Tháng 4/2018, ông Tập Cận Bình có chuyến đi khảo sát đập Tam Hiệp cùng ông Lý Tiểu Bằng (Li Xiaopeng), con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng. Đây là lần đầu tiên trong 21 năm qua có người lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đi khảo sát công trình gây nhiều tranh cãi này.

đập tam hiệp
Ông Tập Cận Bình thăm đập Tam Hiệp, đây là lần đầu tiên sau 21 năm có lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc đến thăm con đập gây nhiều tranh cãi này (Ảnh từ Weibo)

Ông Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli), chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc (đã qua đời) từng dự đoán đập Tam Hiệp có thể sẽ đến ngày không chịu nổi sức ép dẫn đến vỡ đập. Quan điểm khác thì chỉ ra, nếu có kẻ thù bên ngoài tấn công thì con đập có thể là mục tiêu hàng đầu…

Ông Tập Cận Bình khảo sát con đập gây nhiều tranh cãi nhất

Tân Hoa xã của ĐCSTQ đưa tin, ngày 24/4 ông Tập Cận Bình đến Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc, sau đó đã đến thăm đập Tam Hiệp. Ngày hôm sau, ông Tập Cận Bình lên tàu ở cảng Kinh Châu, đi kiểm tra tình hình sinh thái dọc theo sông Trường Giang (còn gọi sông Dương Tử). Trong chuyến khảo sát, ông Tập Cận Bình cho biết, trong việc xây dựng vành đai kinh tế sông Dương Tử, nhiệm vụ đầu tiên là phải phục hồi môi trường sinh thái, không thể để tình trạng phá hoại môi sinh tiếp tục phát triển.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý Bằng đi dự buổi lễ ngăn dòng chảy sông Dương Tử tại công trình đập Tam Hiệp vào năm 1997, đến nay đã qua 21 năm mới lại có một lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đến thăm đập Tam Hiệp.

Theo nguồn tin truyền thông Nhà nước Trung Quốc, cùng đi khảo sát có Bộ trưởng Giao thông Lý Tiểu Bằng và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Vì ông Lý Tiểu Bằng là con của cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, nên việc đi cùng ông Tập Cận Bình lần này gây nhiều chú ý.

Đập Tam Hiệp được xây dựng vào thời ông Lý Bằng và Giang Trạch Dân, họ được xem là nhân vật quyết định quan trọng trong xây dựng dự án này.

Dự án Tam Hiệp đến nay là dự án xây dựng có quy mô lớn nhất của Trung Quốc, chính thức khởi công vào ngày 14/12/1994, năm 2003 mới có đơn vị đầu tiên phát điện, năm 2006 đập Tam Hiệp xây dựng hoàn tất, tổng chiều dài công trình là 2309 mét, độ cao 185 mét.

Đáng chú ý là trong một buổi lễ điều chỉnh quan trọng vào tháng 6/2003, lãnh đạo xuất thân kỹ thuật công trình của ĐCSTQ khi đó là ông Hồ Cẩm Đào và ông Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không tham dự buổi lễ.

Đập Tam Hiệp là con đập gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiều con đập ở Trung Quốc đại lục, trong biểu quyết tại Quốc hội Trung Quốc vào năm 1992 có gần 1/3 số đại biểu phản đối xây dựng con đập.

>> Đập Tam Hiệp chém ngang lưng sông Trường Giang, Lý Khắc Cường than đáng tiếc

Giới chuyên gia cảnh báo nhiều hiểm họa ngầm

Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng sống tại Đức từng nhận xét, tỷ lệ đại biểu tán thành dự án đập Tam Hiệp vừa đúng hơn 2/3, tương đồng với tỷ lệ đại biểu đảng viên trong Quốc hội Trung Quốc. Nếu ông Giang Trạch Dân không dùng hình thức kỷ luật Đảng để yêu cầu các đại biểu là Đảng viên phải ủng hộ những quyết sách của Trung ương Đảng, cứ để cho các đại biểu tự quyết định thì tỷ lệ ủng hộ có lẽ không thể quá bán.

Ông Vương Duy Lạc cho biết, vào năm 1996 nhà khoa học bê tông Trung Quốc Lưu Tôn Hy (Liuchong Xi) đã viết thư cho Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang), cho biết ông đã nghiên cứu chuyên sâu về tuổi thọ của đập bê tông trong và ngoài nước, quan điểm cho rằng tuổi thọ của đập Tam Hiệp là 500 năm hay 1000 năm là sai lầm; tuổi thọ của những con đập bê tông mà ông nghiên cứu ở Nhật Bản thường chỉ được 100 năm, còn tuổi thọ của các đập bê tông ở Trung Quốc chỉ là 50 năm. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc đã không nghe lời đề nghị của ông.

Theo ông Vương Duy Lạc, đập Tam Hiệp không phải như tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, chỉ từ khoảng 50 – 100 năm là sẽ phải phá bỏ con đập này.

Ông Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli) chuyên gia thủy lợi nổi tiếng Trung Quốc cũng từng ba lần gởi thư cho ông Giang Trạch Dân khuyên không nên xây dựng đập Tam Hiệp, vì xây dựng rồi sau này cũng phải phá bỏ. Ông chỉ ra tác hại của đập Tam Hiệp từ các khía cạnh địa chất, môi trường, sinh thái và quân sự.

Vào đầu giai đoạn dự tính thi công đập, ông Hoàng Vạn Lý đã dự đoán 12 loại hậu quả tai hại sẽ xảy ra sau khi hoàn thành đập Tam Hiệp: ảnh hưởng bờ đê vùng hạ du sông Dương Tử; cản trở vận tải đường thủy; vấn đề di dân; vấn đề bùn tích lũy; suy giảm chất lượng nước; không đủ công suất phát điện; thời tiết bất thường; những trận động đất thường xuyên; tình trạng lây lan bệnh sán lá máu; ảnh hưởng xấu cho sinh thái; lũ lụt nghiêm trọng ở thượng nguồn; cuối cùng là sức ép gây vỡ đập. Vì nguyên nhân này mà ông không được mời tham gia dự án Tam Hiệp.

>> Đập Tam Hiệp của Trung Quốc bị nghi đang biến dạng

Năm 1991, giáo sư vật lý Trung Quốc Tiền Vĩ Trường (Qian Weichang) đã xuất bản một bài báo cho biết, nguy hại khi đập Tam Hiệp bị vỡ sẽ làm 6 tỉnh vùng hạ du sông Dương Tử bị tràn ngập nước, hàng trăm triệu người sẽ rơi vào đường cùng. Ông cũng cho rằng đập Tam Hiệp sẽ là mục tiêu hàng đầu nếu có kẻ thù bên ngoài tấn công. Với công nghệ tên lửa hiện nay, việc phòng thủ đối với đập Tam Hiệp là điều không thể. Vì vậy ông đề nghị nhất định không được khởi công dự án Tam Hiệp, vì con đập này sẽ trở thành điểm yếu an ninh nguy hiểm.

Trước khi bắt đầu trữ nước Tam Hiệp vào năm 2003, đoàn kiểm tra công trình Tam Hiệp của Chính phủ đã phát hiện ra có hơn 80 vết nứt trên bề mặt đập, thông tin gây lo ngại trong cộng đồng.

Trước những lo ngại cảnh báo, ngày 16/9/2015, ông Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ký sắc lệnh về “Quy định về đảm bảo an ninh vùng thủy lợi trong điểm đập Tam Hiệp”, theo đó kể từ 01/10/2013 Trung Quốc áp dụng biện pháp phòng thủ nhiều tầng (gồm cả hải quân, không quân và lục quân) tại công trình đập Tam Hiệp. Quân ủy Trung ương phê chuẩn Bộ Tổng Tham mưu triển khai một trung đoàn để bảo vệ an ninh đập Tam Hiệp, trong đó có 4 tổ tên lửa phòng không, một đại đội máy bay trực thăng lục quân, 8 tàu ​​tuần tra, 24 trung đội phản ứng nhanh, toàn bộ binh lực gồm 4600 biên chế.

Ông La Xương Bình (Luo Changping) một người nổi tiếng trong ngành truyền thông Trung Quốc khi đó đã chia sẻ trên Weixin cá nhân rằng, các quy định về phòng thủ nhiều tầng lớp nghiêm mật đối với đập Tam Hiệp làm nổi bật lên mối nguy hiểm về an ninh từ dự án Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

Tuyết Mai

Xem thêm: