Ngày 13/3 tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc đã diễn ra phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất Nhân đại Trung Quốc (Quốc hội) khóa 14, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có bài phát biểu ấn định cho “Trung Quốc mộng”, trong đó cũng có vấn đề đáng lưu ý đề cập đến Hồng Kông.

GettyImages 1215824816
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Kevin Frayer/Getty Images)

Tại phiên bế mạc của Nhân đại Trung Quốc vào ngày 13/3, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 1800 từ, trong 3 thông điệp quan trọng của bài phát biểu có thông điệp đáng lưu ý đề cập đến Hồng Kông với hy vọng rằng Hương Cảng sẽ “hòa nhập tốt hơn vào sự phát triển chung của đất nước Trung Quốc”. Mấy thập niên qua từ thời Mao – Đặng – Giang – Hồ đến Tập Cận Bình, ứng xử của ĐCSTQ đối với Hồng Kông chỉ có thể hình dung bằng hai từ “lợi dụng”. Vì vậy cơn ác mộng của giới tư bản Hồng Kông có thể sắp ập đến.

3 thông điệp quan trọng trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình như sau:

1. Kiện toàn hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội vào năm 2050

Ông Tập Cận Bình tuyên bố từ nay đến giữa thế kỷ này, tức là đến năm 2050, “nhiệm vụ trọng tâm” của toàn Đảng, toàn dân Trung Quốc là hoàn thành xây dựng hiện đại hóa chủ nghĩa xã hội tại Trung Quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Biện pháp là theo “5 nhất thể” (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, và văn minh sinh thái) và “4 toàn diện” (xã hội khá giả, cải cách sâu, pháp trị, đảng quản lý toàn diện) đưa ra tại Đại hội 20 để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

2. Củng cố an ninh quốc gia và đẩy mạnh xây dựng quốc phòng

Ông Tập Cận Bình bày tỏ sự cần thiết “cân bằng tốt hơn giữa phát triển và an ninh”, nhấn mạnh “an ninh là nền tảng của phát triển”, “phải quán triệt tổng thể an ninh quốc gia, cải thiện hệ thống an ninh quốc gia, tăng cường khả năng duy trì an ninh quốc gia, nâng cao quản trị an ninh công và cải thiện hệ thống quản trị xã hội để đảm bảo mô hình phát triển mới với mô hình an ninh mới”.

Ông Tập Cận Bình cũng cho biết “phải thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội Trung Quốc”, quân đội Trung Quốc không chỉ phải bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia mà còn phải bảo vệ lợi ích phát triển quốc gia.

3. Hồng Kông cần hội nhập vào xu thế phát triển chung của Trung Quốc

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ kiên quyết thúc đẩy “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông và sự nghiệp vĩ đại thống nhất tổ quốc; “thúc đẩy xây dựng Trung Quốc hùng mạnh không thể tách rời sự thịnh vượng lâu dài và ổn định của Hồng Kông và Ma Cao”; phải thực hiện toàn diện, chính xác và kiên định nguyên tắc “một nước, hai chế độ”; hỗ trợ Hồng Kông và Ma Cao phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế của người dân và hội nhập tốt hơn vào sự phát triển chung của Trung Quốc.

Nhấn mạnh “an ninh quốc gia” cho thấy nổi lên thực trạng mất an ninh?

Từ 3 phương hướng chỉ đạo đó có thể thấy phương hướng “Trung Quốc mộng” của ông Tập Cận Bình. Dù sau đại dịch COVID-19 khiến mọi ngành nghề đang lâm cảnh điêu đứng, lòng dân bất bình, nhà chức trách vẫn không ngừng hô to những khẩu hiệu trống rỗng để tự tô son điểm phấn thỏa mãn thói tự mãn. Ngoài ra, điều đó cũng phản ánh rằng ông Tập không hiểu phát triển kinh tế phải dựa trên tự do, cởi mở, pháp quyền và công lý.

Ngoài ra, có lẽ ông Tập cảm nhận được xu thế bất bình từ người dân Trung Quốc nên liên tục nhấn mạnh “an ninh quốc gia”, điều đó cho thấy nổi lên cảm giác bất an của ông Tập.

Như đã biết, Trung Quốc không có nguy cơ bị kẻ thù nước ngoài xâm lược, điều mà ông Tập Cận Bình chú trọng không phải là an ninh của Trung Quốc, mà là an ninh của ĐCSTQ. Ông lo lắng số đông người dân đang ngày ngày phải vật lộn với ngưỡng nghèo khổ sẽ nổi dậy. Xu thế phản kháng đó chắc chắn sẽ nhận được ủng hộ của các nước dân chủ phương Tây, nếu tình hình đó tiếp tục leo thang trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung trên bình diện quốc tế sẽ trực tiếp đe dọa vị thế quyền lực của ông Tập. Do đó Tập Cận Bình hy vọng sẽ củng cố an ninh quốc gia và dập tắt mọi cuộc biểu tình từ trong trứng nước thông qua giáo dục tẩy não, giám sát chặt chẽ và đàn áp bằng bàn tay sắt.

Ông Tập cũng đề cập đến sự cần thiết phải thúc đẩy quốc phòng và xây dựng quân đội, nhấn mạnh rằng quân đội bảo vệ lợi ích phát triển quốc gia. Vậy thì vấn đề “thống nhất Đài Loan” có liên quan gì đến lợi ích phát triển quốc gia?

Trò “tâm lý chiến” với Đài Loan?

Cuối cùng, ông Tập Cận Bình có động thái hiếm thấy khi đề cập đến Hồng Kông và Ma Cao. Nhưng vì Ma Cao chỉ là một thành phố nhỏ với dân số chưa bằng 1/10 Hồng Kông, quy mô phát triển kinh tế, thương mại và tài chính kém xa so với Hồng Kông, do đó có lẽ việc đề cập Ma Cao chẳng qua là thuận thế nhắc qua, còn hướng chính của ông Tập Cận Bình chủ yếu đề cập đến Hồng Kông. Đây cũng là điều cần đặc biệt lưu ý.

Một là việc ông Tập Cận Bình đặt ý “một nước, hai chế độ” đi cùng ý “thống nhất đại nghiệp” trong một câu, điều này gợi nhớ đến một bài của Lư Văn Đoan (Lu Wentuan) đăng trên tờ Minh Báo (Ming Pao) Hồng Kông gần đây. Trong bài báo, tác giả đã gửi thông điệp tới xã hội cũng như giới chính trị và kinh doanh Hồng Kông: Hồng Kông phải kể tốt câu chuyện “một nước, hai chế độ”, làm gương cho Đài Loan, giành nhân tâm của người Đài Loan, và đóng góp vào sự nghiệp vĩ đại thống nhất quê hương. Tác giả cũng trích dẫn bài phát biểu trước đó của ông Tập Cận Bình nói rằng “chính quyền trung ương luôn xem xét các vấn đề Hồng Kông từ góc độ chiến lược và tổng thể”.

Nói cách khác, có thể ĐCSTQ có ý định sử dụng cái gọi là “sự thịnh vượng và ổn định” của Hồng Kông trong khuôn khổ “một nước, hai chế độ” để thúc đẩy “cuộc chiến nhân tâm” đối với Đài Loan.

Hồng Kông thành nước cờ lớn “bố trí chiến lược”

Ông Tập Cận Bình cũng yêu cầu Hồng Kông phải hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước Trung Quốc. Từ khi Đại Lục thúc đẩy cải cách mở cửa, Hồng Kông đã đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Vậy tại sao Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh sự hội nhập của Hồng Kông vào sự phát triển chung của đất nước Trung Quốc?

Không khó để tìm ra manh mối từ một mẩu tin tức khác: Trong ngày Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu (Li Jiachao) dự phiên bế mạc Nhân đại tại Bắc Kinh, đến buổi chiều đã có cuộc gặp thành viên của Phòng Thương mại Hồng Kông tại Đại Lục để tìm hiểu về sự phát triển của giới doanh nhân Hồng Kông ở đây, trong cuộc gặp đã khuyến khích doanh nhân Hồng Kông phát triển ở Đại Lục và “nắm bắt các cơ hội do sự phát triển chung của đất nước Trung Quốc mang lại”. Nói cách khác, ĐCSTQ đã rất thích các quỹ của Hồng Kông.

Bởi vì hiện ĐCSTQ đang đi vào ngõ cụt chưa từng thấy. Trong 40 năm cải cách và mở cửa khiến của cải phương Tây chảy vào Trung Quốc giúp ĐCSTQ lớn mạnh và qua đó thiết lập hệ thống giữ quyền lực khổng lồ. Chính quyền Bắc Kinh cũng sử dụng sự phát triển kinh tế làm cơ sở cho tính hợp pháp của họ. Đông đảo dân chúng cũng cảm thấy cuộc sống của họ được cải thiện nên im lặng trước việc nhà cầm quyền đàn áp nhân quyền và quyền tự do, thậm chí họ còn cảm thấy nếu để ĐCSTQ suy sụp thì có thể cả lương hưu họ cũng bị mất.

Nhưng sau chiến tranh thương mại Trung-Mỹ và 3 năm phong tỏa xã hội vì đại dịch COVID-19, nguồn vốn nước ngoài đã dần rút khỏi Trung Quốc khiến một lượng lớn người Trung Quốc gia nhập đội quân thất nghiệp; nhưng ĐCSTQ vẫn phải tìm cách đảm bảo túi tiền cho giới quyền quý để liên kết Nga, đến châu Phi đầu tư, mở rộng vũ khí tấn công Đài Loan, trả lương cho công an, cảnh sát mạng, an ninh quốc gia trong hệ thống duy trì ổn định xã hội khổng lồ… Tóm lại, cái gì cũng cần tiền, nhưng tiền đâu mà tìm? Đương nhiên, Hồng Kông trở thành con tốt thí lớn trong “bố trí chiến lược” của ông Tập Cận Bình.

Giới tư bản Hồng Kông cấu kết với ĐCSTQ sớm muộn gì cũng phải trả giá

Theo Forbes 2023, trong 10 người giàu nhất Hồng Kông thì Lý Gia Thành (Li Ka-shing) đứng đầu với tài sản ròng trị giá 39 tỷ USD; thứ hai là Lý Triệu Cơ (Lee Shau Kee) chủ Tập đoàn Nhà đất Henderson với tài sản 30,3 tỷ USD; thứ ba là Henry Cheng của Tập đoàn Chu Đại Phúc với 28,9 tỷ USD; thứ 4 là gia đình Lee Man Tat với 19,3 tỷ USD. Các vị trí từ 5- 10 là: Ngô Quang Chính (Peter Kwong-Ching Woo, 16,9 tỷ USD), Quảng Tiêu Khanh (Kwok Kwong Siu-hing, 15,2 tỷ USD), Lã Chí Hòa (Lui Che-woo, 14,9 tỷ USD), Lưu Loan Hùng (Joseph Lau Luen-hung, 13,2 tỷ USD), đồng sáng lập Ali Baba Thái Tôn Tín (Cai Chongxin, 8,5 tỷ USD), và “vua đồ chơi” Thái Chí Minh (Francis Choi, 8,2 tỷ USD).

Tính toán sơ bộ cho thấy tài sản ròng của 10 người này lên tới gần 200 tỷ USD, ĐCSTQ vốn đang trong cảnh khó khăn sẽ khó tránh tận dụng “nguồn tài nguyên” này? Câu hỏi đó có cơ sở không nhỏ từ vấn đề nhiều nhà tư bản Hồng Kông đã tích lũy được rất nhiều của cải nhờ thông đồng với ĐCSTQ.

Theo tác giả Thẩm Đông (Shen Dong) của cuốn hồi ký Red Roulette (câu chuyện của người trong cuộc về sự giàu có, quyền lực, tham nhũng và báo thù ở Trung Quốc ngày nay), trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, một số gia đình lớn ở Hồng Kông đã có giao dịch làm ăn với gia đình của các thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Tác giả Thẩm Đông mô tả rằng những đại gia đình này là chính phủ ngầm đến cả chính quyền Hồng Kông cũng kiêng nể, nhìn vấn đề sâu xa thì có thể nói người dân Hồng Kông nộp thuế cho chính những gia đình này. Nhưng luật chơi đã được thay đổi sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, và giờ đây Bắc Kinh đang thực sự trực tiếp kiểm soát Hồng Kông.

Hành tung xã hội đen thì sớm muộn gì cũng phải trả giá, nếu đám tư bản Hồng Kông cấu kết với phe Giang thì trong cảnh ĐCSTQ khốn khó sẽ không thể tránh bị ông Tập Cận Bình tăng cường “đòi nợ”, như vậy e rằng cơn ác mộng của giới tư bản Hồng Kông sắp ập đến!

Lý Tử Nhậm
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)