Trước thềm Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thông tin mới chỉ ra, chính quyền Trung Quốc lại đang thảo luận việc sửa đổi Điều lệ Đảng. Có phân tích cho rằng mục đích của việc này nhằm đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” sánh ngang “Tư tưởng Mao Trạch Đông”.

p3143571a705850551
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Palácio do Planalto / CC BY 2.0)

Tại Đại hội 19 của ĐCSTQ, “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” đã được đưa vào Điều lệ Đảng. Trong bối cảnh ĐCSTQ sắp tổ chức Đại hội 20, gần đây Bộ Chính trị ĐCSTQ lại có thông báo thảo luận về việc sửa đổi Điều lệ Đảng. Về vấn đề này, có phân tích chỉ ra mục đích là để ông Tập Cận Bình xác lập quyền lực tuyệt đối về tư tưởng và Đại hội 20 sẽ đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng sánh ngang “Tư tưởng Mao Trạch Đông”.

Theo nội dung được công bố tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ ngày 9/9 cho hay, Đại hội 20 sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng. Tuy nhiên thông cáo của Tân Hoa xã Trung Quốc không tiết lộ nội dung cụ thể của việc sửa đổi này.

Ông Tập Cận Bình sẽ nắm quyền trọn đời?

Truyền thông Hồng Kông Sing Tao đưa tin vào ngày 10/9, dẫn lời chuyên gia cho rằng cái gọi là “quan điểm lý luận chính yếu” được ghi vào Điều lệ Đảng, có lẽ là ghi vào “2 xác lập”: xác lập địa vị hạt nhân trong ĐCSTQ của ông Tập và xác lập vị thế dẫn dắt của tư tưởng Tập. Mục đích nhằm nâng cao hơn nữa quyền lực của ông Tập Cận Bình.

Đài RFI (Pháp) có nhận định rằng từ lâu, ông Tập Cận Bình đã lên kế hoạch cầm quyền như vậy, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được ghi vào Điều lệ Đảng từ năm 2017. Năm 2018, hiến pháp được sửa đổi, bãi bỏ chế độ nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước. Điều này có nghĩa là dẹp mọi trở ngại đối với khả năng làm lãnh đạo cao nhất Trung Quốc lâu dài hoặc thậm chí suốt đời của ông Tập Cận Bình. Giờ đây khi Đại hội 20 đang đến gần, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã thông báo nghiên cứu các sửa đổi đối với Điều lệ Đảng để chuẩn bị thông qua. Đây sẽ là bước tiến về mặt cơ chế chính sách để ông Tập làm lãnh đạo trọn đời của Trung Quốc.

Reuters đưa tin, một số nhà quan sát cho rằng Đại hội 20 sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng, và có thể rút gọn “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”, khiến “Tư tưởng Tập” như bước tiếp theo của “Tư tưởng Mao Trạch Đông”“Lý luận Đặng Tiểu Bình” trong tư cách đóng vai trò là tư tưởng mang tính sứ mệnh dẫn dắt đất nước Trung Quốc. Điều đó còn có thêm ý nghĩa là địa vị của ông Tập sẽ ngang hàng với các cố lãnh đạo Mao và Đặng, qua đó thiết lập quyền lực tuyệt đối của ông về ý thức hệ.

Theo phân tích, một sửa đổi khác có thể được coi là nâng cao quyền lực của ông Tập Cận Bình là đưa “2 thiết lập” mới nhất của ĐCSTQ vào Điều lệ Đảng. Bước đi này nhằm tiến đến việc thiết lập địa vị hạt nhân của ông Tập Cận Bình. Một vấn đề đáng chú ý khác được một số chuyên gia suy đoán (mặc dù khó xảy ra) là: ĐCSTQ có thể sửa đổi hiến pháp để khôi phục vị trí cao nhất của ĐCSTQ là chức Chủ tịch Đảng đã bị họ bãi bỏ vào năm 1982 [thay vào là chức Tổng Bí thư].

Ông Hồ Bình (Hu Ping) – tổng biên tập danh dự của tờ “Mùa xuân Bắc Kinh” của người Hoa tại Mỹ, người theo đường lối thúc đẩy dân chủ – có nhận định trên Đài Á châu Tự do (RFA) về vấn đề này. Ông nói rằng Điều lệ Đảng của ĐCSTQ tại Đại hội 20 sẽ được sửa đổi để làm nổi bật hơn nữa “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Ông cũng đề cập đến một khả năng: “Bây giờ tên đầy đủ của cái gọi là ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ rất dài dòng, gọi là ‘Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc của kỷ nguyên mới’, vì vậy có thể lược bớt những thứ lôi thôi cho gọn gàng thành ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’. Tất nhiên vấn đề cũng làm nổi bật bước tiến để ý nghĩa của nó hoàn toàn ngang bằng với ‘Tư tưởng Mao Trạch Đông’”.

Phân tích: Vị thế của ông Tập vẫn giữ được nhưng gặp phải nhiều thách thức hơn

Nhà hoạt động dân chủ người Hoa nổi tiếng ở Mỹ là ông Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) chỉ ra, vấn đề chính sách ‘Zero-COVID’ trong phòng chống dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) của ông Tập, cùng tình trạng thất bại trong ngoại giao với phương Tây, đã dẫn đến thảm họa nhân quyền ở Trung Quốc. Điều này khiến tình hình kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn, khiến xu thế chỉ trích từ nội bộ Trung Quốc đối với Tập Cận Bình mạnh mẽ hơn. Do đó, còn quá sớm để khẳng định vị thế quyền lực chính trị vững chắc của ông Tập. Mặc dù lãnh đạo ĐCSTQ này sẽ cố gắng ghi vào Điều lệ Đảng trong tư cách người lãnh đạo cao nhất tại nhiệm kỳ 3, nhưng: “Vị trí hiện tại của ông Tập Cận Bình không vững như nhiều khẳng định, trái lại phải xem là rất không ổn định. Chính vì vậy mà bây giờ mới cần phải tổ chức cuộc họp Bộ Chính trị để tạo uy thế cho bản thân”.

Trong một chương trình YouTube vào ngày 11/9, một chuyên gia (người Hoa) quan sát tình hình Trung Quốc là ông Đại Khang (Dakang) cũng nhận định, ông Tập Cận Bình sẽ duy trì quyền lực tại Đại hội 20, nhưng đường lối đang bị thách thức nghiêm trọng từ nội bộ.

Nhà quan sát này chỉ ra, việc lần này ĐCSTQ lại sửa đổi Điều lệ Đảng là xuất phát từ ông Tập Cận Bình. Trong thông cáo báo chí của Tân Hoa xã, tên của ông Tập xuất hiện 6 lần. Một nửa trong số đó là những từ như “Ban Chấp hành Trung ương Đảng với hạt nhân là ông Tập Cận Bình”. Ông Đại Khang cho rằng từ việc sửa đổi Điều lệ Đảng dành cho ông Tập qua những ngôn từ vừa nêu đó, có thể thấy địa vị của ông hiện đã được khẳng định, nghĩa là ông ấy sẽ tiếp tục nắm quyền tối cao sau Đại hội 20.

Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho hay, đường lối của ông Tập đã bị thách thức nghiêm trọng trong nội bộ đảng. Ông chỉ ra trong thông cáo báo chí không cho thấy vấn đề sùng bái cá nhân đối với ông Tập, cũng không đề cập cái gọi là “Tư tưởng Tập”, thay vào là đề cập đến “cải cách và mở cửa”. Trong khi đó, thông cáo báo chí cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 30/8 không có vấn đề gọi là “Cải cách mở cửa”, còn thông cáo lần này không đề cập đến mục tiêu chính của ông Tập Cận Bình tại Đại hội 20 lần này. Tất cả những vấn đề này đều có thể xem là bất ngờ.

Ông nói rằng hiện nay, có thể các phe phái trong ĐCSTQ không thể đủ khả năng ngăn chặn ông Tập Cận Bình tiếp tục tại nhiệm ở Đại hội 20, nhưng đã xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều đối với con đường mà ông Tập chủ trương. Việc định vị con đường của Trung Quốc mà ĐCSTQ xác định trong tương lai, có thể là vấn đề đang được tranh luận mạnh mẽ từ nội bộ của chính quyền này.