Dữ liệu điều tra dân số mới cho thấy, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống 1,3, thấp hơn so với mong đợi. Nếu xu hướng này tiếp tục, có nhà phân tích cảnh báo rằng dân số Trung Quốc đang là 1,4 tỷ người có thể giảm một nửa vào cuối năm 2055.

shutterstock 1237406830
(Nguồn: Shutterstock)

Từ năm 1979, chính quyền Bắc Kinh đã cho thực hiện ‘chính sách một con’ khét tiếng sau khi phát hiện dân số trong nước tăng gần gấp đôi chỉ trong ba thập kỷ, gây áp lực lớn cho an sinh xã hội. Sau khi thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình tàn nhẫn, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã suy giảm nhanh chóng. 

‘Chính sách một con’ mới chỉ được nới lỏng vào năm 2013, cho phép các đôi vợ chồng sinh thêm con thứ hai nếu như vợ hoặc chồng là con một. Năm 2015, chính quyền cho nới lỏng thêm một bước nữa, chính thức dừng thực hiện ‘chính sách một con’, cho phép tất cả các gia đình sinh con thứ hai. Đến tháng Tám năm nay, Chính phủ Trung Quốc cho phép mỗi gia đình được sinh ba con, để vực dậy tỷ lệ sinh.

Chính phủ Trung Quốc trong tuần này cho biết họ đang kế hoạch hạn chế nạo phá thai nếu không đưa ra được “lý do về sức khỏe”. Tờ Daily Mail hôm 1/10 cho rằng tin tức trên cho thấy dấu hiệu Trung Quốc thiếu hụt lực lượng lao động trẻ đang ngày càng nghiêm trọng.

Hiện tại, các học giả Đại học Giao thông Tây An đã cho xuất bản một bài nghiên cứu mới chỉ ra quy mô vấn đề dân số trong nước, cảnh báo rằng tốc độ giảm dân số có thể bị đánh giá thấp nghiêm trọng. Vào năm 2019, Liên Hợp Quốc nhận thấy sự sụt giảm dân số của Trung Quốc và nhận định nước này có thể mất 100 triệu người vào năm 2065. Tuy nhiên, Giáo sư Khương Toàn Bảo (Jiang Quanbao) của Đại học Giao thông Tây An tin rằng vào cuối năm 2055, dân số Trung Quốc thực sự có thể giảm 700 triệu người. Bài báo nghiên cứu mới nhất của ông cảnh báo rằng nếu tỷ lệ sinh giảm hơn nữa, tốc độ giảm có thể còn kịch liệt hơn. Nếu tỷ lệ sinh là 1, dân số Trung Quốc sẽ giảm một nửa vào năm 2029.

Một số yếu tố khiến dân số Trung Quốc suy giảm

Tờ Daily Mail chỉ ra, tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc là sự kết hợp của nhiều yếu tố.

Thứ nhất, dân số trên 60 tuổi ở Trung Quốc hiện chiếm 18% trong tổng dân số, còn dân số dưới 17 tuổi chỉ chiếm 17%. Điều này có nghĩa là trong vài năm tới, tỷ lệ tử vong có thể vượt quá tỷ lệ sinh, trừ khi những người trẻ bắt đầu sinh thêm con. Tuy nhiên, SCMP chỉ ra rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của khả năng này, bởi vì chi phí nuôi dạy trẻ đang tăng cao, kể cả những người mong muốn có nhiều con có thể cũng không đủ khả năng.

Một lý do khác là sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc đã cung cấp giáo dục trường học chất lượng cao hơn và các lựa chọn nghề nghiệp. Những người trẻ tuổi có nhiều lý do cho việc trì hoãn sinh con để tiếp nhận giáo dục và thăng tiến sự nghiệp của họ, thay vì phải ổn định sớm, sinh con và nuôi dạy con cái trong suốt mấy chục năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh của dân số Trung Quốc giảm.

Nguyên nhân thứ ba là ‘chính sách một con’ của Trung Quốc đã phá vỡ sự cân bằng giới tính của dân số. Theo quan niệm ở Trung Quốc, cha mẹ thường mong có con trai hơn. Vì vậy, nếu chỉ được sinh một con thì gia đình thường chọn sinh con trai; nếu phát hiện mang thai con gái, họ thường chọn bỏ thai. Điều này đã dẫn đến tỷ lệ nam nữ ở Trung Quốc là 105 nam/100 nữ. Vấn đề này cũng sẽ khiến tỷ lệ sinh giảm, bởi vì một tỷ lệ đáng kể dân số nam sẽ không thể tìm được bạn đời là nữ và không thể thành lập gia đình để sinh con.

Suy giảm dân số nhanh chóng có thể gây ra những hậu quả tiềm ẩn “đáng kinh ngạc”

Trong suốt thế kỷ 20, sự gia tăng dân số nhanh chóng được coi là một vấn đề lớn. Nhưng trong thế kỷ 21, các nhà khoa học hiện cảnh báo dân số bắt đầu suy giảm nhanh chóng có thể gây ra những hậu quả tiềm ẩn “đáng kinh ngạc”.

Dân số giảm sẽ gây ra các vấn đề kinh tế. Khi một số lượng lớn người nghỉ hưu từ thị trường lao động nhưng không đủ người bước vào sẽ làm tăng gánh nặng thuế cho thế hệ trẻ. Nếu dân số ngày càng tăng, sẽ có đủ thuế để trả lương hưu. Tuy nhiên, nếu dân số thu hẹp lại, thế hệ trẻ sẽ phải trả nhiều thuế hơn cho chi phí lương hưu của người già.

Ông Christopher Murray, giáo sư trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington ở Seattle, Hoa Kỳ, nói với kênh BBC: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo về điều này và nhận ra rằng điều này lớn thế nào, khó khăn thế nào. Cuối cùng, chúng ta sẽ phải tái cơ cấu lại xã hội [các nước].”

Qua Ngự Thi/ Vision Times