Mới đây, nhiều phụ huynh mẫu giáo ở quận Long Loan, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đã bị yêu cầu ký vào giấy cam kết gia đình không theo tôn giáo, yêu cầu gia đình không tin vào tôn giáo, không tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo và truyền bá tôn giáo nào. Từ lâu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu các giáo viên ở Ôn Châu ký cam kết không tin vào tôn giáo và được yêu cầu truyền bá chủ nghĩa vô thần cho học sinh, nhưng đây là lần đầu tiên áp vào các trường mẫu giáo.

shutterstock 1741595471
(Ảnh minh họa: Lesia Povkh Shutterstock)

Phụ huynh nhiều trường mẫu giáo Long Loan, Ôn Châu nhận được “Bản cam kết gia đình không theo tôn giáo”

Theo báo cáo của Đài Á châu Tự do (RFA) vào ngày 16/3, “Bản cam kết gia đình học sinh mẫu giáo không tin vào tôn giáo” đã xuất hiện ở Long Loan, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Theo một số tín đồ Cơ đốc không muốn nêu tên ở quận Long Loan, Trường mẫu giáo số 3 và Trường mẫu giáo Nam Dương ở địa phương đã đưa ra một tài liệu có tiêu đề “Bản cam kết gia đình không tin vào tôn giáo” vào đầu tháng Ba. Nội dung bản cam kết của hai trường mầm non giống nhau, chỉ khác chỗ ký tên và chỗ đóng dấu.

Theo báo cáo, bản cam kết do các trường mẫu giáo này đưa ra yêu cầu các gia đình phải thực hiện nhiều cam kết, bao gồm “kiên trì theo phương hướng chính trị đúng đắn, tôn sùng khoa học, kiên định lý tưởng và niềm tin, tăng cường quan niệm đảng tính, củng cố kỷ luật đảng”, và “dựng lập quan niệm duy vật chủ nghĩa Marx, tăng cường giáo dục và học tập thuyết vô thần, không tin theo tôn giáo, không tham gia các hoạt động tôn giáo, không truyền bá tôn giáo ở bất cứ đâu”, v.v.

82bfd5ce e2b6 4c78 9169 e046ec7401ea
Ảnh chụp bản “cam kết phụ huynh học sinh mẫu giáo không theo tôn giáo nào” của Trường mẫu giáo số 3, khu Long Loan, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. (Ảnh: tín đồ Cơ Đốc địa phương cung cấp/ RFA)
d9c360d0 b49d 4e0d 9fe6 1f5d3ee7677a
Ảnh chụp bản “cam kết phụ huynh học sinh mẫu giáo không theo tôn giáo nào” của Trường mẫu giáo Nam Dương, khu Long Loan, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Ảnh: Tín đồ Cơ Đốc địa phương cung cấp/ RFA)

Mục sư Lưu Di (Liu Yi), hiện đang sống ở Bay Area của California (Mỹ) và đã làm việc trong Nhà thờ Tam Tự ở Chiết Giang trong nhiều năm, cho biết tình trạng như vậy đã xảy ra ở các trường mẫu giáo địa phương. Theo ông biết trong nhiều năm trước chưa từng xảy ra việc này. Ông nói: “Vào tháng 5/2018, các trường học ở nhiều nơi ở Ôn Châu đã bắt đầu điều tra tín ngưỡng tôn giáo của phụ huynh học sinh. Nhưng chúng tôi chỉ biết rằng điều này đã xảy ra ở các trường tiểu học, trung học và đại học. Bây giờ bắt đầu điều tra từ trường mẫu giáo, điều này thật không thể tưởng tượng được.”

Mục sư Lưu Di nói rằng trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Ôn Châu đã dần dần hạn chế quyền tự do tôn giáo. Vào tháng 8/2017, nhiều nhà thờ địa phương đã được chính quyền thông báo rằng trẻ vị thành niên bị nghiêm cấm vào nhà thờ. Hiện tại, sự kiểm duyệt tín ngưỡng tôn giáo của chính quyền đã mở rộng từ các trường tiểu học và trung học đến mẫu giáo, “điều này cũng cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt sự kiểm soát tôn giáo chặt chẽ hơn đối với các khu vực có nhiều người theo đạo Cơ đốc nhất ở Chiết Giang.”

ĐCSTQ buộc các giáo viên ở Ôn Châu truyền bá chủ nghĩa vô thần, “Không tin vào bất kỳ tôn giáo nào”

Theo báo cáo của Asiaews vào ngày 12/10/2019, Hiến pháp Trung Quốc đảm bảo rằng công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhưng các giáo viên cũng phải ký vào “Bản cam kết giáo viên không tin vào tôn giáo”. Phong trào thuyết vô thần trong các trường học ở tỉnh Chiết Giang đã diễn ra trong nhiều năm, ĐCSTQ yêu cầu các giáo viên ở Ôn Châu ký “Bản cam kết giáo viên không theo tôn giáo”, cam kết không tin vào bất kỳ tôn giáo nào và phổ biến thuyết vô thần cho học sinh.

b466223f de3f 4243 b1d0 35fade94b4a9
Ảnh chụp “Bản cam kết giáo viên không tin vào tôn giáo” mà các giáo viên bị yêu cầu ký vào. (Ảnh: RFA)

Nội dung “bản cam kết” bao gồm các thông tin cá nhân như họ tên, giới tính, tuổi, giờ làm việc, chức vụ, trường học… Đồng thời yêu cầu giáo viên tuân thủ một số chỉ thị “kiên định khẳng định quan điểm tôn giáo chủ nghĩa Mác, củng cố giáo dục và học tập chủ nghĩa vô thần”, “không tin bất kỳ tôn giáo nào, không tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào, hoặc quảng bá và truyền bá tôn giáo ở bất cứ đâu”.

Báo cáo chỉ ra rằng đối với nhiều tín đồ Cơ đốc và luật sư, các hướng dẫn trong “Bản cam kết” là vi hiến. Hiến pháp Trung Quốc quy định rõ ràng rằng mọi công dân Trung Quốc đều được hưởng quyền tự do tôn giáo và quyền lựa chọn tôn giáo mà không quy định công việc hay độ tuổi của họ. Tại tỉnh Chiết Giang, phong trào chống tôn giáo của ĐCSTQ đã diễn ra trong nhiều năm. Ngoài việc thúc đẩy chủ nghĩa vô thần trong trường học, ĐCSTQ đã đóng cửa và phá hủy các nhà thờ, loại bỏ các biểu tượng tôn giáo và loại bỏ thánh giá.