Sáng ngày 19/6, Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bổ nhiệm 26 quan chức chủ chốt trong chính quyền mới của Đặc khu Hành chính Hồng Kông. Trong đó, 4 quan chức hàng đầu đã bị Hoa Kỳ trừng phạt, gồm tân Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee).

Embed from Getty Images

Chủ nhật, ngày 19/6/2022, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) phát biểu trong một cuộc họp báo ở Hồng Kông, Trung Quốc. (Ảnh: Bertha Wang / Bloomberg qua Getty Images)

Chính phủ Hồng Kông mới được cho là sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn

Ngày 19/6, Quốc vụ viện ĐCSTQ đã bổ nhiệm tổng cộng 26 quan chức chủ chốt của chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông nhiệm kỳ thứ 6 lên nắm quyền từ ngày 1/7. Vào buổi chiều, Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu đã dẫn đầu nhóm chính quyền Hồng Kông mới ra mắt giới truyền thông.

Chánh thư ký hành chính thứ 2 do ông Trần Quốc Cơ (Eric Chan), giám đốc đương nhiệm của Văn phòng Trưởng Đặc khu, người xuất thân từ lực lượng kỷ luật đảm nhiệm, nghĩa là 2 nhà lãnh đạo của chính quyền Hồng Kông tiếp theo đều là “quan võ”.

RFI dẫn lời ông Thái Tử Cường (Ivan Choy Chi-keung), giảng viên cao cấp tại Khoa Chính trị và Hành chính, thuộc Đại học Trung Văn, chỉ ra rằng đội ngũ mới là “võ tiến văn lui”.

Nhưng có một sự thỏa hiệp là cựu Cục trưởng Cục Xuất Nhập cảnh Trần Quốc Cơ, người đã được “tẩy trắng” 5 năm, xuất thân trong lực lượng kỷ luật, là chỉ huy thứ 2, chứ không phải ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang), cựu Giám đốc An ninh, người được đồn đại có xuất thân từ lực lượng cảnh sát.

Ngoài ra, ông Hồ Anh Minh (Woo Ying-ming), Ủy viên của Ủy ban Độc lập Chống Tham nhũng, đã được bổ nhiệm cùng 8 trong số các quan chức chủ chốt đều đến từ lực lượng kỷ luật.

Ông Thái Tử Cường cũng chỉ ra rằng trong mắt Bắc Kinh, chánh thư ký Hành chính là người có cơ hội kế nhiệm chức vị trưởng đặc khu và phải trung thành với Bắc Kinh.

Ông Trần Quốc Cơ và ông Lý Gia Siêu được chia thành các lãnh đạo cấp cao nhất và thứ hai của Chính phủ Hồng Kông. Điều này cho thấy mặc dù ông Lý Gia Siêu khoa trương muốn thành lập một chính phủ bao dung, nhưng có lẽ trong vòng 5 năm tới, ông ấy sẽ vẫn thực thi đường lối cứng rắn.

Các quan chức nói tiếng phổ thông lần đầu tiên xuất hiện, có lẽ sẽ lần lượt kéo đến Hồng Kông trong tương lai

Về các quan chức chính của chính quyền Đặc khu Hồng Kông nhiệm kỳ thứ 6, trong số 3 chánh thư ký cao cấp nhất, ngoại trừ trưởng đặc khu, chỉ có Chánh thư ký Tài chính Trần Mậu Ba (Paul Chan Mo-po) được bầu lại. Bộ trưởng Tư pháp mới là cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Lâm Định Quốc (Paul Lam Ting-kwok).

3 chức phó chánh thư ký mới gồm cựu thư ký thường trực về đổi mới và công nghệ đã nghỉ hưu đảm nhiệm; Bộ trưởng Phát triển đương nhiệm Hoàng Vĩ Luân (Michael Wong Wai-lun) đảm nhiệm chức Phó Chánh Thư ký Tài chính; ông Trương Quốc Quân (Horace Cheung), thành viên Hội đồng Lập pháp của đảng chính trị lớn nhất “Liên minh Dân chủ Vì Sự Tốt đẹp và Tiến bộ của Hồng Kông”(DAB), được bổ nhiệm làm Phó Bộ trưởng Tư pháp.

Ngoài ông Lâm Định Quốc nói trên, 3 người mới còn lại gồm ông Lô Sủng Mậu (Lo Chung Mau) – Giám đốc Cục Y tế và Sức khỏe của Bệnh viện Thâm Quyến, Đại học Hồng Kông, được bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Y tế và Sức khỏe; ông Khâu Ứng Hoa được chuyển từ vị trí giám đốc điều hành một hãng hàng không thành Giám đốc Cục Phát triển Kinh tế và Thương mại; và ông Tôn Đông (Dong Sun), một học giả “Hồng Kông trôi dạt”, người tiến thân vào Hội đồng Lập pháp từ Ủy ban Bầu cử, sẽ lãnh đạo Cục Đổi mới Công nghệ và Công nghiệp

Học giả “Hồng Kông trôi dạt” Tôn Đông trở thành quan chức đầu tiên nói tiếng phổ thông (tiếng Quan thoại). Ông ấy là “người Hồng Kông mới” sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc Đại Lục, hay còn được gọi là “người Hồng Kông trôi dạt”.

Ông Tôn Đông đã ở Hồng Kông hơn 20 năm, nhưng vẫn nói tiếng phổ thông như ngôn ngữ chính, là nghị sĩ và quan chức đầu tiên chính thức sử dụng tiếng phổ thông làm ngôn ngữ chính.

Cô Lý Huệ Linh (Li Wei-ling), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, cho biết trên chương trình trực tuyến của mình, rằng các quan chức nói tiếng phổ thông là ngôn ngữ chính sẽ lũ lượt kéo đến Hồng Kông.

4 thành viên của chính phủ Hồng Kông mới bị Hoa Kỳ trừng phạt

Sau khi phong trào chống dẫn độ quy mô lớn diễn ra ở Hồng Kông vào năm 2019, ĐCSTQ đã ban hành Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông, nhằm đàn áp những người bất đồng chính kiến. 2 năm trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức Hồng Kông và Bắc Kinh.

7 trong số 11 người này là thành viên của Chính phủ Hồng Kông, vài người trong số họ sẽ ở lại chính phủ mới, gồm bản thân ông Lý Gia Siêu, ông Đặng Bỉnh Cường – Bộ trưởng An ninh, ông Tằng Quốc Vệ (Erick Tsang) – Bộ trưởng Hiến pháp và Đại Lục, và ông Trần Quốc Cơ – Giám đốc đương nhiệm của Văn phòng Trưởng đặc khu, người sẽ giữ chức vụ Chánh Thư ký Hành chính.

3 người khác bị chế tài là ông Lô Vĩ Thông (Stephen Lo) – cựu Giám đốc Sở Cảnh sát, bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu sắp mãn nhiệm, và bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) – Bộ trưởng Tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp của chính phủ mới sẽ do ông Lâm Định Quốc, cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư, đảm nhiệm.

Bà Carrie Lam, người bị Mỹ chế tài, cho biết bà buộc phải nhận lương bằng tiền mặt vì các hạn chế của ngân hàng.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lý Huệ Linh chỉ ra trong chương trình rằng ngoại giới, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, không mặn mà với đội ngũ mới. Điều này phản ánh rằng mặc dù chính phủ hiện tại không còn khó trụ như trước, nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro bị trừng phạt, thậm chí ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình của họ. Vì vậy việc tham gia vào chính phủ hiện vẫn là một mối quan ngại.