại có hệ thống của ĐCSTQ. Nó bắt đầu từ Giang Trạch Dân, và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Cái chết của ông ta là cơ hội để họ (các quan chức ĐCSTQ) có sự lựa chọn mới.”

“Đây cũng là một lời cảnh báo để họ không lặp lại những sai lầm tương tự, và dừng lại ngay lập tức, bỏ ác theo thiện, không nên tiếp tục tham gia vào cuộc bức hại,” ông nói.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.

Bình Minh (t/h)