Quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không được mời tham gia Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ (Summit for Democracy) sắp tới của Nhà Trắng trong tuần này nên rõ ràng là họ rất bức xúc. Từ quan trường đến giới học thuật liên tục tung ra sách trắng và báo cáo ca ngợi nền dân chủ nhân dân của Trung Quốc tốt hơn, chỉ trích “nền dân chủ kiểu Mỹ” nhiều hỗn loạn và khiếm khuyết. Vậy nền dân chủ được giới chức Trung Quốc tuyên bố có thực sự do người dân làm chủ? Đâu là động cơ để ĐCSTQ tuyên bố với thế giới về nền dân chủ tích cực hơn của họ?

p3056061a348219310
Ngày 4/12 lần đầu tiên ĐCSTQ công bố sách trắng “Nền dân chủ của Trung Quốc”, ngày 5/12 họ lại công bố báo cáo “Nền dân chủ của Mỹ” dài 15000 chữ, chỉ trích Mỹ sử dụng các hội nghị thượng đỉnh về dân chủ để đàn áp các nước có hệ thống khác Mỹ (Nguồn: Đài RFA).

Dân chủ kiểu Mỹ bị sa lầy thành “nền chính trị tiền tệ”, “một người một phiếu bầu” của dân chủ kiểu Mỹ thực chất là “do thiểu số tinh hoa cai trị”, và “tự do ngôn luận” của dân chủ kiểu Mỹ là hữu danh vô thực… Vào ngày 5/12, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ xưa nay luôn chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc đã xuất bản một báo cáo song ngữ tiếng Trung và tiếng Anh về “Tình hình dân chủ Mỹ”, qua đó chỉ trích hệ thống dân chủ Mỹ như trên.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các hành động của Bắc Kinh đang phá hoại nền quản trị dân chủ và xã hội cởi mở nhằm cố gắng đạt được các lợi ích chiến lược của họ, đây là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc”, Phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, ông Michael Green đã đưa ra nhận định trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên Đài Á châu Tự do (RFA) tại buổi giao ban truyền thông trước Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ do CSIS tổ chức vào ngày 6/12.

Ông Green nói rằng ĐCSTQ càng tấn công kiểu như vậy thì càng làm nổi bật nỗi bất an của họ. “Bắc Kinh coi các quy tắc dân chủ là lợi thế của chúng tôi (Mỹ)”, ông nói. “Đó là lý do tại sao Bắc Kinh đang tấn công Mỹ từ hoạt động đối nội đến đối ngoại”.

Mặt khác giới chức ĐCSTQ còn “già miệng khoe mẽ” Sách Trắng “Dân chủ của Trung Quốc” do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc xuất bản ngày 4/12 ca ngợi “nền dân chủ toàn diện” của Trung Quốc. Thực tế vấn đề thể chế của Trung Quốc có tốt hay không, thì tiếng nói có thể tin tưởng nhất vẫn là tiếng nói của người dân Trung Quốc chứ không phải của nhà cầm quyền.  

La Quán Thông (Nathan Law) và luật sư nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ đã được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ

Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ sắp tới của Nhà Trắng đã không mời các quan chức ĐCSTQ, nhưng lại mời cựu nghị sĩ Nathan Law (La Quán Thông) của Hồng Kông hiện đang sống lưu vong ở Anh, và luật sư nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương là Rayhan Asat phát biểu nhằm bày tỏ cảm nhận của người dân Trung Quốc. Điều này tất nhiên làm các quan chức ĐCSTQ không hài lòng.

Vậy “dân chủ nhân dân toàn diện” đặc sắc Trung Quốc là gì? Tại Đại hội 19 của ĐCSTQ năm 2017, tư tưởng của ông Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho thời đại mới đã được ghi vào Điều lệ Đảng mà không ai phản đối, nhưng cảnh tượng của cái là “không ai phản đối” đó quả là vô cùng ấn tượng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó đã hỏi: Ai không đồng ý hãy giơ tay!

Đại biểu bên dưới: Không ai, không ai, không ai, không ai, không ai...;

Ông Tập: Không có ai, thông qua!

Điều này có thể giải thích ý nghĩa thực sự của “Sự lãnh đạo của ĐCSTQ là đặc điểm cốt yếu nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” được ghi trong Chương Một của Hiến pháp Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; trong Sách trắng “Nền dân chủ của Trung Quốc” cho biết rằng nhân dân Trung Quốc thực hiện quyền dân chủ bằng cách bầu đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc (Quốc hội), nhưng không đề cập đến tình trạng người dân ở nhiều vùng của Trung Quốc không thể tự ứng cử đại biểu nhân dân tại địa phương [Đảng cử dân bầu].

Bỏ phiếu bầu cử là một trong những công cụ thực hành dân chủ, nhưng để đánh giá một hệ thống có dân chủ hay không còn bao gồm nhiều điều kiện khác, bao gồm có hay không tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, và tính toàn diện”, nhà nghiên cứu cấp cao Erol Yayboke của CSIS cho biết.

Giáo sư Larry Diamond của Đại học Stanford đã tổng hợp 4 yếu tố chính của nền dân chủ hiện đại:

Bầu cử tự do và công bằng để thành lập chính phủ;
Tham gia tích cực của công dân vào chính trị và đời sống công dân;
Bảo vệ quyền con người của mọi công dân;
Luật và thủ tục áp dụng cho mọi công dân như nhau.

Người Trung Quốc biết rõ nhất nhân quyền của Trung Quốc

Công dân Trung Quốc có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị không? Bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc có được cải thiện không? Luật pháp và hệ thống tư pháp có áp dụng như nhau cho tất cả người dân Trung Quốc không?

Trường hợp mới nhất là nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Quách Phi Hùng (Guo Feixiong) muốn sang Mỹ chăm sóc người vợ Trương Thanh (Zhang Qing) bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông đã viết thư cho Thủ tướng Lý Khắc Cường để bày tỏ tâm tư. Được biết vào chiều ngày 5/12 (thời gian Bắc Kinh), ông bị bắt và vẫn chưa biết tung tích. Là một công dân Trung Quốc nhưng ông không có quyền tự do sinh sống và di chuyển ra nước ngoài, chưa nói đến việc biến mất không lý do.

Khi Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đăng hình ảnh và văn bản trên Weibo chỉ trích cái gọi là 7 ảo tưởng của nền dân chủ Mỹ, đã làm nổi lên cơn sốt mỉa mai.

Có người hỏi móc rằng nếu nền dân chủ Mỹ tệ như thế thì giải thích thế nào về việc các quan to của ĐCSTQ đều cho con cái đến Mỹ học? Nhưng tất cả các bình luận tương tự đều đã bị xóa bỏ. Một số cư dân mạng Trung Quốc chất vấn rằng bây giờ truyền thông nhà nước phải kiểm soát bình luận để đảm bảo cho tiếng nói của người dân Trung Quốc phù hợp với nhà cầm quyền.

Tại một cuộc hội thảo khác về dân chủ của Viện Brookings, Giám đốc Jonathan Katz của Sáng kiến ​​Dân chủ của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ cho biết rằng Trung Quốc và Nga đang ra sức phá hoại niềm tin của mọi người đối với nền dân chủ bằng cách truyền bá thông tin sai lệch [về các nền dân chủ], nhưng họ không thể giải quyết một cách căn bản các vấn đề nội bộ của họ, ví dụ như áp lực và tiếng nói của người dân chất vấn các vấn đề khác nhau của nhà cầm quyền ngày càng gia tăng, mọi chế độ nếu muốn quản trị tốt thì phải có truyền thông độc lập và tự do.  

Có Chiến tranh Lạnh mới sau Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ?

Ngày 6/12, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ chỉ trích rằng Mỹ sử dụng chiêu bài “dân chủ” để lôi kéo bè phái và kích động chia rẽ đối đầu. Mỹ nên thực hiện lập trường của Mỹ là không gây “Chiến tranh Lạnh mới”.

Theo quan điểm của Phó chủ tịch Green của CSIS, có thể ông Triệu Lập Kiên đã lo lắng quá nhiều. “Tôi không nghĩ rằng sau Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ sẽ bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, điều tôi muốn nhấn mạnh là một hệ thống dân chủ đòi hỏi một xã hội dân sự lành mạnh, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện sáng kiến ​​xây dựng luật tổ chức phi chính phủ, theo đó không cho phép công dân Trung Quốc tự tổ chức, hoặc tổ chức phi chính phủ do nước ngoài điều hành”, ông nói.

Nền dân chủ tất nhiên không chỉ có chế độ tổng thống của nền dân chủ kiểu Mỹ, còn có hệ thống nội các như nhiều nước châu Âu áp dụng, hay hệ thống hai nguyên thủ của Pháp. Khẩu vị của “Coke” dân chủ vốn dĩ rất đa dạng, nhưng nếu Trung Quốc muốn coi trà là Coke, lại chỉ trích Mỹ đi đầu gây Chiến tranh Lạnh mới và bịt miệng những người Trung Quốc không nghe theo Đảng, điều này phản ánh mức tự tin của họ như thế nào? Chính những hành động như vậy của ĐCSTQ đã chứng minh “dân chủ” của họ là thế nào.

Trịnh Sùng Sinh, Đài RFA
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: