Các bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân ở Bắc Kinh đã nhìn thấy một thông báo được in trong phòng cấp cứu: Các bác sĩ nên “cố gắng không” ghi suy hô hấp do virus corona mới (COVID-19) gây ra trên giấy chứng tử.

Thuong Hai 8
Bệnh viện ở Thượng Hải chật kín người. (Ảnh chụp màn hình video)

Thay vào đó, theo thông báo này, nếu người chết bị các bệnh nền, thì cần liệt kê là nguyên nhân chính gây tử vong. Một bản sao của thông báo đã được Reuters nhìn thấy.

Thông báo nói, nếu các bác sĩ tin rằng nguyên nhân tử vong hoàn toàn do COVID-19 gây ra, thì họ phải báo cáo với cấp trên. Cấp trên sẽ bố trí cái gọi là “chuyên gia hội chẩn“, sau đó mới có thể đưa ra kết luận.

6 bác sĩ tại các bệnh viện công ở nhiều nơi tại Trung Quốc nói với Reuters rằng họ đã nhận được các chỉ thị miệng tương tự, nội dung không khuyến khích họ quy kết nguyên nhân tử vong cho virus hoặc corona mới; hoặc họ biết bệnh viện mình đang công tác có chính sách như vậy.

Thân nhân của một số người đã chết vì COVID-19 nói rằng nguyên nhân chết liên quan đến virus không xuất hiện trong giấy chứng tử của người thân của họ. Ngoài ra, một số bệnh nhân nói rằng mặc dù họ có triệu chứng về đường hô hấp khi đến bệnh viện, nhưng không có ai làm xét nghiệm COVID-19 cho họ.

“Kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 12 [năm ngoái], chúng tôi đã ngừng tiến hành phân loại nguyên nhân chết do virus corona mới. Làm như thế này là vô nghĩa vì hầu hết mọi người đều dương tính,” một bác sĩ tại một bệnh viện công lớn ở Thượng Hải cho biết.

Những chỉ thị như vậy đã vấp phải sự chỉ trích từ các chuyên gia y tế toàn cầu và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người cho rằng Trung Quốc đã tính toán quá thấp số người chết vì virus.

Các bác sĩ được Reuters phỏng vấn từ chối tiết lộ danh tính, vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Một số người nói rằng họ được cho biết những mệnh lệnh như vậy đến từ “Chính phủ”, nhưng không ai biết là đến từ cơ quan nào, đây là tình huống thường thấy khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành những mệnh lệnh nhạy cảm về mặt chính trị.

3 bác sĩ khác tại các bệnh viện công ở các thành phố khác nhau cho biết, họ không biết về bất kỳ nguyên tắc chỉ đạo nào như thế này. Một trong số họ là bác sĩ phòng cấp cứu cao cấp ở tỉnh Sơn Đông. Bác sĩ này cho biết, các bác sĩ đã cấp giấy chứng tử dựa trên nguyên nhân tử vong thực sự, nhưng việc “phân loại” các trường hợp tử vong là tùy thuộc vào bệnh viện hoặc các quan chức địa phương.

7 người nói với Reuters rằng giấy chứng tử của những người thân vừa qua đời của họ không đề cập đến COVID-19, mặc dù họ đã xét nghiệm dương tính với virus hoặc có các triệu chứng giống như COVID.

Một bác sĩ kỳ cựu ở Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang) cho biết các bác sĩ ở đó được yêu cầu “thận trọng” khi nói ai đó chết vì virus, nhưng nếu bác sĩ muốn xác định rằng bệnh nhân tử vong là do virus virus corona mới, thì cần được phê chuẩn.

Ông cho biết không có căn bệnh nào khác yêu cầu mức độ “thận trọng” khi ghi vào như giấy chứng tử như COVID.

Một bác sĩ tại một bệnh viện công lớn ở Thượng Hải nói với Reuters: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo lệnh của bệnh viện, những mệnh lệnh này đến từ Chính phủ. Tôi nhỏ bé đến mức không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào.”

Kể từ khi đại dịch lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán 3 năm trước, ĐCSTQ đã bị chỉ trích nặng nề vì không minh bạch về nguồn gốc và sự thật của dịch bệnh.

Kể từ đầu tháng trước (tháng 12/2022), ĐCSTQ đã đột ngột chấm dứt chính sách “zero-COVID”, gây ra một cơn bão táp dịch bệnh. Bệnh nhân nặng chật kín bệnh viện, xác chết nhiều đến nỗi lò hỏa táng phải hoạt động 24 giờ một ngày. Tuy nhiên, trong khi làn sóng dịch bệnh này chưa thể kết thúc, cuối tháng 1 sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, làn sóng người dân trở về quê đón tết sẽ khiến virus dễ dàng lây lan về các vùng nông thôn. Tỷ lệ tiêm chủng ở vùng nông thôn thấp, các bác sĩ có ít kinh nghiệm điều trị COVID-19 và việc tiếp cận các loại thuốc kháng virus đang được săn lùng sẽ khó khăn hơn so với các khu vực thành thị.