Ngay sau cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm 28/4, quán triệt quan điểm chỉ đạo của ông Tập Cận Bình về đẩy mạnh phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, nhiều địa phương nước này đã lần lượt ban hành các văn bản thúc đẩy liên quan. Liệu quá trình “Đại nhảy vọt” AI Trung Quốc này có lại “tả tơi” giống như các dự án chip trước đây?

chip trung quoc
(Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Ngày 31/5, Văn phòng Chính quyền TP. Thâm Quyến đã ban hành “Kế hoạch hành động nhằm tăng tốc phát triển chất lượng cao ứng dụng trình độ cao AI ở Thâm Quyến (2023-2024)”. Kế hoạch nhấn mạnh vấn đề “thúc đẩy AI phát triển chất lượng cao, ứng dụng trình độ cao trong mọi lĩnh vực, huy động sức mạnh toàn thành phố… phấn đấu tạo dựng thành phố tiên phong AI toàn cầu”. Kế hoạch cũng bao gồm: xây dựng nền tảng điện toán thông minh cấp thành phố; xây dựng trung tâm điện toán thông minh ở Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông–Hồng Kông–Macao; xây dựng nền tảng điện toán thông minh cấp doanh nghiệp; tập trung vào các mô hình lớn thông dụng, chip điện toán thông minh, cảm biến thông minh, rô-bốt thông minh, phương tiện kết nối mạng thông minh…

Trước đó ngày 30/5, chính quyền TP. Bắc Kinh cũng đã đưa ra thông báo về “Kế hoạch thực hiện để Bắc Kinh đẩy nhanh việc xây dựng nguồn đổi mới AI có ảnh hưởng toàn cầu (2023-2025)”. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 đổi mới công nghệ AI và phát triển công nghiệp của Bắc Kinh sẽ bước sang một giai đoạn mới, theo đó về cơ bản sẽ tự chủ và có thể kiểm soát được các công nghệ cốt lõi quan trọng, đồng thời một số công nghệ và nghiên cứu ứng dụng sẽ đạt đến trình độ tiên tiến của thế giới; hình thành cụm công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế và có khả năng tiên phong về công nghệ; xây dựng thành nơi khởi nguồn sáng tạo AI có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Trên đây chỉ là 2 ví dụ tiêu biểu, ngoài ra còn không ít tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng nối gót Bắc Kinh, Thâm Quyến… đưa ra kế hoạch phát triển AI tương tự.

Văn bản chỉ đạo từ Thâm Quyến và Bắc Kinh đều đề cập đến sự cần thiết quán triệt định hướng quan trọng của ông Tập Cận Bình “về sự phát triển của một thế hệ AI mới”.

Vốn dĩ trước đó vào ngày 28/4, ông Tập Cận Bình đã chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn về tình hình kinh tế và công tác kinh tế. Tại cuộc họp, lần đầu tiên đề xuất rằng “chúng ta phải chú trọng AI tổng hợp (AGI), qua đó xây dựng nên hệ sinh thái [xã hội] mới, [đồng thời] cần chú ý đến việc phòng ngừa rủi ro [từ AI]”.

Artificial general intelligence (AGI) hay trí tuệ nhân tạo chung, ngang hàng với khả năng của con người, có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào mà con người có thể làm được. AGI là mục tiêu chính của một số nghiên cứu về AI, một số nhà nghiên cứu gọi AGI là AI mạnh (strong AI) hoặc AI đầy đủ (full AI), hoặc máy móc có khả năng thực hiện các hành động thông minh thông dụng. So với AI yếu (weak AI), AI mạnh có thể thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trong phạm vi năng lực nhận thức của con người.

Nói với New York Times hôm 25/4, chuyên gia Matt Sheehan tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie và chuyên theo dõi về AI Trung Quốc, cho hay rằng làn sóng AI hiện nay đã mang đến những rủi ro mới cho ĐCSTQ. Chẳng hạn, tính không thể đoán trước của chatbot cho phép nó có những tuyên bố vô lý hoặc sai sự thật (điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “ảo giác”), điều đó là vấn đề thách thức lớn đối với ĐCSTQ trong việc kiểm soát ngôn luận trực tuyến. Ông nói: “AI gây ra mâu thuẫn giữa hai mục tiêu chính của ĐCSTQ: một là kiểm soát thông tin, hai là dẫn đầu về AI”.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại [của Trung Quốc] là “Đại nhảy vọt” phát triển AI của nước này liệu sẽ “tả tơi” như các dự án chip trước đây?

Bài học từ “Đại nhảy vọt” về chip

Trước đó Reuters đưa tin, cho biết chính quyền Bắc Kinh đã lên kế hoạch phân bổ hơn 1000 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm tới, mục tiêu là: tài trợ cho các công ty chip Trung Quốc xây dựng, mở rộng hoặc nâng cấp hoạt động sản xuất, lắp ráp, đóng gói….; thúc đẩy năng lực độc lập tự chủ của Trung Quốc trong nghiên cứu và phát triển chip. Kế hoạch này có thể bắt đầu sớm nhất là vào quý đầu tiên của năm 2023.

Nhưng theo Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, nhiều người trong hàng ngũ ra quyết định của ĐCSTQ cho rằng sẽ khó huy động được số tiền lớn đó sau khi đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ trong vài năm qua để chống lại dịch COVID-19. Tuy vẫn có ý kiến ​​ủng hộ việc tiếp tục thúc đẩy ưu đãi lên tới 1000 tỷ nhân dân tệ cho kế hoạch, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã không còn hứng thú đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Bloomberg, điều khiến ông Tập Cận Bình thất vọng là hàng chục tỷ USD đầu tư vào ngành công nghiệp chip trong thập niên qua đã không đạt được bước đột phá nào giúp Trung Quốc có thể cạnh tranh với Mỹ.

Vài thập niên qua, nhà chức trách ĐCSTQ đã tham gia vào nhiều kế hoạch ‘sản xuất chip’, cố gắng thông qua đầu tư vốn lớn để đạt được những bước đột phá trong công nghệ then chốt này, nhưng những cái gọi là “công ty chip” được nhà nước đầu tư đó đã không ngừng hút cạn kiệt nguồn lực đất nước trong khi kết quả chỉ là những dự án “tả tơi”. Ví dụ, ngày 1/10/2020 truyền thông nhà nước Trung Quốc có bài báo chỉ ra 6 dự án bán dẫn lớn với quy mô hàng chục tỷ USD đã lần lượt bị đóng cửa…