Theo thống kê của trang Minghui.org, từ tháng 1 – 3/2022, có 44 người tu Pháp Luân Công bị Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại đến chết, trong đó có 16 học viên nam và 29 học viên nữ, phân bố ở 16 tỉnh và khu tự trị.

id13709067 2202271518181973
Ngày 27/2/2022, người tu Pháp Luân Công ở New York tuần hành trên Đại lộ 8 tại Brooklyn, nhằm ủng hộ 390 triệu người thoái xuất khỏi ĐCSTQ và thu thập được 2 triệu chữ ký cho tổ chức “Kết thúc ĐCSTQ” (EndCCP). (Ảnh: Đới Bình / Epoch Times)

Trong số đó, cuộc bức hại ở tỉnh Liêu Ninh là nghiêm trọng nhất, với 11 người bị bức hại đến chết, tiếp theo là tỉnh Hồ Bắc 6 người, Hắc Long Giang và Tứ Xuyên mỗi tỉnh 4 người. Khi còn sống, những người này đều bị ĐCSTQ giam giữ phi pháp, một số người bị kết án tù, cải tạo lao động, bị bắt cóc, giam giữ và bức hại.

Trong thời gian bị giam giữ bất hợp pháp, họ đã bị cảnh sát tà ác của ĐCSTQ và những kẻ xấu bức cung, tra tấn, hạ độc, bức hại về tinh thần và thể chất với các mức độ khác nhau.

Từ tháng 1 – 3/2022, 239 người tu Pháp Luân Công đã bị kết án phi pháp. Trong số đó, tháng Một có 132 người, tháng Hai có 33 người và tháng Ba có 74. Các bản án bất hợp pháp phân bố ở 20 tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ tháng 1 – 2/2022, 782 người tu Pháp Luân Công khác đã bị bắt cóc và quấy rối.

Dưới đây là danh sách một số trường hợp bức hại được trang Minghui.org của Pháp Luân Công báo cáo kể từ đầu năm 2022:

Trường hợp 1: Năm 2021, Phòng 610 (tổ chức phi pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công) và cảnh sát An ninh Quốc gia ở huyện Mông Âm, thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông đã viện cớ “Zero COVID” để sách nhiễu và bức hại người tu Pháp Luân Công tại địa phương.

Vào khoảng ngày 10/6, cô Tôn Ngọc Kiều bị bắt cóc khỏi nhà một cách thô bạo. Lúc 6:00 chiều ngày 18/6, cha của cô Kiều là ông Tôn Phi Tiến, cũng bị bắt cóc trong giờ làm việc và bị tra tấn đến chết vào ngày hôm sau. Cô Tôn Ngọc Kiều bị đưa đến Trung tâm giam giữ Lâm Nghi, mới đây cô đã bị kết án 7 năm tù phi pháp.

Mẹ của cô Kiều, bà Vu Tại Hoa, đã bị cảnh sát ĐCSTQ và côn đồ, thổ phỉ tại địa phương bức hại nhiều lần vì kiên định với đức tin vào “Chân – Thiện – Nhẫn“. Bà từng bị cảnh sát Vương Vĩ đá vào người, khiến gãy xương quai xanh và bị giam giữ nhiều lần tại các lớp tẩy não, trại tạm giam và trại giam, bị cải tạo phi pháp và tra tấn bằng nhiều cách khác nhau.

Sau khi đứng giữa lằn ranh sinh tử, bà buộc phải sống lưu lạc hơn 10 năm, và qua đời oan uổng vào ngày 19/8/2015, hưởng thọ 47 tuổi.

Trường hợp 2: Quý Vân Chi, một học viên Pháp Luân Công từ Bairin (Ba Lâm Tả kỳ), Khu tự trị Nội Mông, bị bức hại bởi Từ Kiếm Phong từ Đại đội An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an Tả Kỳ. Chiều ngày 21/3/2022, bà qua đời một cách bi thảm tại bệnh viện Bairin ở tuổi 66.

Lúc sinh thời, bà bị cai ngục và tù nhân trong trại giam đánh đập dã man, bị tra tấn đến chết. Bà từng nói với những người trong phòng giam rằng: “Nếu tôi chết, thì chính là chết vì bị bức hại.”

Trường hợp 3: Ngày 19/1/2022 bà Trương Tư Cầm, một học viên Pháp Luân Công 69 tuổi ở quận Kim Châu, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, bị đột nhâp vào nhà, bắt cóc và giam giữ phi pháp tới nhà tù Diêu Gia, Đại Liên.

Lúc 6:00 sáng ngày 27/1/2022, gia đình được biết bà Trương Tư Cầm đã bị tra tấn đến chết trong trại giam. Người nhà muốn xem thi thể, nhưng họ nói chỉ có thể nhìn, và nhìn xong thi thể sẽ được mang đi hỏa táng.

Trường hợp 4: Ông Trần Minh Hy, một học viên Pháp Luân Công từ quận Du Bắc, thành phố Trùng Khánh, đã bị tòa án ĐCSTQ kết án 4 năm tù phi pháp. Trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công hơn 20 năm của ĐCSTQ, ông Trần Minh Hy đã bị đưa đi lao động cải tạo bất hợp pháp 2 lần. Hơn 6 năm trước, vợ của ông, bà Vương Hiểu Hà đã bị tòa án ĐCSTQ bức hại đến chết.

Trường hợp 5: Bà Trương Ngọc Bình, một học viên Pháp Luân Công 60 tuổi ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã bị cảnh sát từ đồn cảnh sát Văn Miếu tại thành phố Thái Nguyên bắt cóc vào tối ngày 12/6/2021 vì đổi tiền chân tướng (tiền có viết sự thật về Pháp Luân Công) cho các cửa hàng tiện lợi.

Ngày 28/1/2022, bà bị Tòa án quận Nghênh Trạch, thành phố Thái Nguyên kết án 8 năm 6 tháng tù bất hợp pháp và bị phạt 30.000 nhân dân tệ (khoảng 107 triệu VNĐ). Bà Trương Ngọc Bình đã kháng cáo, nhưng hiện vẫn bị giam giữ phi pháp tại Nhà tù số 4 Cổ Giao.

Trường hợp 6: Bà Chu Tú Hoa, một học viên Pháp Luân Công 73 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị Tòa án quận Hán Dương kết án 6 năm tù bất hợp pháp. Ngày 26/1/2022, Dương Khoát, Bí thư của Tòa án cấp Trung Vũ Hán, đã gọi điện thông báo cho gia đình bà.

Dương Khoát cũng đến Trại giam số 1 Vũ Hán gặp bà Chu Tú Hoa và thông báo sự việc trên. Bà Chu ngay lập tức nói: “Tôi muốn kháng cáo và ngay lập tức làm thủ tục.”

Theo thống kê từ Minghui.org, năm 2021, có 131 người tu Pháp Luân Công bị bức hại đến chết, 1.184 người bị kết án phi pháp, 5.886 người bị bắt cóc, 10.527 người bị quấy rối, 2.747 người bị lục soát nhà và 142 người bị giữ lương hưu.

Luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc Đại Lục chỉ ra rằng mọi cáo buộc chống lại họ thực chất là đàn áp chính trị dưới chiêu bài pháp luật.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Theo một báo cáo gần đây của Minghui.org, ngày 31/3/2022, “Ủy ban Hành pháp của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc” (CECC) đã công bố Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2021.

Báo cáo cho biết, ĐCSTQ vẫn tiếp tục bức hại Pháp Luân Công và khuyến nghị rằng Quốc hội và các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ cần thúc giục ĐCSTQ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho mọi công dân; nhấn mạnh với ĐCSTQ rằng các học viên Pháp Luân Công có quyền tự do tập luyện ở Trung Quốc.

Bình Minh (t/h)