Giới quan sát chính trị Trung Quốc chỉ ra, những đồn đoán về sức khỏe của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cho thấy cuộc chiến quyền lực nội bộ trong giới chóp bu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà đang rất cam go.

p3113351a938150827
Nét mặt ông Tập Cận Bình trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc hôm 11/3 đầy căng thẳng, phiền muộn. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video).

Ngày 10/5, trang ANI đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mắc chứng “phình động mạch não” và từng phải nhập viện vào cuối năm 2021. Nguồn tin cho biết, ông Tập muốn được điều trị bằng Trung y hơn là phẫu thuật kiểu Tây y.

Trước đó, có nhiều đồn đoán về vấn đề sức khỏe của ông Tập nói rằng: Trong chuyến thăm Ý hồi tháng 3/2019, ông Tập bị chú ý có dáng đi khập khiễng bất thường; sau đó trong chuyến thăm Pháp cũng có cảnh tượng tương tự khi có phát hiện ông Tập phải tìm kiếm sự hỗ trợ trong khi cố gắng ngồi xuống; tháng 10/2021 khi ông Tập đọc bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, ông đã nói chậm, ho liên tục và uống nước thường xuyên; sau đó vào tháng 12/2021 có thông tin cho rằng ông Tập đã trải qua một cuộc phẫu thuật chứng phình động mạch nội sọ, gây nhiều nghi vấn về sức khỏe.

Về vấn đề này, giới quan sát cho rằng chuyện sức khỏe của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ thường là bí mật hàng đầu, việc thông tin này được truyền đi với tần suất cao có thể thể hiện ý đồ của một phần nội bộ tổ chức này. ĐCSTQ sẽ tập trung tại Bắc Đới Hà vào cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám, hoạt động thảo luận ngầm này có thể sẽ hoàn thành việc phân bổ và tổ chức lại cơ cấu quyền lực cao nhất trước Đại hội 20 của ĐCSTQ. Khoảng thời gian này hàng năm, thông tin về trận chiến quyền lực của Trung Nam Hải luôn náo nhiệt, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự đấu đá nội bộ quyết liệt trong ĐCSTQ nên việc liệu ông Tập có thuận lợi tiếp tục giữ ghế hay không vẫn còn phải chờ xem.

Trước đó có tin ông Tập Cận Bình có thể gặp đảo chính nhưng mức độ không đủ mạnh để có thể thành công. Một số nhà quan sát cho rằng ông Tập không bị mất quyền lực và có thể đang phản công lại trong một số lĩnh vực.

Ủy viên Hội đồng thành phố Đài Bắc Wang Shih-Cheng phát biểu trên chương trình SET News ngày 13/5 rằng: “Từ tình hình hiện nay cho thấy, chế độ của ông Tập Cận Bình vẫn tương đối ổn định”.

Ông Wang Shih-Cheng cho rằng ông Tập đang chống trả bằng 2 chiến thuật: một là tiếp tục cứng rắn với Đài Loan, từ việc không ngừng cho máy bay quân sự quấy rối Đài Loan đến thái độ ngạo mạn trong các bài phát biểu chính thức liên quan đến Đài Loan, tất cả đều nhằm kích động tình cảm dân tộc, ông sử dụng cái gọi là thống nhất Đài Loan như một chiêu bài duy trì quyền chính trị nội bộ; thứ hai là kiên quyết chính sách ‘Zero COVID’ không chỉ vì dịch bệnh mà còn để gia cố quyền lực thông qua bầu không khí áp lực cao về chính trị, đảm bảo uy thế để có thể tái nhiệm trong thời gian sắp tới.

Tuy nhiên, không cùng quan điểm với ông Wang Shih-Cheng, trên Đài Á Châu Tự do ngày 12/5, giáo sư danh dự Ming Juzheng của Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan phân tích rằng mặc dù người Thượng Hải không có ý định chống lại ông Tập, nhưng các lực lượng chống Tập có thể “thừa gió bẻ măng”, đưa các loại thảm họa thảm khốc trong việc chống dịch vào cuộc đấu tranh chính trị cấp cao, nên việc ông Tập tiếp tục giữ được quyền lực tại Đại hội 20 là khó đảm bảo.

Giáo sư Ming Juzheng đã trích dẫn một cụm từ thường được ĐCSTQ sử dụng, để mô tả các phe phái đang “kéo căng sợi dây đấu tranh giai cấp”. Giáo sư Ming cho biết, khi Bí Thư Lý Cường của Thượng Hải thúc đẩy chính sách ‘Zero COVID’ đã có mâu thuẫn rất căng trong nội bộ quan chức địa phương. Bây giờ mâu thuẫn dường như ngày càng lớn hơn, có thể khiến ông Tập cảm giác xu thế chống lại đang lên cao và xu thế này có thể gây khó khăn cho ông trong việc tiếp tục duy trì quyền lực tại Đại hội 20. Vì vậy ông Tập lại phải tăng cường kiểm soát và hệ quả lại làm mâu thuẫn tiếp tục leo thang theo chiều xoáy ốc.