Một người phụ nữ hét lên trong căn hộ đang chìm trong lửa ở Urumqi – video này giống như ngòi nổ kích thích mọi người trên khắp Trung Quốc. Nhiều chuyên gia về thời sự chính trị hải ngoại cho rằng đây là làn sóng phản đối lớn nhất ở Trung Quốc kể từ sau sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

id13873835 a9ef664a5c61c996ce73d9ed2fbee24e 600x400 1
Sinh viên của Học viện Truyền thông Nam Kinh tại Trung Quốc đã tổ chức mặc niệm các nạn nhân ở Tân Cương và phản đối ‘Zero COVID’. (Ảnh: MXH)

Vụ hỏa hoạn ở thành phố Urumqi tại Tân Cương đã khiến người dân trên khắp Trung Quốc khiếp sợ cách ly và phong tỏa. Sau vụ thảm họa, tiếng nói phản đối lan rộng trên mạng, sau đó người dân và sinh viên các trường đại học ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Vũ Hán, Tây An, Trường Sa, Cáp Nhĩ Tân, Trùng Khánh… cũng đồng loạt phản đối.

Theo các bài đăng trên mạng xã hội, mọi người biểu tình bằng cách dán truyền đơn, ca hát và vẽ khẩu hiệu, hô vang những khẩu hiệu như “Không có tự do thà chết còn hơn”…, Những người biểu tình cũng xuống đường thể hiện bất đồng với nhà cầm quyền, thậm chí ở Thượng Hải còn có động thái hiếm thấy khi mọi người công khai hô vang “Tập Cận Bình thoái vị”, “Đảng Cộng sản thoái vị”.

Cơn thịnh nộ chưa từng thấy trong 30 năm

Bloomberg News dẫn lời giáo sư Perry Link tại Đại học California (Mỹ) đã xem các video clip về các cuộc biểu tình ở Thượng Hải và phân tích: “Đây có thể xem là biến cố xuống đường phản kháng mạnh mẽ nhất tại Trung Quốc kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989”.

“Những cuộc biểu tình này rõ ràng được đông đảo người dân ủng hộ, thông qua các video clip cho thấy có sự liên kết giữa các thành phố khác nhau — đây là một sự kiện phản kháng toàn quốc”, giáo sư Perry Link – người từng biên tập các tài liệu mật về thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 – cho hay.

Tờ “Người Úc” (The Australian) đưa tin, giám đốc David Moser của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, cho biết: “Tôi đã sống ở Trung Quốc 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy biểu tình táo bạo, công khai và duy trì được như vậy…. Đây là thách thức nghiêm trọng cho quyền lực của ĐCSTQ”.

Vào ngày 11/11, ĐCSTQ đã ban hành “Điều 20” để phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong đó đã yêu cầu vừa kiên quyết ‘Zero COVID’ lại vừa nới lỏng kiểm soát, điều này được nhiều nhà quan sát coi là nhiệm vụ bất khả thi. Phó giáo sư Chen Xi về kinh tế và chính sách y tế toàn cầu tại Đại học Yale (Mỹ) nói với BBC rằng bản chất của “Điều 20” là thí nghiệm thay đổi cách làm nhưng vẫn phải trong khuôn khổ ‘Zero COVID’, tuy nhiên thiếu sự phối hợp đồng bộ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phản ứng tổng thể của ĐCSTQ đối với chiến lược dịch bệnh.

Bloomberg News dẫn lời chuyên gia Victor Shih, về chính trị Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, nói rằng các ủy ban khu phố chịu trách nhiệm thực hiện “Điều 20” không thể quản lý các cộng đồng với hàng nghìn cư dân. “Đó là một nhiệm vụ bất khả thi, khiến (các quan chức địa phương) phải thực hiện các biện pháp cực đoan như đóng chặt cửa nhà người dân. Điều này tất nhiên đã gây ra làn sóng khiếu nại và thậm chí là chống đối”.

id13872537 Collage Maker 24 Nov 2022 10.24 PM
Hôm 24/11, một người đàn ông ở Vũ Hán đã hét lên: “Không có tự do thà chết còn hơn”, được người dân cổ vũ. Người này sau đó đã bị cảnh sát bắt đi. (Ảnh chụp màn hình video)

Làm lung lay quyền lực của ĐCSTQ?

Hiện nay, ĐCSTQ đang ở tình thế khó khăn. Lãnh đạo Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo hàng đầu của họ đã khoe khoang rằng ‘Zero COVID’ thể hiện cái gọi là “ưu việt” của nước xã hội chủ nghĩa, nhưng số ca nhiễm mới ở Trung Quốc ngày nay đang không ngừng gia tăng khiến trong quan sát quốc tế thì cách làm ‘Zero COVID’ của ĐCSTQ trở thành cách làm dị thường.

Rất hiếm khi người dân Thượng Hải dám công khai hô vang những khẩu hiệu như “Tập Cận Bình thoái vị”“Đảng Cộng sản thoái vị”, do đó đây là tiếng nói công khai táo bạo hiếm thấy tại Trung Quốc.

Bloomberg dẫn lời học giả Drew Thompson tại Đại học Quốc gia Singapore nói rằng các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc thể hiện sự thất vọng và tức giận trước lệnh phong tỏa: “Đó là thể hiện sự thất vọng, thất vọng với quản trị của quan chức địa phương yếu kém và thô bạo”.

“Tôi không nghĩ điều này gây ra mối đe dọa hiện hữu nào đó đối với ĐCSTQ, nhưng chắc chắn là vấn đề với Tập Cận Bình”, ông Drew Thompson cho hay.

Nhiều cư dân mạng cũng lan truyền MV bất bình: Ca khúc “They Don’t Care About Us” (Họ vô cảm với chúng ta) của Michael Jackson có hơn 100.000 lượt thích.

Liệu có ‘Thiên An Môn thứ 2’?

Cơn giận dữ dâng trào đột ngột trên mạng vào cuối tuần qua dường như lấn át cơ quan kiểm duyệt internet mạnh mẽ của ĐCSTQ. Những người bình luận đã chia sẻ các trường hợp tử vong và căng thẳng tài chính liên quan đến ‘Zero COVID’.

“Đối với những người nhảy lầu, tôi không nói gì; sau đó với những người chết trong tai nạn xe buýt…tôi không nói gì… nhưng rồi đến lượt tôi và rồi không ai còn lên tiếng cho tôi”, một dòng trạng thái được lan truyền mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc.

Các cuộc biểu tình lan rộng đã làm dấy lên lo ngại rằng ĐCSTQ có thể thúc đẩy đàn áp bạo lực cực đoan. Tuy nhiên khi ĐCSTQ vẫn chưa công khai phản ứng trước tình trạng bất ổn đang gia tăng, vào Chủ nhật cơ quan ngôn luận Nhân dân Nhật báo của nhà cầm quyền đã đăng một bài trên trang nhất nhắc lại sự cần thiết của ‘Zero COVID’ vì “phù hợp với bản chất và nguyên tắc của Đảng”.

Về vấn đề này, giáo sư Perry Link của Đại học California cho biết: “Tôi nghĩ có thể đoán trước được rằng cuộc đàn áp sẽ xảy ra. Những người như Tập Cận Bình chắc chắn sẽ chống trả, sẽ không tiếc công sức (để trả thù)”.