Tác phẩm nghệ thuật “Cột quốc thương”, được dựng tại khuôn viên Đại học Hồng Kông suốt 24 năm để kỷ niệm những người tử nạn trong sự kiện Thảm sát Thiên An Môn (1989), đã bị dỡ và chuyển đi vào tối ngày 22/12. 

shutterstock 336605573
Cột quốc thương đã được đặt tại Đại học Hồng Kông 24 năm. (Ảnh: eXpose / Shutterstock).

Nhà điêu khắc Đan Mạch Jens Galschiøt, tác giả của “Cột quốc thương”, cho biết trên Twitter hôm 23/12 rằng “Trụ cột quốc thương” đang bị phá bỏ ở Hồng Kông. Tác phẩm đã được che đậy và bảo vệ nghiêm ngặt để không sinh viên nào có thể ghi hình lại những gì đang xảy ra vào lúc nửa đêm ở Hồng Kông.

“Cột quốc thương” tưởng niệm vụ thảm sát ngày 4/6 (sự kiện thảm sát Lục Tứ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn) cao 5 mét, được đặt tại Đại học Hồng Kông vào tháng 12/1998, đến nay đã 24 năm. Nó bị tố cáo đã vi phạm “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”. Đại học Hồng Kông thông qua Công ty Luật Mayer Brown hôm 8/10 đã gửi thư cho Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc (Chi liên hội), yêu cầu di chuyển bức tượng này đi trước thời hạn vào ngày 13/10.

Ngày 6/11, ông Jens Galschiøt đã thông qua kết nối trực tuyến để tham dự buổi tọa đàm với phía Đài Loan. Ông cho biết, Chiến dịch Hoàng Tước (Operation Yellowbird) Hồng Kông năm 1989 đã cứu rất nhiều sinh viên và nhân sĩ tham gia Sự kiện Lục Tứ. Năm 1996, chiến dịch này đã quyết định dựng “Cột quốc thương” cho Sự kiện Lục Tứ vào thời điểm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông.

Ông vốn hy vọng có thể đem “Cột quốc thương” đặt tại Trung Quốc nhưng đây là điều không thể. Về sau, ông đã liên lạc được với Chi liên hội, tháng 4/1997 quyết định hằng năm cứ vào dịp mít tinh thắp nến tưởng niệm Lục Tứ đều sẽ trưng bày “Cột quốc thương”.

Ông kể, do chỉ có thể đặt ở Công viên Victoria một ngày, về sau khi Chi liên hội liên hệ với Liên đoàn sinh viên Hồng Kông, đem “Cột quốc thương” tạm thời đặt ở Sân Haking Wong do Hội Sinh viên Đại học Hồng Kông quản lý, nhưng vẫn có thể đem đi trưng bày lưu động ở Hồng Kông, đến năm 1998, mới quyết định đặt “vĩnh viễn” ở Sân Haking Wong.

Ông Jens Galschiøt cho biết, “Cột quốc thương” thuộc về bản thân ông, được đặt tại Đại học Hồng Kông là theo thỉnh cầu của Chi liên hội, và cho mượn để trưng bày vĩnh viễn tại Hồng Kông, đây chỉ là nơi trưng bày. Ông từng đề xuất đưa người đến Hồng Kông đem bức tượng điêu khắc đi, nhưng chính quyền vẫn không cho ông có cơ hội này. Đại học Hồng Kông cũng từ chối nói chuyện với ông. Do đó, ông yêu cầu phía nhà trường cần thu xếp ổn thỏa cho bức tượng, nếu có bất cứ tổn hại nào thì ông sẽ yêu cầu bồi thường.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Hồng Kông Lý Quốc Chương hôm 19/12 đã hồi đáp về việc xử lý “Cột quốc thương”. Ông Lý nói nhất định phải chuyển đi, nhưng cũng thừa nhận khó xử lý và cho biết sẽ hỏi ý kiến phía luật sư.

Cựu Thư ký Chi liên hội Thái Diệu Xương từng cho biết, năm 1997 dưới sự giúp đỡ của nhà trường, “Cột quốc thương” mới có thể dựng ở trung tâm của Tòa nhà Haking Wong. Ngay cả về sau này, do công trình tòa nhà muốn di dời “Cột quốc thương”, phía nhà trường đều có thông báo cho Chi liên hội, điều này đủ để thấy rằng có sự hỗ trợ và đồng ý bấy lâu nay từ phía Đại học Hồng Kông. Ông Thái Diệu Xương còn nói, “Cột quốc thương” là tác phẩm nghệ thuật có thể triển lãm công khai duy nhất có liên quan đến Lục Tứ. Năm 1997, Hội sinh viên Đại học Hồng Kông từng bỏ phiếu thông qua việc bỏ phiếu toàn dân để đặt vĩnh viễn “Cột quốc thương” ở trong khuôn viên Đại học Hồng Kông.

Ông còn cho biết, “Cột quốc thương” là sự nhắc nhở đối với xã hội, giúp mỗi một thế hệ hiểu về lịch sử, cũng là tượng trưng cho xã hội tự do của Hồng Kông. “Đặt ở đó bao nhiêu năm rồi, ý nghĩa của nó đã vượt qua chỉ Sự kiện Lục Tứ, thể hiện sự quan tâm đến tự do và khổ nạn, là sự duy trì và bảo vệ các giá trị quan trọng, cũng là thể hiện rằng nhà trường liệu có duy trì và bảo vệ tự do, công bằng, chính nghĩa hay không.”

Ông Jens Galschiøt cho biết, việc sáng tác “Cột quốc thương” tượng trưng cho nhân quyền và tự do, chính quyền Hồng Kông muốn di chuyển nó đi hoặc phá hoại nó, không chỉ là việc phá hoại tác phẩm nghệ thuật, mà cũng là hành động cụ thể tượng trưng cho phá hoại nhân quyền. Ông hy vọng đem nó chuyển đến Đài Loan để trưng bày, nhưng không muốn vì thế mà ảnh hưởng đến quan hệ chính trị căng thẳng giữa hai bờ eo biển.

Ông Jens Galschiøt đã chế tác 5 bức tượng “Cột quốc thương” (Pillar of Shame) đặt tại các nơi trên thế giới. Trên cột có khắc nhiều người với thân thể vặn vẹo và khuôn mặt đau khổ, tượng trưng cho những người tử thương trong cuộc đàn áp đẫm máu, nhắc nhở mọi người trên thế giới không quên những người dân bị nạn vì bị áp bức. Một trong số các bức tượng điêu khắc đó được đặt tại Hồng Kông, mặt chính trên móng của bức tượng có khắc chữ tiếng Trung màu đỏ “Thảm sát Lục tứ” bằng thể chữ khải thư và “Người già sao có thể giết sạch người trẻ” bằng chữ thảo thư, mặt sau có câu tương ứng bằng tiếng Anh.

Nhà lập pháp Đài Loan Lưu Thế Phương trả lời phỏng vấn cho biết, chủ đề liên quan đến “Lục Tứ” thực ra mọi người đều biết không thể nào xuất hiện trên tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc, bao gồm cả trên nhóm mạng xã hội. Cho nên, khi Hồng Kông đã bị Luật An ninh Quốc gia của ĐCSTQ kiểm soát, vấn đề “Cột quốc thương” bị di dời mà ông Jens Galschiøt nhắc đến, “Chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc, bởi vì ‘Cột quốc thương’ bị phá bỏ hết, cũng không hỏi về ý kiến của người sáng tác nó – ông Jens Galschiøt.”

Ông Lưu Thế Phương nói, sự thống trị độc tài của ĐCSTQ đã vươn đến Hồng Kông, đã ảnh hưởng đến đời sống dân chủ của Hồng Kông tự trị, bao gồm cả lần bầu cử Hội đồng lập pháp Hồng Kông này, tỷ lệ người Hồng Kông bầu cử vô cùng thấp, và nó đã trở thành trò cười cho truyền thống quốc tế. Hiện trạng của Hồng Kông khiến người ta ngày càng lo lắng, “Sự quản trị của Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đối với Hồng Kông, vẫn là tất cả đều nghe theo mệnh lệnh của ĐCSTQ, hoàn toàn mất đi lý niệm tự trị của Hồng Kông. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy đáng tiếc một cách sâu sắc.”

Đại học Hồng Kông cho biết, việc di dời này là quyết định của Hội đồng nhà trường, đồng thời cho biết chưa bao giờ phê chuẩn cho đặt “Cột quốc thương” trong khuôn viên trường. Phía Đại học Hồng Kông còn nói, sau khi tham khảo ý kiến pháp lý, tiến hành đánh giá rủi ro và cân nhắc lợi ích tổng thể của trường, hội đồng trường đã đưa ra quyết định liên quan đến “Cột quốc thương này”. Ngoài ra, trong một tuyên bố, Đại học Hồng Kông còn cho biết rằng họ “cũng rất lo ngại về các vấn đề an toàn tiềm ẩn do bức tượng không vững chắc này gây ra”.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: