Trong tâm trí mọi người, danh sơn Phật giáo vốn dĩ là nơi thanh tịnh, vì thế hiện tượng bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc bị thương mại hóa đã gây nhiều tranh luận về tính tôn nghiêm của nơi vốn sĩ dành cho cõi tu hành.

thương mại hóa phật giáo
Sự kiện bốn ngọn núi Phật giáo lớn nhất Trung Quốc đưa lên thị trường đã gây nhiều tranh luận (Ảnh: Pixabay).

Danh sơn Phật giáo bị thương mại hóa

Theo thông tin từ trang web ủa Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc, vào ngày 02/4 vừa qua Công ty Cổ phần Phát triển du lịch Phổ Đà Sơn công bố ra công chúng Bản Tường trình (dự thảo) cho biết, theo kế hoạch ​​Phổ Đà Sơn sẽ được đưa lên sàn chứng khoán. Thị trường Cổ phiếu A (cổ phiếu phổ thông Nhân dân tệ) sẽ có đủ bốn khu núi nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc. Địa điểm cụ thể của bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc này lần lượt là: Cửu Hoa ở An Huy, Ngũ Đài ở Sơn Tây, Phổ Đà ở Chiết Giang, và Nga Mi ở Tứ Xuyên.

Đến nay, trong bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng này đã có hai nơi chính thức đưa ra thị trường: núi Nga Mi vào đầu năm 1997, Du lịch Cửu Hoa vào năm 2015. Tháng 3/2017, Tập đoàn Du lịch văn hóa Ngũ Đài Sơn tại Sơn Tây cũng công khai chiêu mời luật sư, kế toán và cơ quan đánh giá, cho biết để chuẩn bị chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO).

Nhưng từng có thông tin chỉ ra, Ngũ Đài Sơn đã quyết định từ bỏ ý tưởng niêm yết trên thị trường chứng khoán, và sẽ không cân nhắc lại chuyện này. Dù vậy thông tin này chưa thấy có xác nhận chính thức.

Phổ Đà Sơn là một công ty dịch vụ du lịch tổng hợp, các lĩnh vực kinh doanh trong khu vực thắng cảnh gồm có: xe buýt du lịch, cáp treo, du ngoạn trên nước, sản xuất nhang, vật lưu niệm, dịch vụ du lịch kèm theo khác.

Theo như thông báo, mục tiêu IPO Phổ Đà Sơn dự tính là 615 triệu Nhân dân tệ, nguồn thu sẽ tập trung đầu tư vào cáp treo, tàu thuyền, và nhà đậu xe lập thể.

Đằng sau “chùa chiền thương mại hóa”

Công ty Truyền thông Anh (BBC) từng đưa tin, chuyện bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng Trung Quốc gồm Cửu Hoa tại An Huy, Ngũ Đài tại Sơn Tây, Phổ Đà tại Chiết Giang, và Nga Mi tại Tứ Xuyên thành lập công ty du lịch kiếm lợi nhuận đã gây nhiều tranh cãi.

Những người phản đối cho rằng việc bốn ngọn núi Phật giáo nổi tiếng đưa ra thị trường biến tôn giáo thành “du lịch hóa” sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của tôn giáo.

Hòa thượng Thích Diên Quang (Shi Yanguang) là đệ tử đời 32 của Thiếu Lâm Tự tại Tung Sơn tỉnh Hà Nam có bài viết nhận định, văn hóa tôn giáo hấp dẫn đã thu hút giới đầu tư vì động cơ lợi nhuận lao vào kiếm chác, thao túng. Ông cho biết, những hành vi này là trái với tôn chỉ của Phật giáo, Đạo giáo, việc xây dựng đền thờ thì quá nhiều nhưng thực tế lại không giúp tôn giáo phát triển, trái lại còn nguy hại cho xã hội.

Mặc dù vào năm 2012 cả 10 bộ phận của Cục Vấn đề Tôn giáo Trung Quốc đã cùng ký chung một công văn với nội dung quyết tâm ngăn chặn và chỉnh đốn sai phạm về hiện tượng “thầu khoán”, “đưa ra thị trường” các ngôi chùa Phật giáo và miếu Đạo giáo. Nhưng trả lời  tờ Tin tức Bắc Kinh (Beijing News), giáo sư Tôn giáo và Triết học Trương Tuyết Tùng (Zhang Xuesong) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, mặc dù lệnh cấm có thể kiềm chế được tình trạng hỗn loạn, nhưng việc có ảnh hưởng đến sinh tồn bình thường của tôn giáo hay không vẫn là dấu hỏi.

Vài minh chứng nổi bật về thực trạng đã được phản ánh

Giới truyền thông Trung Quốc từng chỉ ra, “miếu Thần Tài”“Trung tâm Phật giáo” xây dựng tại Ngũ Ðài Sơn tỉnh Sơn Tây không thực sự là nơi sinh hoạt tôn giáo, các loại hoạt động tôn giáo được tổ chức tại những khu vực này có vấn đề liên quan lừa gạt du khách.

Vào năm 2002, thương gia đầu tư chùa Tây Lai (Fo Guang Shan Hsi Lai Temple) ở Ninh An thuộc đô thị Mẫu Đơn Giang tỉnh Hắc Long Giang đã đuổi trụ trì cũ của chùa đi, lợi dụng chùa để tiến hành hoạt động rửa tiền.

Năm 2006, chính quyền huyện Thương Thành tỉnh Hà Nam chuyển quyền quản lý miếu Vân Cực sang cho doanh nghiệp, không chỉ khiến ngôi miếu thành sở hữu của doanh nghiệp mà các nhân viên làm việc trong miếu cũng thuộc về doanh nghiệp thống nhất quản lý.

Năm 2012, cơ quan quản lý khu thắng cảnh Ô Trấn (Wuzhen) tỉnh Chiết Giang đã chuyển quyền quản lý miếu Tu Trấn cho tư nhân, và ký một hợp đồng thầu khoán lâu dài, nhà thầu thuê Đạo sĩ dởm về xem bói, lừa đảo du khách thu tiền.

Cùng năm này, chùa Nham Tuyền thuộc huyện Nghi Lương tỉnh Vân Nam cũng giao cho doanh nghiệp bao thầu, doanh nghiệp thuê sư giả để thu gom tiền dâng Phật của khách du lịch, thậm chí có khách du lịch đã bị hòa thượng giả ép quyên “tiền công đức” đến 23.400 Nhân dân tệ (khoảng 3724 đô la Mỹ).

Năm 2012, một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về tình trạng quyên tiền và đặt thùng công đức bừa bãi tại khu thắng cảnh Thái Sơn tỉnh Thiểm Tây.

Tháng 4/2013 đã xảy ra tình trạng hỗn loạn về quản lý ở chùa Hương Nghiêm huyện Tích Xuyên thành phố Nam Dương tỉnh Hà Nam, ngôi chùa bị giao cho doanh nghiệp bao thầu kinh doanh gây thảm trạng văn vật bị phá hoại.

Huệ Anh

Xem thêm: