Đàm phán thương mại Mỹ – Trung vẫn đang được tiến hành, mặc dù có triển vọng đạt được cam kết thương mại; giới quan sát cho rằng, cam kết thương mại có thể làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, nhưng không đủ để giải quyết xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ.

Embed from Getty Images

(Ảnh minh họa từ Getty Images)

Đài BBC đưa tin hôm 22/4 cho biết, cam kết thương mại có lẽ sẽ hòa hoãn một giai đoạn xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chỉ có thể là tạm thời và ảnh hưởng có hạn; còn xung đột trong lĩnh vực công nghệ quan trọng giữa hai nước có thể sẽ lớn hơn nữa.

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã vượt ra ngoài phạm trù thương mại, đằng sau là sự đối kháng về giá trị quan hoàn toàn khác nhau. Dù bước tiếp theo hai bên có đạt được thỏa thuận thương mại hay không, thì sự đối kháng này đều sẽ trở thành trạng thái bình thường.

“Chúng ta đã bước sang một trạng thái bình thường mới, cạnh tranh địa chính trị Mỹ – Trung gia tăng và ngày càng rõ ràng hơn”, ông Michael Hirson – Quản lý khu vực châu Á của Eurasia Group chia sẻ với BBC.

Đứng sau Huawei, Trung Quốc đang bố trí quân cờ ở nước ngoài

Có chuyên gia phân tích chỉ ra, tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ quan trọng rất có thể sẽ kịch liệt hơn. Ví dụ như công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đang được thế giới chú ý là Huawei, Mỹ cùng hàng chục quốc gia và khu vực đều bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về tính bảo mật đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Ngoài hạn chế cơ quan liên bang sử dụng thiết bị của Huawei, Mỹ còn kêu gọi đồng minh tránh né thiết bị của công ty này. Úc, New Zealand, Nhật Bản, Đài Loan đều cho biết sẽ ngăn chặn mạng di động 5G sử dụng thiết bị của Huawei.

Trong khi đó, Huawei liên tiếp phủ nhận mối quan hệ của mình với chính phủ Trung Quốc, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng cho biết, công ty của ông tuyệt đối không làm bất cứ hoạt động gián điệp nào.

Tuy nhiên, Huawei lại mượn danh nghĩa doanh nghiệp tư nhân, có được sự cam kết ủng hộ tài chính lớn từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc nhờ vào chính sách mang tính hạn chế của chính phủ, dựa vào khoản vay lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thị trường để xây dựng mạng lưới viễn thông ở nước ngoài, từ đó nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Từ năm 2005, thu nhập ở nước ngoài của Huawei đã bắt đầu vượt trên thu nhập trong nước, trở thành nguồn thu nhập chủ yếu của công ty này. Còn thị trường của các công ty sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng ở nước ngoài đã nhanh chóng bị thôn tính hoặc bị thu nhỏ lại.

Năm 2012, Bloomberg News đăng một bài báo cáo liên quan đến Ngân hàng phát triển quốc gia Trung Quốc, trong đó có nói, một nhân viên của nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng Alcatel-Lucent từng nói với ông chủ của anh ta: “Chúng tôi sẽ không chết trong tay Huawei, dù có chết, cũng là chết trong tay Ngân hàng phát triển Trung Quốc”.

Có thông tin nói, Nhậm Chính Phi và Giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Trần Nguyên (Chen Yuan) có mối quan hệ mật thiết; Trần Nguyên từng công khai nói, việc ngân hàng của ông ta giúp đỡ doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nghiệp vụ ở nước ngoài được gọi là “sắp đặt nước cờ”, “chiến lược dịch vụ quốc gia”. Theo cách nói của ông, Huawei chính là quân cờ dò đường mà Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đầu tư tung ra.

Xung đột thương mại Mỹ – Trung, tiếp tục xuất hiện hiệu ứng về sau

Dan Harris – đối tác quản lý của công ty luật Harris Bricken chuyên về đầu tư Trung Quốc tại Mỹ, đã chia sẻ với Nhật báo Phố Wall (WSJ) rằng: “Không thể nào vì hai nước Trung – Mỹ đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, rồi hai bên liền cùng nói rằng chuyện trước đây là một trò đùa. “

“Thuế quan, các vụ bắt giữ, đe dọa và rủi ro cao đã tạo thành ảnh hưởng cho công ty, ảnh hưởng này không thể nói không có liền biến thành không có”, ông Dan Harris nói.

Hồi cuối tháng 2, một bản khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy, 65% thành viên cho rằng, quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng đã ảnh hưởng đến chính sách dài hạn của công ty họ, có đến 1/4 thành viên đã trì hoãn kế hoạch đầu tư thêm vào Trung Quốc.

Ảnh hưởng rõ nhất khi Mỹ tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đó là ngành may mặc và giày dép. Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (American Apparel and Footwear Association) Rick Helfenbein cho biết, tranh chấp thương mại trong quá khứ đã làm thay đổi chuỗi cung ứng của ngành này, ít nhất là 10 năm cũng chưa thể khôi phục lại.

Ông nói, khi các doanh nghiệp may mặc cùng các chuyên gia phân tích, nhà đầu tư đàm luận về những ảnh hưởng mà các nhân tố bất ổn mà của Trung Quốc đưa đến, câu trả lời sai lầm là “90% nghiệp vụ của chúng tôi có liên quan đến Trung Quốc”, câu trả lời khôn ngoan là “chúng tôi đang cố gắng giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Chính quyền Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh, hy vọng lấy lại quan hệ hợp tác thương mại bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc, hành vi thương mại không công bằng của trong quá khứ Trung Quốc cần phải thay đổi.

Thực ra, sự lo lắng của Mỹ đối với Trung Quốc gia tăng, có liên quan rất lớn đến các biện pháp cấp tiến của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Ví dụ: Dự án “Một vành đai, Một con đường”, “Made in China 2025” và bồi dưỡng doanh nghiệp quán quân quốc gia chiếm lĩnh thị trường toàn cầu; tuy nhiên về đối nội Trung Quốc lại tăng cường kiểm soát ý thức hình thái, những điều này đều khiến cho ngoại giới lo lắng về việc Trung Quốc lạm dụng tài nguyên, thâm nhập vào các nước.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hồi tháng 10 năm ngoái đã nói trong một bài phát biểu rằng, Trung Quốc lựa chọn “xâm lược kinh tế”, chứ không phải là mở cửa kinh tế và lựa chọn trở thành “quan hệ đối tác lớn hơn”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự đối lập song phương Mỹ – Trung là không thể tránh khỏi, sâu xa hơn là sự khác nhau về chế độ của Mỹ và Trung Quốc khiến cho họ “đồng sàng dị mộng” trong nền kinh tế toàn cầu. Cũng như vậy, dù là doanh nghiệp Trung Quốc hay là doanh nghiệp Mỹ, hiện cũng đều đang đặc biệt thận trọng về việc phục hồi các khoản đầu tư song phương.

Xung đột Mỹ – Trung bình thường hóa, tương lai sẽ ra sao

Hôm 21/4, tờ WSJ đăng bài viết nói rằng, thỏa thuận thương mại hai nước Mỹ – Trung đang đàm phán dự kiến sẽ giúp công ty Mỹ tại Trung Quốc có được đãi ngộ tốt hơn, khiến Trung Quốc mua nhiều nông sản và hàng hóa khác của Mỹ hơn.

Cùng với tranh chấp Mỹ – Trung bình thường hóa, các chuyên gia phân tích dự đoán các biện pháp phi thuế quan trong tương lai có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu xa hơn, Mỹ có thể sẽ bảo lưu biện pháp phi thuế quan để làm công cụ gây áp lực khiến Trung Quốc phải thay đổi cách làm không công bằng của họ.

Tiếp nữa là, Mỹ còn có thể hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, hạn định phạm vi công ty Mỹ xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, hành động đối với từng công ty Trung Quốc cũng có thể là công cụ được sử dụng.

Quan hệ Trung – Mỹ sẽ phát triển ra sao, một phần phụ thuộc vào loại hình cam kết thương mại mà hai bên đạt được. Chịu ảnh hưởng bởi thuế quan ăn miếng trả miếng, hai bên đã bắt đầu đàm phán sau khi đạt được cam kết hưu chiến vào tháng 12 năm ngoái,

Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng, dù đạt được thỏa thuận thương mại nào đi nữa, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn đã không còn như quá khứ. Ở một lĩnh vực nào đó, họ có thể “hoàn toàn hợp tác, phát triển mạnh mẽ, thiết lập quan hệ cùng có lợi”, nhưng đồng thời lại có thể thiết lập chướng ngại và tiến hành “tách rời có chọn lọc” ở các lĩnh vực khác.

Stephen Olson – Nhà nghiên cứu Thương mại toàn cầu của Quỹ Hinrich (Mỹ) chia sẻ với BBC, ông cho rằng ngày càng có nhiều lĩnh vực có thể được bao quanh bởi cả hai bên, đặc biệt là lĩnh vực có liên quan đến công nghệ.

Huệ Anh

Xem thêm: