Giới truyền thông Mỹ đưa tin, Trung Quốc tự quảng bá là nước có số đơn đăng ký bản quyền sáng chế nhiều nhất trên thế giới, thế nhưng thực tế cũng có số lượng rất lớn đơn đăng ký sau đó “bỏ cuộc”. So sánh với đơn xin bản quyền sáng chế của Mỹ, tỷ lệ số đơn đăng ký bản quyền sáng chế của Trung Quốc ngừng gia hạn sau 5 năm cao gấp 4,5 lần.

http://gty.im/458363164

Máy bay mô hình thăm dò sao Hỏa trưng bày trong Hội chợ Công nghiệp Quốc tế Trung Quốc năm 2014 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Thượng Hải (Ảnh: Getty Images) 

Hôm thứ Tư (26/9), hãng tin tài chính Bloomberg tại Mỹ đưa tin, Trung Quốc rất tự hào vì trong 10 năm qua số bằng sáng chế trong nước của Trung Quốc được đệ trình có số lượng nhiều nhất, nhưng thực tế cho thấy chủ nhân của đơn xin bản quyền sáng chế không mặn mà để lưu giữ chúng. “Về phương diện sáng chế thiết kế, tại Trung Quốc cứ 10 đơn xin bản quyền sáng chế thì có hơn 9 đơn từ bỏ duy trì gia hạn sau 5 năm, gần như trái ngược với tình hình tại Mỹ”, thông tin cho biết.

Người nộp đơn phải nộp kèm theo một số lượng lớn tài liệu, nhưng hầu hết đơn đăng ký bản quyền sáng chế đến năm thứ 5 thì chủ nhân từ bỏ gia hạn bảo vệ bản quyền, trường hợp này thường xảy ra khi người xin bản quyền sáng chế cảm thấy rằng lợi ích duy trì không đáng so với chi phí bỏ ra để duy trì bản quyền.

“Điều này có nghĩa rằng các bằng sáng chế (Trung Quốc) này không có giá trị như tưởng tượng”, Lục Tuấn Phong (Lu Junfeng), một luật sư sáng chế tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Thượng Hải JZMC cho biết. Ông cũng nói rằng tỷ lệ duy trì các bằng sáng chế thiết kế của Trung Quốc quá thấp, đến mức nhiều người nghi ngờ liệu Trung Quốc có khả năng sáng chế lớn mang tính hệ thống thực sự hay không.

Tỷ lệ ngừng gia hạn sau 5 năm: TQ cao gấp 4,5 lần Mỹ

Chính quyền Trung Quốc ban hành ba loại bằng sáng chế: thiết kế, ứng dụng và phát minh. Bloomberg đưa tin rằng, theo dữ liệu bằng sáng chế và nhãn hiệu hàng hóa mà JZMC Thượng Hải tra cứu được cho thấy, cho đến năm 2017, trong số bằng sáng chế thiết kế ở Trung Quốc cấp từ năm 2013, có hơn 91% số bằng sáng chế “bỏ cuộc” vì chủ nhân ngừng trả tiền chi phí duy trì. “Thực tế tỷ lệ rút bằng sáng chế thiết kế quá cao, thật đáng kinh ngạc”. Lục Tuấn Phong cho biết, “Điều này cho thấy mong muốn lưu giữ lại bản quyền sáng chế của người xin là rất thấp”.

Ngoài ra, tình hình ứng dụng của các sáng chế cũng không lạc quan, 61% số sáng chế ứng dụng đã xin rút gia hạn sau 5 năm.

Lượng bằng sáng chế phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc trong những năm qua là hai loại bằng sáng chế thiết kế và ứng dụng, lần lượt chiếm 24% và 53% trên tổng số. Cả hai đều có thời hạn bảo hộ 10 năm, chúng không có yêu cầu phải qua xem xét nghiêm ngặt, và có thể được phê duyệt trong chưa đầy một năm.

Nhìn chung, về giá trị bản quyền sáng chế, hai loại bản quyền sáng chế trên không có giá trị bằng loại phát minh. Bản quyền sáng chế phát minh chiếm 23% tổng số bản quyền sáng chế Trung Quốc trong năm 2017, loại bản quyền sáng chế này cần phải qua một quá trình thẩm tra kéo dài 18 tháng, chỉ được cấp khi được xem xét cẩn trọng, sau khi được phê duyệt sẽ được bảo vệ bản quyền sáng chế độc quyền trong 20 năm. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ lệ ngừng gia hạn bản quyền sáng chế phát minh sau 5 năm xin đăng ký của Trung Quốc cao tới 37%. Tính bình quân tổng số thì tỷ lệ ngừng gia hạn bản quyền sáng chế tại Trung Quốc sau 5 năm xin bản quyền là khoảng 63%.

Nếu so sánh với dữ liệu của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPO), kể từ năm 2013 đến nay có 86% đơn đăng ký bản quyền sáng chế của Mỹ đã chọn tiếp tục trả phí gian hạn giữ bản quyền 5 năm tiếp theo, như vậy tỷ lệ ngừng gia hạn chỉ khoảng 14%. Nói cách khác, tỷ lệ ngừng gia hạn bản quyền sáng chế của Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo cao gấp 4,5 lần so với Mỹ.

Lạm phát gian lận bản quyền do xây dựng phong trào thi đua

Ngoài tỷ lệ cao số người ngừng gia hạn bản quyền sáng chế, một vấn đề khác với bằng sáng chế của Trung Quốc là sự tồn tại của một số lượng lớn các bằng sáng chế gian lận. Vào tháng Tám, Tân Hoa Xã có “động thái hiếm” khi lên án vấn đề người Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, thủ đoạn làm giả mạo và không đạt chuẩn. Nguồn tin cho  biết vấn đề vi phạm tràn lan sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc do “ý thức quyền sở hữu trí tuệ quá kém, khiến nhu cầu làm giả tăng cao và nhiều công ty không tuân thủ chuẩn mực về bản quyền trí tuệ”.

Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã hủy bỏ ít nhất 14 giấy phép công nghệ cao năm 2018 của các công ty, nhưng không giải thích lý do cụ thể.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại lục cũng đã đưa tin về vấn đề phổ biến rộng rãi của các bằng sáng chế tại Trung Quốc, trong đó lý do chính của tình trạng gia tăng bằng sáng chế là việc thúc đẩy của chính quyền địa phương. “Các nơi phải cạnh tranh, số lượng bằng sáng chế là cách để phô trương thành tích đổi mới khoa học và công nghệ của địa phương”, ông Lai Tiểu Bằng (Lai Xiaopeng) Viện trưởng Viện Nghiên cứu Luật Sở hữu trí tuệ Học viện Luật Dân sự và Kinh tế Đại học Khoa học Chính trị Trung Quốc chia sẻ trên tờ Beijing Business Today. “Số lượng bản quyền sáng chế nhiều không nói lên điều gì, điều quan trọng là vấn đề thương mại hóa và công nghiệp hóa các bản quyền sáng chế”, ông nói.

Vấn đề là trong số lượng lớn bản quyền sáng chế gian lận ở Trung Quốc, có đến 96% số bản quyền sáng chế đã được nộp cho Văn phòng Sở hữu trí tuệ Nhà nước Trung Quốc (SIPO), vào năm 2015 đã có hơn một triệu đơn đăng ký, còn lại 4% bản quyền sáng chế nước ngoài cũng là số lượng lớn, liên quan đến Văn phòng Đăng ký Bản quyền sáng chế nước ngoài.

Hồi tháng Năm, Nhật báo Phố Wall (WSJ) từng đưa tin, một số lượng lớn thương hiệu gian lận từ Trung Quốc đang phá hoại hệ thống thương hiệu của Mỹ, không chỉ khiến Cục Sáng chế và Thương hiệu Mỹ không xử lý nổi, còn làm những người nộp đơn bình thường phải chịu thêm chi phí quản lý. Giới quan chức Mỹ chia sẻ rằng nhiều hồ sơ Trung Quốc đáng nghi trong vấn đề giới thiệu sản phẩm và luật sư đại diện.

Theo số liệu của Văn phòng Thương hiệu và Sáng chế Mỹ, số lượng đơn xin bản quyền thương hiệu vào năm 2017 đến từ Trung Quốc tăng hơn 12 lần so với năm 2013; số lượng tổng thể so với Canada, Đức, Anh cũng nhiều hơn hàng ngàn đơn. Tính trung bình, cứ 9 đơn xin bản quyền thương hiệu thì có một đơn là từ Trung Quốc.

Mark Cohen, cựu cố vấn cấp cao của  Văn phòng Sở hữu trí tuệ và bản quyền sáng chế Trung Quốc thuộc Viện Luật pháp Berkeley cho biết, ĐCSTQ có “chỉ đạo về chỉ tiêu và số lượng” bản quyền sở hữu trí tuệ, đây là lý do khiến Trung Quốc có rất nhiều đơn xin bản quyền nhãn hiệu và sáng chế ở nước ngoài.

Không có tư pháp độc lập bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là mấu chốt

Vương Tường (Wang Xiang), người phụ trách sở hữu trí tuệ Trung Quốc tại Công ty Luật Orrick cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đã không xem xét nghiêm túc động cơ đơn xin của một công ty. “Thật không may, theo hệ thống tư pháp hiện nay của Trung Quốc (ĐCSTQ), không có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn các đơn xin gian lận hoặc bằng chứng giả mạo.” Ông tin rằng mặc dù chất lượng các bản quyền sáng chế tại Trung Quốc đang gia tăng hàng năm, nhưng khoảng cách so với Mỹ vẫn còn rất lớn.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phức tạp hơn bảo vệ quyền sở hữu hữu hình, đòi hỏi cao về trình độ của thẩm phán và các cấp thực thi pháp luật cũng như các chương trình bảo vệ hành chính.

Tổ chức công nghệ thông tin và đổi mới (ITIF) của Mỹ đã công bố báo cáo chỉ ra rằng, về bảo vệ sở hữu trí tuệ, ở mức độ lớn, tòa án của ĐCSTQ chỉ thừa hành quyết định của Chính phủ, khiến các công ty nước ngoài không có lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ.

Một người sử dụng Internet Trung Quốc tại Thâm Quyến từng tham gia vào vụ kiện sở hữu trí tuệ hơn 10 năm qua cho biết: “(Tôi) từng đến cơ quan phúc thẩm trong ít nhất bốn vụ kiện, cảm giác của tôi là phán quyết của cơ quan phúc thẩm như chơi ném đồng xu!” Ông còn cho biết, đến một vụ phóng hỏa giết người mà hệ thống tư pháp cũng không thể đảm bảo công bằng, việc hy vọng có thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là “đánh trận trên giấy”.

Trí Đạt

Xem thêm: