Ngày 28/5, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michelle Bachelet Jeria, cựu Tổng thống Chile, đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 6 ngày. Tại một cuộc họp báo online ở Quảng Châu, khi nói về chuyến thăm Tân Cương, bà cho biết chuyến thăm này “không phải là một cuộc điều tra”.

Michelle Bachelet
Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, bà Michelle Bachelet. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ lo ngại rằng chuyến đi của bà Bachelet đã bị hạn chế và bị thao túng. Một số nhóm nhân quyền đã bày tỏ sự không hài lòng với việc bà tránh chỉ trích trực tiếp Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Lần đầu tiên sau 17 năm, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã có thể tới Trung Quốc, nói chuyện trực tiếp với các quan chức chính phủ cấp cao nhất của đất nước này và những người khác, về các vấn đề nhân quyền quan trọng ở Trung Quốc và toàn cầu.

Bachelet cho biết, bà đã nhìn thấy các tù nhân trong chuyến thăm nhà tù ở Kashgar, và mô tả chuyến thăm của bà là “khá cởi mở và minh bạch.”

Agence France-Presse (AFP) cho biết chuyến thăm của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc được tiến hành theo mô hình bong bóng sức khỏe khép kín trong thời kỳ đại dịch, điều này khiến bà tránh xa giới truyền thông nước ngoài.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa tin về các cuộc gặp của bà với ông Tập Cận Bình và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Vương Nghị. Bản tin chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng tiếng Trung Quốc nói cuộc gặp qua video của bà Bachelet với ông Tập là rất “quý giá”.

Bản tin chính thức của Liên Hợp Quốc cho biết, trong chuyến thăm Kashgar và Urumqi, bà Bachelet đã gặp bí thư khu tự trị Tân Cương, chủ tịch và phó chủ tịch chính quyền huyện, cùng những người khác, đồng thời đến thăm nhà tù Kashgar và trường thực nghiệm Kashgar, nơi từng là “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo nghề” (VETC). Bà cũng giao lưu với các tổ chức xã hội dân sự, giới học thuật, các nhà lãnh đạo cộng đồng và tôn giáo, cùng những tổ chức khác, cả trong nước và quốc tế.

Đề cập đến vấn đề Tân Cương, Bachelet cho biết bà khuyến khích Chính phủ Trung Quốc xem xét lại các chính sách chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan được thực hiện ở Tân Cương, “nhằm đảm bảo những chính sách này hoàn toàn tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, đặc biệt là đảm bảo chúng không được thực hiện một cách tùy tiện và phân biệt đối xử.”

Bà cho biết, mặc dù không thể đánh giá quy mô của “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo nghề”, nhưng bà đã nêu các vấn đề sau với Chính phủ Trung Quốc: Thiếu sự giám sát tư pháp độc lập đối với cách vận hành của chương trình này, sự phụ thuộc của các quan chức thực thi pháp luật vào 15 chỉ số xác định khuynh hướng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực, các cáo buộc về việc sử dụng vũ lực và ngược đãi trong các cơ sở, và báo cáo về những hạn chế quá mức nghiêm ngặt đối với việc thực hành tôn giáo hợp pháp.

Trong chuyến thăm của bà, Chính phủ ĐCSTQ đảm bảo với bà rằng họ đã dỡ bỏ hệ thống “Trung tâm Giáo dục và Đào tạo nghề”.

Trước khi đến Trung Quốc, bà Bachelet được biết một số gia đình Duy Ngô Nhĩ sống ở nước ngoài đã mất liên lạc với người thân của họ. Bà kêu gọi các nhà chức trách Trung Quốc ưu tiên cung cấp thông tin cho các gia đình này.

Bắc Kinh đang sử dụng chuyến thăm của bà Bachelet để phát động một cuộc tấn công tuyên truyền. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho biết trong một email gửi VOA rằng nhận xét của bà Bachelet ở Trung Quốc đã bị truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn hoặc mô tả sai.

Email nói, quả thực bà Bachelet đã “ca ngợi những thành tựu của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo”, nhưng không phải như Đài truyền hình Trung ương ĐCSTQ (CCTV) đưa tin là “Tôi khâm phục những nỗ lực và thành tựu của Trung Quốc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ nhân quyền và phát triển kinh tế và xã hội”; bà Bachelet từng nói rằng “Trung Quốc có thể đóng vai trò chủ chốt trong các thể chế đa phương”. Nhưng phụ đề tiếng Anh của CCTV cho biết Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc “ca ngợi vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương.”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Iraq đã tweet: “Bà Bachelet chúc mừng Trung Quốc về những thành tựu quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ nhân quyền.” Nhưng điều bà Bachelet nói chỉ là: “Chúng ta sẽ thảo luận về các quyền con người nhạy cảm và quan trọng. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp chúng ta cùng nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ở Trung Quốc và trên toàn cầu.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ lo ngại bà Bachelet bị ĐCSTQ thao túng

Ngày 28/5, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã đưa ra một tuyên bố, bày tỏ lo ngại rằng chuyến thăm của Bachelet đến Trung Quốc đã bị “hạn chế và thao túng”. Ông cũng lo lắng rằng bà sẽ không thể thực hiện một đánh giá toàn diện và độc lập về môi trường nhân quyền ở Trung Quốc, như Tân Cương, nơi đang diễn ra chế độ diệt chủng.

“Chúng tôi thậm chí còn băn khoăn hơn khi có báo cáo nói người dân Tân Cương đã được cảnh báo rằng họ không được phép phàn nàn, hoặc nói công khai về tình trạng trong khu vực, không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về tung tích của hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ đã mất tích và tình hình của hơn 1 triệu người đang bị giam giữ.”

“Lẽ ra Cao ủy đã được cấp quyền gặp gỡ bí mật với các thành viên trong gia đình người Duy Ngô Nhĩ không bị giam giữ nhưng bị cấm rời khỏi Trung Quốc và các cộng đồng người dân tộc thiểu số Tân Cương khác. Chúng tôi cũng lưu ý rằng Cao ủy không được phép tiếp cận các cá nhân đã tham gia chương trình chuyển giao lao động Tân Cương và được cử đến các tỉnh khác ở Trung Quốc.”

Ông Blinken nhấn mạnh, “Hoa Kỳ vẫn quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Đặc biệt là khi các báo cáo mới cung cấp thêm bằng chứng về việc giam giữ tùy tiện hơn 1 triệu người ở Tân Cương. Những người sống sót và gia đình của những người bị giam giữ mô tả mức độ đối xử tàn nhẫn rất khủng khiếp như tra tấn, cưỡng bức triệt sản, lao động cưỡng bức do nhà nước bảo trợ, bạo lực tình dục và buộc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ chúng.”

“Chúng tôi cũng kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng, những người sống ở Hồng Kông, những người tìm kiếm việc thực thi quyền con người một cách hòa bình được ghi trong ‘Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền’ và các quyền tự do cơ bản của tất cả những người khác.”

“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chấm dứt ngay các hành động tàn bạo ở Tân Cương, trả tự do cho những người đã bị giam giữ bất công, giải trình tung tích của những người đã biến mất, và cho phép nhân viên điều tra độc lập đến Tân Cương, Tây Tạng và tất cả các vùng của Trung Quốc mà không bị cản trở.”

Các nhóm nhân quyền lên án

Nhiều nhóm nhân quyền chỉ trích bà Bachelet đã lên án Bắc Kinh không đủ mạnh mẽ và cho phép chuyến thăm của bà bị ĐCSTQ lợi dụng để tuyên truyền. Trong tuần này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng bà ca ngợi sự tiến bộ của Trung Quốc về nhân quyền.

Về điều này, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới tuyên bố: “Chuyến thăm này đã trở thành một cơ hội tuyên truyền, giúp ĐCSTQ tô vẽ cho tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ.”

Giám đốc điều hành Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Kenneth Roth đã tweet: “Cao ủy Liên Hợp Quốc dường như nghĩ rằng bà ấy rất có sức thuyết phục và việc thì thầm sau hậu trường có thể thuyết phục Bắc Kinh giảm bớt sự đàn áp. Nhưng Bắc Kinh sẽ rất vui nếu khiến bà ấy đi một chuyến vô ích. … Họ sẽ chỉ phản ứng trước áp lực của dư luận.”

Bà Agnès Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết chuyến đi của bà Bachelet gây ấn tượng rằng “bà ấy đã tiến thẳng vào những tuyên truyền rất dễ đoán trước của Chính phủ Trung Quốc.”

Ông Luke de Pulford, giám đốc tổ chức phi chính phủ chống nô lệ Arise, đã phê phán chuyến thăm của bà Bachelet là “một hành vi thất trách mang tính thảm họa”.

“Phong trào Quốc tế vì Tây Tạng” (ICT) cũng tuyên bố: “Bà Bachelet đã mang lại cho Chính phủ Trung Quốc một chiến thắng chính trị. Cao ủy không thừa nhận bằng chứng cho thấy ĐCSTQ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống và có ý định phá hoại bản sắc văn hóa và tính mệnh của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, người Mông Cổ và những người khác. Điều này sẽ khiến ĐCSTQ trở nên hung hăng hơn và làm suy yếu hơn nữa quyền lực của các nhà hoạt động xã hội dân sự.”

Ông Hứa Trí Phong (Ted Hui), nhà cựu lập pháp Hồng Kông sống lưu vong ở Úc, mô tả tốc độ gia tăng tù nhân chính trị ở Hồng Kông là rất “đáng buồn”. Anh ấy nói rằng mỗi ngày tòa án đều xét xử các vụ án chống Dự luật Dẫn độ, và việc đàn áp chính trị xảy ra hàng ngày ở Hồng Kông. “Vẫn còn hơn 10.000 người đã bị bắt. Trong tương lai, số người bị kết án sẽ tăng gấp đôi, tin rằng số người trong tù cũng sẽ tăng lên gấp 2 hoặc 3 lần.”

Ngày 25/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022. Báo cáo cho biết tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc liên quan đến đàn áp tôn giáo.

Báo cáo cho biết: “Năm 2021, tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc còn tồi tệ hơn.” Báo cáo nói rằng Công giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo Tây Tạng, Pháp Luân Công và các nhóm khác vẫn tiếp tục bị ĐCSTQ đàn áp và “Pháp Luân Công” “đặc biệt dễ bị bức hại” ở Trung Quốc.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

Bình Minh (t/h)