Các nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc đang tìm kiếm phương cách thoát khỏi cách tiếp cận không khoan nhượng của nước này đối với đại dịch, nhưng điều này có lẽ sẽ không xảy ra cho đến sau phiên họp lập pháp của quốc gia vào tháng 3 tới.

 

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, chiến lược kiểm soát virus corona nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh rơi vào vị thế bất lợi tương đối về mặt xã hội và kinh tế đối với các quốc gia phương Tây.

Liu Yuanchun, nhà kinh tế và hiệu phó Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm 24/1 cho hay, sự khác biệt về chính sách có thể trở nên lớn “chưa từng thấy” và có thể tạo ra “áp lực cực lớn” đối với Trung Quốc trong năm nay.

Ông nói, “So với tác động bất ngờ do đại dịch mang lại trong năm 2021, cú sốc năm 2022 có thể còn mạnh hơn.”

Bình luận của ông Liu được đưa ra sau phát biểu vào tuần trước của cựu giám đốc học viện nghiên cứu tài chính, Jia Kang, rằng mức độ nhẹ của biến thể Omicron so với biến thể Delta có thể mang lại cho họ lợi thế trong việc mở cửa trở lại trong khi Bắc Kinh vẫn giữ nguyên cách tiếp cận Zero COVID.

Ông Jia gợi ý rằng Trung Quốc nên bắt đầu để một số khu vực dần dần từ bỏ khỏi các hạn chế  nghiêm ngặt sau “hai phiên họp” tháng 3 –  phiên họp hàng năm của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính Trị Nhân dân Trung Quốc. 

“[Chúng ta nên] cố gắng tương đồng với việc mở lại sản xuất ở Mỹ và châu Âu để cải thiện khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc và giữ cho nền kinh tế đất nước phát triển trong phạm vi hợp lý,” ông Jia phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hôm 18/1.

Mao Zhenhua, nhà sáng lập và chủ tịch của China Chengxin Credit Management,  đã lặp lại quan điểm của ông Jia, nói rằng chính quyền cần xem xét chiến lược virus corona của đất nước sau hai phiên họp.

Các bình luận được đưa ra khi một số đợt bùng phát dịch cục bộ gần đây đã làm dấy lên tranh luận gay gắt về chi phí ngày càng gia tăng của chính sách Zero COVID, được thấy rõ qua các đợt phong toả nghiêm ngặt tại nhiều thành phố ở Trung Quốc.  

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến phản kháng mạnh mẽ chống lại các biện pháp “tất cả như một” được nhiều chính quyền địa phương áp dụng, như một thị trưởng ở tỉnh Hải Nam đe doạ giam giữ những người trở về địa phương ăn Tết Nguyên đán. Những sự cố kiểu này cũng gây nên cuộc tranh luận về liệu cách tiếp cận không khoan nhượng của Trung Quốc sẽ còn thực hiện được trong  bao lâu.

Tuần trước, sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi chấm dứt hầu hết các hạn chế tại Anh, một quan chức hàng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng châu Âu đang chuyển hướng tới chấm dứt đại dịch, và một nghiên cứu gần đây được công bố trên Lancet cho rằng việc chấm dứt đại dịch có thể đang tới gần. 

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn hành động không khoan nhượng trong việc theo đuổi không-có-ca-nhiễm nào. Thành phố thủ đô đã giám sát kỹ càng hơn các bưu kiện qua biên giới trước thềm Thế vận hội, trong khi tiếp tục xét nghiệm liên tiếp toàn bộ cư dân ở nhiều quận huyện khi vài chục ca nhiễm được báo cáo trong 10 ngày qua.

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: