Chiến tranh Nga – Ukraine, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, và các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) của Bắc Kinh đã khiến các nhà đầu tư lo ngại và đang rời bỏ Trung Quốc.

shutterstock 1061782883
Chiến tranh Nga-Ukraine, việc FED tăng lãi suất, và các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 của Bắc Kinh đều khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng (Nguồn: somkanae sawatdinak/ Shutterstock)

Theo CNN, giới đầu tư đang tháo chạy khỏi Trung Quốc trên quy mô chưa từng có khi các rủi ro chính trị và kinh doanh gia tăng cao khiến Trung Quốc không còn là nơi hấp dẫn.

Theo dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), vào tháng trước dòng vốn đầu tư chạy khỏi Trung Quốc ​lên đến mức cao kỷ lục 17,5 tỷ USD. IIF cho biết thêm rằng đợt tháo vốn của các nhà đầu tư quốc tế này là lớn chưa từng thấy, trong giai đoạn này không có dòng vốn bỏ chạy nào tương tự từ các thị trường mới nổi khác, trong khi dòng vốn thoát ra từ Trung Quốc bao gồm 11,2 tỷ USD trái phiếu và phần còn lại là cổ phiếu.

Trong một báo cáo ngày 24/3, ông Robin Brooks – nhà kinh tế trưởng của IIF, cùng các đồng nghiệp của ông đã viết: “Chúng tôi nhìn thấy quy mô và cường độ các dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc là chưa từng có, đặc biệt chúng tôi không thấy các dòng vốn xuất hiện hiện tượng chảy ra ngoài tương tự tại các thị trường mới nổi khác.”

Báo cáo viết: “Dòng vốn chảy ra nước ngoài sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đang nhìn nhận Trung Quốc dưới góc độ mới.”

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, những tháng gần đây ​​có sự sụt giảm kỷ lục của giới đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu. Trong tháng Hai, giới đầu tư quốc tế đã bán ròng 35 tỷ nhân dân tệ trái phiếu Chính phủ Trung Quốc, là mức giảm hàng tháng lớn nhất được ghi nhận. Quy mô bán tháo đã tăng trở lại vào tháng Ba, đạt mức cao mới 52 tỷ nhân dân tệ.

George Magnus, cộng sự tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford và là cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ là UBS cho rằng việc Bắc Kinh ủng hộ Nga xâm lược Ukraine rõ ràng là chất xúc tác khiến dòng vốn rời khỏi Trung Quốc.

Martin Chorzempa, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – tổ chức tư vấn của Mỹ có trụ sở tại Washington cho biết, người ta thấy bất an trước thái độ hai mặt của Bắc Kinh trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng rõ ràng lo lắng đối với lập trường thiên vị Nga, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể là mục tiêu của các lệnh trừng phạt nếu Bắc Kinh giúp đỡ Nga.

Bắc Kinh bỏ phiếu trắng trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng của Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng giúp Nga lan truyền thông tin sai lệch và liên tục đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc chiến. Bối cảnh này khiến chính quyền Bắc Kinh đứng trước nguy cơ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Vào ngày 20/4, số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, trong tháng Ba năm nay, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga đã giảm mạnh từ 4,4 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái xuống 3,12 triệu tấn, giảm đến 29%.

Hãng tin Reuters chỉ ra rằng các công ty Trung Quốc đã cắt giảm việc mua than của Nga, chủ yếu là do họ khó có được nguồn tài chính tương ứng từ các ngân hàng quốc doanh. Còn các tổ chức tài chính Trung Quốc làm điều này chủ yếu vì họ lo ngại các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến Nga-Ukraine không phải là lý do duy nhất đằng sau dòng vốn chảy ra. Hai yếu tố quan trọng khác khiến các nhà đầu tư sợ hãi là việc FED tăng lãi suất và chính sách phong tỏa nghiêm ngặt vì COVID-19 của Bắc Kinh.

Việc tăng lãi suất chuẩn của Mỹ đã khiến lợi nhuận đầu tư vào các tài sản có thu nhập cố định của Trung Quốc kém hấp dẫn hơn.

Việc chính quyền Bắc Kinh kiên định chính sách ‘Zero COVID’ trong phòng chống dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và gia tăng tính bấp bệnh về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.

Lu Ting (Lục Đĩnh) – chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại công ty cổ phần tài chính của Nhật Bản Nomura Securities nói với AFP: “Đi cùng vấn đề ‘Zero COVID’, chi phí sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt là khi xuất khẩu liên tục bị ảnh hưởng bởi phong tỏa. Điều này sẽ thách thức mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 5,5% trong năm nay”.

Đại dịch COVID-19 không phải là lý do duy nhất khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, khốn đốn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay có thể được bắt nguồn từ 2 năm trước khi chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy đàn áp toàn diện đối với kinh tế tư nhân dưới danh nghĩa “giám sát quản lý”, hiện có nhiều lo ngại rằng chính phủ sẽ tiếp tục cách quản chế nghiêm đối với các lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiêm giáo dục đào tạo và công nghệ.