Bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính (CFO) của Huawei và là con gái của ông Nhậm Chính Phi, được bổ nhiệm làm Chủ tịch luân phiên của Huawei.

shutterstock 1251813769
Bà Mạnh Vãn Châu (Ảnh: Stocked House Studio / Shutterstock.com)

Ngày 1/4, Huawei phát đi thông báo cho biết, công ty đã hoàn thành việc bầu ban kiểm soát, bầu chủ tịch hội đồng quản trị, kiểm soát viên và kiểm soát viên dự khuyết của tập đoàn.

Thông tin cập nhật mới nhất về tầng quản lý trên trang web chính thức của Huawei cho thấy, ông Quách Bình (Guo Ping) không còn là chủ tịch luân phiên của Huawei, giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu đã trở thành chủ tịch luân phiên của Huawei, cùng với ông Hồ Hậu Lộc (Hu Houlu) và ông Từ Trực Quân (Xu Zhijun) trở thành chủ tịch luân phiên. Ông Quách Bình chuyển sang làm chủ tịch hội đồng giám sát, ngoài ra, ông Đinh Vân (Ding Yun) – một trong ba giám đốc điều hành ban đầu của Huawei, đã được điều chuyển làm phó chủ tịch hội đồng giám sát của Huawei.

Về vấn đề này, phía Huawei hồi đáp rằng: “Công ty cam kết tối ưu hóa và hoàn thiện cấu trúc quản trị nội bộ để làm cho nền tảng của công ty tồn tại mãi mãi. Việc bầu lại ban kiểm soát là một công việc thúc đẩy quản trị công ty có trật tự phù hợp với điều lệ.”

Chủ tịch luân phiên là lãnh đạo cao nhất của Huawei, được luân chuyển 6 tháng 1 lần, trách nhiệm bao gồm tổ chức các cuộc họp của hội đồng quản trị và ủy ban điều hành của công ty. Chủ tịch luân phiên, là một đặc điểm tổ chức công ty khác thường của công ty tư nhân không niêm yết trên thị trường như Huawei, đặt quyền lực vào tay người sáng lập Nhậm Chính Phi và một số giám đốc điều hành lâu năm của công ty, chức vị này có quyền phủ quyết.

Theo trang web chính thức của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung, từng là giám đốc kế toán quốc tế của Huawei, giám đốc tài chính (CFO) Huawei Hồng Kông, chủ tịch ban quản lý kế toán. Hiện bà giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch luân phiên và giám đốc tài chính (CFO) của Huawei.

Reuters đưa tin, bà Mạnh Vãn Châu đóng vai trò trung tâm trong cuộc xung đột của Huawei với Mỹ. Bà đã bị bắt giữ tại Canada vào năm 2018 liên quan đến một công ty liên kết với Huawei bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau đó, Mỹ đã áp đặt một loạt các hạn chế thương mại đối với Huawei trong năm 2019 và 2020 với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Điều này cản trở khả năng của Huawei trong việc tự thiết kế chip và việc mua linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài cũng gặp khó khăn, từ đó làm suy yếu hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty.

Bà Mạnh được phép trở lại Trung Quốc vào tháng Chín năm ngoái, sau khi đạt được thỏa thuận với các công tố viên Mỹ để chấm dứt các cáo buộc trong một vụ gian lận ngân hàng.

Ngày 28/3, bà Mạnh Vãn Châu tham dự cuộc họp báo cáo thường niên năm 2021, đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của bà sau khi trở về Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, bà Mạnh cho biết doanh thu bán hàng toàn cầu năm 2021 của Huawei đạt 636,8 tỷ nhân dân tệ, lợi nhuận ròng là 113,7 tỷ nhân dân tệ. Đầu tư cho nghiên cứu của Huawei vào năm 2021 đạt 142,7 tỷ nhân dân tệ, chiếm 22,4% doanh thu hàng năm của hãng; tổng chi phí cho nghiên cứu và phát triển trong 10 năm đã vượt 845 tỷ nhân dân tệ.

Bà Mạnh cho biết quy mô của Huawei đã trở nên nhỏ hơn, nhưng năng lực đối phó với sự bất ổn định vẫn không ngừng được cải thiện. Nhờ sự cải thiện về lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chính, dòng tiền hoạt động của Huawei vào năm 2021 đạt 59,7 tỷ nhân dân tệ, và tỷ lệ tài sản – nợ phải trả sẽ giảm xuống còn 57,8%.

Bà Mạnh cho biết: “Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 3 năm qua. Trong thời gian sau khi trở về Trung Quốc, tôi đã chăm chỉ học tập, hy vọng có thể bắt kịp nhịp sống của xã hội”.