Tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở Hồng Kông đã vượt ngoài tầm kiểm soát, tại Trung Quốc Đại Lục cũng bùng phát dữ dội. Một mặt, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhấn mạnh việc tuân thủ Zero COVID(xóa sổ về 0), mặt khác lại nới lỏng các hạn chế về dịch bệnh. Các chuyên gia ĐCSTQ cũng bắt đầu phát tín hiệu “cùng tồn tại với virus”.

Dịch bệnh ở Thanh Dảo Trung Quốc
Dịch bệnh ở Thanh Đảo Trung Quốc: Các nhân viên phòng chống dịch đang cưỡng chế một người dân. (Ảnh chụp màn hình video)

Các chuyên gia cho rằng Zero COVID đã thất bại, nhưng để duy trì sự ổn định, ĐCSTQ không dám mở cửa hoàn toàn, và cố gắng hết sức để che đậy tình hình đại dịch bùng phát trên thực tế.

Hiện tại, dịch bệnh ở Hồng Kông đã có chiều hướng giảm, tuy nhiên số ca mắc mới hàng ngày vẫn vượt quá 14.000 ca. Hồng Kông đã ghi nhận 14.152 ca nhiễm mới vào ngày 22/3, với mức trung bình trong 7 ngày giảm xuống còn 18.567 ca, giảm so với mức trung bình của 7 ngày trước đó là 20.512 ca.

Ngày 19/3, ông Mễ Phong, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ, cho biết dịch bệnh ở Hồng Kông đã bước vào thời kỳ cao điểm, xu hướng tăng nhanh đã suy yếu và đang giảm bất thường, nhưng số ca dương tính những ngày gần đây vẫn ở mức cao từ 20.000 – 30.000 ca mỗi ngày, tình hình vẫn khá nghiêm trọng.

Trung Quốc Đại Lục đã trải qua đợt bùng phát toàn diện đầu tiên kể từ khi dịch ở Vũ Hán vượt khỏi tầm kiểm soát vào năm 2020. Đợt dịch hiện tại đã lan ra ít nhất 28 tỉnh, chí ít 17 thành phố đã tuyên bố đóng cửa.

Nhiều quan chức địa phương đã bị sa thải, hoặc bị trừng phạt do dịch bệnh nằm ngoài tầm kiểm soát. Trong đó ít nhất 16 người ở tỉnh Cát Lâm bị cách chức hoặc cảnh cáo, 17 người ở tỉnh Sơn Đông bị cách chức hoặc trừng phạt, và 6 quan chức ở tỉnh Quảng Đông bị cách chức.

Khi chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ ngày 17/3, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình nhấn mạnh cần phải tuân thủ “Zero COVID” và đặt công tác phòng chống dịch bệnh lên “hàng đầu”. Tuy nhiên, phiên bản mới của kế hoạch chẩn đoán và điều trị do Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ phát hành ngày 15/3 đã nới lỏng đáng kể các hạn chế về dịch bệnh.

Kế hoạch mới thay đổi giá trị Ct của xét nghiệm axit nucleic tiêu chuẩn cho những bệnh nhân xuất viện từ 40 xuống 35. Sau khi xuất viện, bệnh nhân không cần phải cách ly tại nơi chỉ định trong 14 ngày, mà được theo dõi trực tiếp tại nhà 7 ngày.

Đồng thời, kế hoạch mới cũng bổ sung việc sử dụng các loại thuốc đặc trị, trong đó có thuốc uống Paxlovid của Pfizer, phù hợp với những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ và thông thường trong vòng 5 ngày kể từ khi phát bệnh.

Ngoài ra, kế hoạch mới quy định rằng bệnh nhân được phân loại thành triệu chứng nhẹ, nặng và nguy cơ cao. Các trường hợp nhẹ và không có triệu chứng sẽ được theo dõi tại các điểm cách ly chỉ định, để dành thêm nguồn lực y tế điều trị cho những bệnh nhân nặng.

Ông Trương Văn Hoành, Giám đốc Khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn, trực thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết động thái này sẽ tạo không gian cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh trong tương lai.

Tuy nhiên, ông Đường Kim Lăng, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Thâm Quyến thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, kiêm giám đốc Khoa Dịch tễ học và Tin sinh học, lại nói rằng việc theo dõi và cách ly những người nhiễm bệnh là biện pháp then chốt để đạt được “Zero COVID” trong 2 năm qua. Khi nhu cầu cách ly vượt quá khả năng cách ly, việc phòng chống dịch sẽ mất kiểm soát.

Ông Dương Quý Viễn, nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Nhật Bản, nói với Epoch Times rằng từ Hồng Kông đến Đại Lục, các biện pháp “Zero COVID” không còn khả thi và không thể ngăn ngừa.

Trong nội bộ ĐCSTQ hiểu rất rõ, nhưng để “duy trì sự ổn định”, chính quyền Tập Cận Bình sẽ không tuyên bố từ bỏ “Zero COVID” trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, mặc dù họ đã bắt đầu nới lỏng dần các hạn chế, mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh cấm.

Các chuyên gia của ĐCSTQ giải thích “Zero COVID” rất khó duy trì

Ngày 28/2, ông Tằng Quang, thành viên của nhóm chuyên gia cấp cao thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia ĐCSTQ, đã đưa ra một tài liệu nói rằng “Zero COVID” là biện pháp chống dịch của ĐCSTQ trong một khoảng thời gian nhất định, “không phải sẽ mãi mãi không thay đổi”; sắp tới vào thời điểm “thích hợp”, Trung Quốc sẽ đưa ra lộ trình “chung sống với virus kiểu Trung Quốc.”

Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ ngày 12/3, nhà chức trách Trung Quốc phê duyệt niêm yết các bộ dụng cụ kháng nguyên nhanh (kháng nguyên là những chất khi xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng), cho phép người dân xét nghiệm tại nhà. Đây được coi là bước đầu tiên trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch bệnh ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Ngô Tôn Hữu, giám đốc dịch tễ học hiện tại của “Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh” (CDC), đã viết trên Weibo cá nhân của mình rằng “Zero COVID” vẫn là chính sách chung kiểm soát dịch bệnh của chính quyền.

CDC Trung Quốc dự đoán rằng nếu các hạn chế về dịch bệnh được dỡ bỏ và việc đi lại được phép khôi phục bằng 1/5 mức trước khi xảy ra dịch bệnh, thì chỉ riêng tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất phía nam, mỗi ngày có thể ghi nhận hơn 75.000 ca mắc mới.

Ngày 14/3, ông Trương Văn Hoành đăng trên Weibo rằng tỷ lệ tử vong do virus Trung Cộng (COVID-19) gây ra đã rất thấp, nhưng nếu Trung Quốc mở cửa nhanh chóng, trong một thời gian ngắn sẽ khiến một lượng lớn người bị nhiễm. Ngay cả khi tỷ lệ tử vong thấp, thì điều này vẫn sẽ khiến nguồn lực y tế thiếu hụt và cuộc sống xã hội bị sốc.

Các chuyên gia quốc tế phân tích rằng mặc dù chính sách “không khoan nhượng” của ĐCSTQ phần lớn đã giúp ngăn chặn tình trạng quá tải của các bệnh viện, nhưng Trung Quốc sẽ đối mặt với rủi ro rất lớn khi toàn thế giới nới lỏng các hạn chế. Một mặt, chính sách “Zero COVID” khiến hầu hết người dân Trung Quốc chưa tiếp xúc với virus. Mặt khác, hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc được sử dụng rộng rãi ở Đại Lục rất khó đảm bảo.

Phân tích: Không thể gánh chịu tổn thất về tài chính

Ông Hạ Nhất Phàm, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với Epoch Times rằng “Zero COVID” không còn là một chính sách phòng chống dịch bệnh, mà là một “thành tựu chính trị” của chính quyền Tập Cận Bình, nhưng tính năng “tự sát kinh tế” của nó quyết định việc không thể duy trì “Zero COVID”.

Hưởng ứng tình hình quốc tế, các chuyên gia của ĐCSTQ đề xuất rằng trong tương lai, đến một thời gian nhất định, sẽ cùng chung sống với virus, tạo đường lui cho Bắc Kinh.

Ông Dương Quý Viễn cho biết “Mỗi khi phong tỏa thành phố cần rất nhiều nhân lực và vật lực, kèm theo đó là việc ngừng sản xuất, kinh doanh. Các thành phố, đặc biệt là các khu vực kinh tế phát triển ở phía Nam, bị tổn thất rất lớn về kinh tế. Nhiều quốc gia nhận thấy rằng việc phong tỏa và các biện pháp kiểm soát dịch là không khả thi về mặt kinh tế. Việc đóng cửa thành phố không chỉ khiến ngành du lịch lao dốc, mà còn khiến ngành ẩm thực đình trệ, và người dân oán thán.”