Thống kê cho thấy trong 10 năm tới, gần 80 triệu nông dân trung niên và cao tuổi ở Trung Quốc sẽ phải vật lộn để kiếm miếng cơm manh áo.

GettyImages 84827417
Lao động nhập cư lớn tuổi đang chơi bài bên cạnh quảng cáo tìm việc làm tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Nguồn ảnh: China Photos/Getty Images)

Kể từ khi Trung Quốc “cải cách và mở cửa”, một lượng lớn nông dân đã rời bỏ ruộng đất, đến các thành phố làm việc và trở thành lực lượng lao động chính trong các ngành sản xuất và xây dựng. Thời gian trôi qua, những người lao động này nay đã hơn 50 tuổi.

Sau khi ĐCSTQ ban hành “Lệnh nghỉ hưu”, những người lao động trung niên và cao tuổi này buộc phải chờ việc ở ven thành phố, sống bằng những công việc lặt vặt.

Ngày 28/3, Tencent News đăng bài viết có tiêu đề “Đằng sau ‘Lệnh hưu trí’: 80 triệu lao động nông dân nhập cư quá tuổi không có việc làm, không có đất để sinh sống và không được nghỉ hưu”, mô tả tình trạng tiến thoái lưỡng nan của những người lao động nhập cư cao tuổi ở Trung Quốc.

Bài viết chỉ ra rằng kể từ năm 2019, Thượng Hải, Thiên Tân và những nơi khác đã ban hành “Lệnh nghỉ hưu” đối với nông nhân nhập cư trong ngành xây dựng, cấm 3 nhân sự dưới 18 tuổi, nam trên 60 tuổi và nữ trên 50 tuổi vào công trường, tham gia công tác xây dựng.

“Lệnh nghỉ hưu” được cho là nhằm đảm bảo an toàn cho những người lao động nhập cư trung niên và cao tuổi. Họ không được tiếp tục tham gia vào các công việc nặng nhọc và nguy hiểm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết lao động nhập cư trung niên và cao tuổi đang phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt và nhu cầu kiếm sống, lệnh này chỉ trị ngọn mà không trị gốc, ngược lại lại trở thành một chủ trương sai lầm, không thấu hiểu nỗi khổ của người dân.

Ngày 12/4, “Tạp chí Tài chính” của truyền thông Đại Lục đã tiết lộ thực trạng bi đát của thị trường lao động theo ngày ở Bắc Kinh.

Để có thể tồn tại trong thành phố, mỗi ngày, những người lao động nhập cư trung niên và cao tuổi này phải ra ngoài vào lúc 4h sáng, tìm kiếm việc tạm thời. Nhiều người trong số họ đã ngoài 60 tuổi. Nhưng đối thủ cạnh tranh nhiều, nên họ thường không có việc trong nhiều ngày liên tiếp.

Báo cáo cũng đưa ra ví dụ về 2 người đàn ông 50 tuổi đã đánh nhau trên phố Thuận Nghĩa, Bắc Kinh vì công việc dọn dẹp với mức lương 100 nhân dân tệ (khoảng 15USD) / ngày. Ông cụ 67 tuổi bên cạnh thậm chí còn không đủ điều kiện làm việc vì đã quá tuổi.

Ông Dexter Roberts, nhà nghiên cứu cao cấp tại tổ chức cố vấn The Atlantic Council có trụ sở tại Washington, nói với VOA rằng hoàn cảnh khó khăn của những người lao động nhập cư trung niên và cao tuổi là hình ảnh thu nhỏ của tất cả những người lao động nhập cư ở Trung Quốc.

Cơ cấu kinh tế chuyển đổi khiến một lượng lớn lao động Trung Quốc đã chuyển từ sản xuất sang ngành dịch vụ. Nhưng giờ đây, ngay cả dịch vụ ăn uống hay nhân viên giao hàng cũng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn, thất nghiệp gia tăng và lương giảm.

10 năm tới, 80 triệu nông dân, công nhân trung niên và cao tuổi sẽ phải chật vật kiếm miếng cơm manh áo.

Theo “Báo cáo giám sát và khảo sát lao động nhập cư quốc gia” do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố vào năm ngoái, tổng lao động nhập cư ở Trung Quốc năm 2021 là 293 triệu người, trong đó gần 80 triệu người trên 50 tuổi, chiếm 27,3%.

Nói cách khác, trong 10 năm tới, 80 triệu lao động nhập cư này sẽ bước sang tuổi 60, mà không có an sinh xã hội và y tế.

Điều đáng chú ý là mặc dù các quan chức ĐCSTQ nhận thức được vấn đề này, nhưng họ vẫn không có bất kỳ hành động cụ thể nào.

VOA dẫn lời ông Vương Quốc Thần, trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu số 1 thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa của Đài Loan, chỉ ra rằng theo mô thức xử lý của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong tương lai, nhằm giải quyết vấn đề lao động nhập cư, e rằng ĐCSTQ sẽ lại tổ chức các hợp tác xã tiếp thị và cung ứng, cũng như thúc đẩy “thịnh vượng chung” của chủ nghĩa xã hội.

Ông nói: “Đặc điểm lớn nhất của các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị chẳng phải là thực phẩm sẽ rẻ hơn sao? Trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, điều này sẽ giúp người lao động nhập cư được miếng ăn với giá rẻ hơn.

Ngoài ra, có những công việc gì dành cho họ? Vấn đề ở Trung Quốc Đại Lục quá nhiều. Miễn là nông dân nhập cư không bạo loạn, tôi nghĩ ưu tiên của họ sẽ luôn được xếp sau cùng, thói quen của Trung Quốc là ưu tiên cho các thành phố.”

Tháng 2 năm nay, tại Diễn đàn quản lý tài sản toàn cầu lần thứ 5, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết, để việc quy hoạch tổng thể lương hưu quốc gia đạt được “mức thỏa đáng hơn”, cần “sự hỗ trợ và hợp tác của tài khoản lương hưu cá nhân.”

Các quỹ hưu trí của Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã thâm hụt rất lớn. Hiện giờ ĐCSTQ thúc đẩy “quy hoạch tổng hợp quốc gia” lương hưu, có lẽ là vì không có tiền để lấp đầy các khoản thâm hụt.

Bình Minh (t/h)