Năm 2022, Viện Vật lý Anh đã rút lại gần 900 bài báo công bố nghiên cứu khoa học có vấn đề ngụy tạo, đạo văn, trong đó hơn một nửa số tác giả đến từ Trung Quốc đại lục.

shutterstock 1660403107
Viện Vật lý Anh rút lại gần 900 bài báo nghiên cứu khoa học có vấn đề. (Ảnh minh họa: Andrey_Popov/ Shutterstock)

Theo The Times, Viện Vật lý Anh (IOP) được thành lập ở London vào năm 1874, đã có lịch sử hơn 140 năm. Theo Viện này cho hay năm 2022 họ đã buộc phải rút lại gần 900 bài báo khoa học liên quan đến đạo văn. Trong số đó có tới 497 bài báo được viết bởi các tác giả đến từ Trung Quốc Đại Lục, còn lại hầu hết là các nhà khoa học đến từ Ấn Độ hoặc Iran.

Hầu hết các bài báo khoa học mà Viện Vật lý Anh rút lại đều đến từ “xưởng bài báo khoa học” (essay mill) – kiểu cơ sở hoạt động ngầm chuyên làm giả các kết quả nghiên cứu. Những bài báo khoa học giả này được sắp xếp để đăng trên các tạp chí học thuật ở các nước phương Tây. Các lĩnh vực nghiên cứu của những bài báo này bao gồm từ các nhà máy hóa chất đến trí tuệ nhân tạo…

Ai muốn trở thành tác giả “hữu danh vô thực” của một bài báo khoa học giả thì phải bỏ ra một mức giá từ 500 – 5000 USD tùy thuộc vào tình trạng học thuật của tạp chí muốn công bố và thứ tự liệt kê tác giả. “Xưởng sản xuất bài báo khoa học giả” cũng quảng cáo dịch vụ của họ trên các mạng xã hội để thu hút khách hàng.

Ngoài ra, nhà xuất bản tạp chí học thuật Hindawi cũng đã thông báo rằng họ sẽ rút lại 511 bài báo trong 16 tạp chí trực thuộc vì những liên quan đến gian lận. Hindawi cũng nghi vấn một số bài báo khoa học đến từ “xưởng sản xuất bài báo khoa học”.

Động thái hy hữu khi rút lại bài báo khoa học từ tác giả Trung Quốc

Vào năm 2019 có 2 bài báo khoa học đã được xuất bản trên “Tạp chí Y học Pháp lý Quốc tế” (International Journal of Legal Medicine) và tạp chí “Di truyền học loài người” (Human Genetics) thuộc sở hữu của nhà xuất bản học thuật Springer Nature đã bị rút lại. Bài báo đó nói về nghiên cứu về DNA của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở Tân Cương – Trung Quốc. Vì lý do tác giả công trình người Trung Quốc xuất bản bài báo bị nghi ngờ vi phạm đạo đức trong thu thập mẫu máu từ đối tượng nghiên cứu mà không có sự đồng ý hoàn toàn của họ.

Vào ngày 7/9/2021 “Tạp chí Y học Pháp lý Quốc tế” đã tuyên bố rút lại bài báo. Trước đó vào ngày 30/8, tạp chí “Di truyền học loài người” đã có tuyên bố tương tự. Đối với tạp chí học thuật nổi tiếng quốc tế, động thái rút lại một bài báo đã xuất bản như vậy là rất hy hữu.

Tạp chí viết: “Tài liệu do tác giả cung cấp chứa không đủ thông tin liên quan đến phạm vi nghiên cứu, chúng tôi không thể tự tin rằng các quy trình này đáp ứng chính sách biên tập của chúng tôi hoặc tiêu chuẩn đạo đức quốc tế”.

Có nhiều tác giả đứng tên chung trong 2 bài báo đó, bao gồm Lý Thái Hà (Li Caixia) là nhà nghiên cứu và bác sĩ pháp y chính tại Viện Pháp y thuộc Bộ Công an Trung Quốc. Vào tháng 5/2020, Viện Pháp y của Bộ Công an Trung Quốc nơi Lý Thái Hà làm việc đã bị Chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen và hạn chế quyền tiếp cận công nghệ của Mỹ. Cơ quan chức năng Mỹ đã cáo buộc viện này là đồng phạm trong các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh: Bắt giữ tùy tiện hàng loạt, lao động cưỡng bức và giám sát công nghệ cao đối với người Duy Ngô Nhĩ.