Bắt đầu vào nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập Cận Bình đã bổ nhiệm ông Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương hàng thứ nhất, hiện nay ông Hứa Kỳ Lượng được cho là viên tướng quyền lực nhất Trung Quốc. Một số tổ chức truyền thông Mỹ gần đây đã chỉ ra, từ sau Đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, việc bắt giữ các tướng lĩnh cấp cao đều thông qua ông Hứa Kỳ Lượng kiến nghị và đích thân xử lý.

 

http://gty.im/513840540

Một số cơ quan truyền thông Mỹ nhận định rằng sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, trong thanh lọc bộ máy quân đội, việc thanh trừng các tướng lĩnh cấp cao nhạy cảm nhất do ông Hứa Kỳ Lượng đề xuất và đích thân xử lý (Ảnh: Getty Images)

Trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã lần lượt hội đàm với ông Tập Cận Bình (trong vai trò tiếp đón là Chủ tịch Quân ủy Trung ương), Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kỳ Lượng và Bộ trưởng Quốc phòng Cộng sản Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa.

Ngày 2/7, Bill Gotz, biên tập viên kỳ cựu của “Ngọn đèn Tự do Washington” (Washington Freedom Lighthouse), người theo dõi chuyến thăm của ông Mattis tới Trung Quốc, đã xuất bản một bài viết dài tập trung đề cập nhân vật Hứa Kỳ Lượng.

Nhân vật quan trọng giúp Tập Cận Bình gia cố quyền lực cá nhân

Theo bài viết của biên tập viên Bill Gotz, ông Hứa Kỳ Lượng là nhân vật quan trọng giúp ông Tập Cận Bình gia cố quyền lực cá nhân. Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tập trung quyền vượt trội so với các nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc trước đây. Còn nhân vật Hứa Kỳ Lượng là nhân vật giúp Tập Cận Bình trong việc kiểm soát quân đội. Sở dĩ như vậy vì ông Hứa Kỳ Lượng và ông Tập Cận Bình đã có một tình bạn thân thiết cách đây nhiều năm từ thời ở Phúc Kiến. Trước khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012, hai người đã là đồng nghiệp trong nhiều năm, và có quan hệ mật thiết như người trong gia đình.

Một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc cho rằng ông Hứa Kỳ Lượng là nhân vật tin cậy nhất của ông Tập Cận Bình, tất cả những tướng lĩnh cao cấp bị xử lý đều do chủ ý của ông Hứa Kỳ Lượng.

Bài viết cho biết, trong vài năm qua, ít nhất 60 tướng lĩnh và hàng chục sĩ quan cấp cấp bị bắt hoặc bị sa thải, trong đó những tướng lĩnh cấp cao nhạy cảm nhất đều do cá nhân ông Hứa Kỳ Lượng xử lý.

Vào tháng Mười năm ngoái, khi đó ông Dương Hiểu Độ (Yang Xiaodu) còn là Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, trong buổi họp báo Đại hội 19 đã thông báo trong vòng 5 năm trở lại đây có tổng cộng 440 quan chức cấp cao trong Đảng – Chính phủ – Quân đội bị lập án điều tra, trong đó có khoảng 280 quan chức Đảng và Chính phủ thuộc trung ương quản lý, như vậy đã gián tiếp tiết lộ số tướng lĩnh cấp cao bị điều tra là hơn 160.

Truyền thông Hồng Kông thì chỉ ra, thời ông Giang Trạch Dân kiểm soát quân đội trong gần 20 năm, đã bổ nhiệm tay sai Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu trấn giữ quân đội, hai người này đã khống chế quân quyền của ông Hồ Cẩm Đào, và tay sai của họ kiểm soát tất cả các cấp trong quân đội Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ 5 đầu ông Tập Cận Bình cầm quyền, hàng loạt tướng lĩnh cấp cao bị hạ bệ, tiêu biểu như Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Thượng tướng Phòng Phong Huy và Trương Dương, cựu Chính ủy Không quân Điền Tu Tư, cựu Tư lệnh Vũ cảnh Vương Kiến Bình, cựu Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng Vương Hy Bân.

Trong bài viết Bill Goetz cho biết, quá trình ông Tập Cận Bình sàng lọc quân đội còn có hơn 13.000 binh sĩ đã bị trừng phạt, tại Đại hội 19 vào tháng 10/2017 được cho là đến 80% đại biểu quân đội chỉ lần đầu tiên tham dự Đại hội.

Trước thềm Đại hội 19, trong triển lãm lớn về thành tựu 5 năm ông Tập Cận Bình cầm quyền tổ chức ở Bắc Kinh đã trưng bày hình ảnh những quan chức cấp cao bị trừng phạt vì tội tham nhũng, bao gồm: Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Tôn Chính Tài.

Tại Đại hội 19, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc Lưu Sỹ Dư (Liu Shiyu) công khai đề cập Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng là “âm mưu soán Đảng đoạt quyền”.

Bài báo cho rằng, chính thân tín Hứa Kỳ Lượng trấn giữ trong quân đội đóng vai trò quan trọng củng cố quyền lực và uy danh của ông Tập Cận Bình. Ông Hứa Kỳ Lượng đã sử dụng cơ quan tình báo khổng lồ trong quân đội để xác định các quan chức quân sự cấp cao nào khả nghi gây nguy hiểm cho quyền lực của ông Tập.

Tướng cấp cao được đề bạt nhanh nhất trong thời Đặng Tiểu Bình

Ông Hứa Kỳ Lượng năm nay 68 tuổi, đã lên chức Sư trưởng từ 33 tuổi, đến 34 tuổi đã lên Phó Quân trưởng, 54 tuổi trở thành chỉ huy một đại Quân khu, 57 tuổi trở thành Ủy viên Quân ủy Trung ương, nằm trong số tướng lĩnh cấp cao được đề bạt nhanh nhất trong thời ông Đặng Tiểu Bình nắm quyền.

Từ năm 1988 – 1993, ông Hứa Kỳ Lượng đã nắm các chức vụ như Phó Quân trưởng tạm quyền, Tham mưu trưởng, Quân trưởng của Quân thứ 8 Không quân đóng tại thành phố Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến; thời ông Tập Cận Bình thì ông Hứa Kỳ Lượng đã qua các chức như Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, Bí thư thành phố Ninh Đức, Bí thư Phúc Châu.

Bước quan trọng trong sự nghiệp quan trường của ông Hứa Kỳ Lượng là khoảng năm 1993 – 1994. Trong thời điểm này Hứa đã trải qua ba chức vụ liên tiếp, từ Quân trưởng Quân thứ 8 đến Phó Tham mưu trưởng Không quân và sau đó đến Tham mưu trưởng Không quân, 44 tuổi đã trở thành Phó Tư lệnh Đại Quân khu.

Bài viết cho rằng việc ông Hứa Kỳ Lượng được đề bạt “siêu khác thường” liên quan chặt chẽ đến nhân vật Trương Chấn (Zhang Zhen) trong Quân ủy Trung ương. Vì Trương Chấn được ông Đặng Tiểu Bình giao phó đề bạt một loạt sĩ quan quân đội trẻ, và Hứa Kỳ Lượng là một trong số đó.

Năm 2004, ông Hứa Kỳ Lượng nhậm chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, lên chức Tư lệnh Không quân vào năm 2007, năm 2012 trở thành Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông Hứa Kỳ Lượng rất được ông Tập Cận Bình trọng dụng. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình, Hứa trong vai trò là Phó Chủ tịch Quân ủy (hàng thứ hai) được bổ nhiệm “Phó Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách quân sự”, trở thành phụ tá hàng đầu trong cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình. Vào thời điểm đó, Phó Chủ tịch Quân ủy thứ nhất Phạm Trường Long chỉ là Phó ban thứ hai.

Khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập Cận Bình, ông Hứa Kỳ Lượng được thăng chức Phó Chủ tịch Quân ủy thứ nhất, còn ông Phạm Trường Long nghỉ hưu. Có thông tin cho rằng ông Phạm Trường Long là thân tín của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Từ Tài Hậu thuộc phe cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, có nhiều nguy cơ bị điều tra.

Trí Đạt

Xem thêm: