Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ tăng cường giám sát và giam giữ người dân tộc thiểu số và người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, mà còn có ý định nhân rộng mô hình này trên toàn quốc. Trước vấn đề này, nhà nghiên cứu Charles Rollet thuộc công ty nghiên cứu giám sát video IPVM của Mỹ bày tỏ lo ngại về hợp tác chặt chẽ của nhiều học giả phương Tây với ĐCSTQ trong lĩnh vực như nhận diện khuôn mặt. 

Embed from Getty Images

ĐCSTQ ngày càng tăng cường giám sát công dân Trung Quốc bằng hệ thống nhận dạng khuôn mặt và camera theo dõi. (Ảnh: Getty Images)

Học giả Mỹ tham gia Hội nghị sinh trắc học Trung Quốc

Đài VOA đưa tin, trong một bài viết được công bố gần đây, nhà nghiên cứu Charles Rollet thuộc công ty nghiên cứu giám sát video IPVM của Mỹ đã viết: “Từ máy ảnh nhận dạng khuôn mặt của nhà thờ Hồi giáo đến thu thập DNA quy mô lớn cũng như quét mống mắt, lĩnh vực sinh trắc học được áp dụng với quy mô chưa từng có nhằm theo dõi người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm người dân tộc thiểu số khác theo Hồi giáo tại Tân Cương.”

Hồi tháng 8/2018, Hội nghị sinh trắc học Trung Quốc (CCBR) lần thứ 13 đã được tổ chức tại Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) Tân Cương. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Mỹ đã được mời đến tham gia và báo cáo tại hội nghị. Đây là vấn đề khiến ông Charles Rollet rất ngạc nhiên.

Ông Rollett cho biết, mặc dù hội nghị không đề cập trực tiếp đến vấn đề áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đối với người Duy Ngô Nhĩ, nhưng đã tiến hành thảo luận về nhiều loại kỹ thuật giám sát khác. Chính những kỹ thuật này đã sàng lọc và cung cấp thông tin cho chính phủ, từ đó khiến vô số người Duy Ngô Nhĩ bị bắt vào trại giam.

Bài viết chỉ ra một trong những học giả hàng đầu tại phương Tây được mời tham gia báo cáo lần này là ông Hoa Cương, từng là chuyên gia của Viện nghiên cứu Microsoft tại Mỹ. Báo cáo của ông Hoa Cương có tiêu đề “Nhận diện khuôn mặt hiệu quả, chính xác và mạnh mẽ”.

Ông Hoa Cương sinh ra ở Hồ Nam, Trung Quốc, từng theo học tại Đại học Giao thông Tây An, có hộ chiếu Mỹ. Theo thông tin công khai, sau khi rời Microsoft, Hoa Cương đã gia nhập công ty trí tuệ nhân tạo Wormpex AI Research tại Washington với tư cách là phó chủ tịch và trưởng ban khoa học. Wormpex AI Research là chi nhánh nghiên cứu tại Mỹ của hệ thống cửa hàng tiện lợi “Bianlifeng” (Con ong tiện lợi) lớn nhất Trung Quốc.

Hôm 8/8, ông Hoa Cương trả lời Đài VOA qua điện thoại: “Về nguyên tắc, tôi không muốn trả lời những suy đoán không chính đáng này”, ông nhấn mạnh, “theo quan điểm của tôi thì những hoạt động kiểu này là trao đổi học thuật thuần túy, không liên quan gì đến chính trị.”

Đài VOA Mỹ cho biết, tham gia hội nghị này còn có Anil K. Jain là Viện sĩ Viện Kỹ thuật Mỹ, một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Bang Michigan. Ông đã nhận giấy chứng nhận danh dự do ban tổ chức trao tặng. Trong lĩnh vực này, giáo sư Jain là người nổi tiếng quốc tế, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học hàng đầu Trung Quốc, tiêu biểu như Đại học Thanh Hoa, hàng năm đều đến giảng dạy ở Trung Quốc.

Cần cân nhắc tính hai mặt của khoa học công nghệ

Trên thực tế, không phải ai cũng nhìn nhận rằng các hoạt động trao đổi học thuật giúp ĐCSTQ thực hiện công việc giám sát người dân bằng công nghệ cao không liên quan gì đến chính trị.

Đài VOA dẫn lời một người dùng Twitter cho biết: “Tất cả họ đang xây thêm gạch đá cho các trại tập trung diệt chủng tại Trung Quốc.”

Tại Hội nghị Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo được tổ chức vào tháng 7/2019 vừa qua, một số công ty công nghệ cao của phương Tây đã bị lên án vì chia sẻ các bộ phận và thành quả nghiên cứu phát triển công nghệ cho hệ thống giám sát của ĐCSTQ.

Theo VOA, hồi đầu năm nay công ty công nghệ sinh học khổng lồ Thermo Fisher (Thermo Fisher Scientific) có trụ sở tại bang Massachusetts Mỹ cũng chịu áp lực phải ngừng bán thiết bị xác định trình tự DNA tại Tân Cương.

Thời báo New York Times nhận định, ĐCSTQ ngày càng tăng cường giám sát công dân của họ qua hệ thống nhận dạng khuôn mặt và camera theo dõi.

Đài Á châu Tự Do (RFA) cũng đã đưa tin về việc công an khi kiểm tra thẻ căn cước của hành khách đã dùng tăm bông để lấy mẫu nước bọt của từng người tại bến vận tải hành khách ở thị trấn Đan Táo, quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông hôm 5/8. Điều này không khỏi khiến người ta nghi ngờ mục đích thiết lập cơ sở dữ liệu DNA của toàn dân Trung Quốc, cho thấy “mô hình giám sát Tân Cương” đang mở rộng trong phạm vi cả nước.

Về vấn đề này, học giả Luật học người Trung Quốc Đằng Bưu sống tại Mỹ đã nhận định, tình trạng giám sát dân chúng ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, thậm chí còn kinh khủng hơn bức tranh mà tiểu thuyết “1984” của nhà văn khoa học viễn tưởng George Orwell đã viết.

Không chỉ vậy, ĐCSTQ cũng đã bắt đầu xuất khẩu công nghệ này sang các quốc gia đang tìm cách giám sát mọi công dân của họ chặt chẽ hơn. Hồi tháng 5/2019, New York Times từng đưa tin về Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn hãng tin Fox News hôm 2/5, theo đó ông Pompeo cho biết chính phủ Mỹ đặc biệt quan ngại việc ĐCSTQ cố gắng đưa hệ thống của họ xâm nhập mạng lưới Internet toàn cầu nhằm thu thập thông tin của chúng ta.

Tuyết Mai

Xem thêm: