Ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công tác chính phủ cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình. ông Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của Sankei Shimbun, cho rằng báo cáo này là điển hình cho “sự giả dối, phóng đại, sáo rỗng, cứng nhắc, và vô nghĩa” của quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ly Khac Cuong
Ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công tác chính phủ cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình. (Ảnh: Chụp màn hình video CNA)

Hôm 4/3, kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc lần thứ 14 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường chỉ ra rằng trong năm qua, trước tác động của đại dịch COVID-19, ĐCSTQ đã đạt được những thành tựu khó đạt được trong việc ngăn chặn dịch bệnh và ổn định nền kinh tế.

Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc trong năm nay là tăng trưởng sản phẩm quốc nội lên 5%. Báo cáo cũng nêu rõ phải quán triệt chính sách “một quốc gia, hai chế độ” “những người yêu nước quản lý Hồng Kông và Macao”. Phần về Đài Loan cũng nêu rõ cần “tuân thủ thỏa thuận về sự đồng thuận năm 1992, phản đối độc lập và thúc đẩy thống nhất”, v.v.

Báo cáo kết thúc trong khoảng một giờ. Ông Lý Khắc Cường cũng không quên nhắc đến ông Tập Cận Bình nhiều lần, và cúi chào sau khi bước xuống.

Về báo cáo này, ngày 6/3, ông Akio Yaita đã thẳng thừng tuyên bố trên Facebook rằng bản báo cáo công việc cuối cùng của ông Lý Khắc Cường trước khi rời nhiệm sở có vẻ hơi chiếu lệ, không có nội dung cụ thể, là điển hình cho “sự giả dối, phóng đại, sáo rỗng, cứng nhắc, và vô nghĩa”. Điều duy nhất đáng thảo luận trong báo cáo là mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ông nói: “Mục tiêu năm ngoái được đặt ra là 5,5%, và kết quả được công bố là 3,0%, về cơ bản là bị cắt giảm một nửa. Kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, chưa từng thấy số liệu nào thảm hại như vậy. Tất nhiên, ĐCSTQ nói rằng nguyên nhân là do dịch bệnh, nhưng chúng ta đều thấy rằng đó không phải là lý do. Liệu mục tiêu 5,0% đặt ra lần này có thể đạt được hay không. Kỳ thực, ông Lý Khắc Cường chỉ đọc cho xong các con số rồi giải tán. Bước tiếp theo phải chờ xem tân Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) làm thế nào.”

Ông Akio Yaita cũng cho biết, theo quan sát của ông: “Trung Quốc rất khó đạt được mục tiêu này. Vì có nhiều thông tin tiêu cực về nền kinh tế Trung Quốc. Đầu tiên là việc Hoa Kỳ phong tỏa và đàn áp công nghệ, đặc biệt là chất bán dẫn – trụ cột chính của sự phát triển kinh tế. Thứ hai là sự di dời của các ngành công nghiệp và nhân tài. Các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc đang rút lui trên quy mô lớn. Điều nghiêm trọng hơn việc di dời các ngành công nghiệp là dòng chảy nhân tài. Trước nhiều nghịch cảnh khác nhau, các tài năng đã không thể thực hiện lý tưởng của mình tại Trung Quốc.”

Ông cũng bổ sung thêm rằng từ phổ biến nhất hiện nay là “Nhuận” (bính âm đọc là “Run”, nghĩa là tháo chạy), được lấy từ bính âm “run” của chữ “Nhuận”, đồng âm với từ “run” trong tiếng Anh, nghĩa là trốn thoát, chạy trốn. Nhiều doanh nhân và nghệ sĩ giải trí thà từ bỏ thị trường của mình, cũng quyết định rời khỏi Trung Quốc.

Vì vậy, một số người nói rằng sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, “năm nào cũng là năm nhuận (tháo chạy), tháng nào cũng là tháng nhuận (tháo chạy)”, nghĩa là “có cơ hội là mọi người tháo chạy”, không chỉ là di cư, những người nhập cư lậu cũng rất nhiều.

“Xu thế này tạm thời chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu không có nhân tài, nền kinh tế sẽ rất khó phát triển.”

Ngoài ra, ông Akio Yaita cũng chỉ ra rằng điểm mấu chốt nhất là sự thay đổi trục chính trong chính sách của ĐCSTQ.

“Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSTQ năm 1987, ông Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách ‘một trung tâm, hai điểm cơ bản’, tức là tập trung vào trọng tâm ‘kiến tạo kinh tế’. Hai điểm cơ bản là ‘4 nguyên tắc cơ bản’, ‘Cải cách và Mở cửa’.”

“Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 lần này không còn nhắc đến cải cách mở cửa và xây dựng kinh tế, mà trở thành ‘Trung Hoa mộng’ và ‘Trung thành với Đảng’. Sự thay đổi lớn như vậy đã khiến mọi người nghi ngờ về kỳ vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc, và mất niềm tin vào tương lai. Có thể sẽ có một ‘mùa xuân nhỏ’ trong vài tháng tới, nhưng xét đến trung và dài hạn, quan điểm của tôi về kinh tế Trung Quốc là khá bi quan”.