Nhà Luật học nổi tiếng Trung Quốc, Giáo sư Luật tại Đại học Thanh Hoa Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) hiện đã bị trường Đại học Thanh Hoa đình chỉ mọi chức vụ và đang tiến hành điều tra vì phê phán ‘tệ sùng bái cá nhân’ và chính sách của chính quyền Trung Quốc, vụ việc đã thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận tại Trung Quốc Đại lục. Nhiều học giả và đồng nghiệp của ông Hứa tại Đại học Thanh Hoa cũng lên tiếng ủng hộ ông, yêu cầu nhà trường thu hồi lại quyết định sai lầm.

Hứa Chương Nhuận
Ông Hứa Chương Nhuận – Giáo sư Đại học Thanh Hoa (Ảnh từ internet)

Đài BBC đưa tin, nhiều học giả hiểu về vụ việc cho biết Đại học Thanh Hoa đã nói đã tiến hành điều tra đối với ông Hứa Chương Nhuận. Trong khi chờ đợi kết quả điều tra, ông sẽ không được lên lớp, dừng các hoạt động nghiên cứu khoa học, dừng chiêu sinh, cách mọi chức vụ.

Đối với vụ việc này, ông Hứa Chương Nhuận cho biết, “tôi đã chuẩn bị tâm lý từ lâu, và cảm thấy đây là chuyện nhỏ.”

Gần hai năm qua, ông Hứa Chương Nhuận đã công khai nhiều bài viết và có nhiều bài diễn giảng công khai, phân tích về lịch sử và hiện trạng của Trung Quốc, phê phán sự chuyên chế của đảng Cộng sản Trung Quốc, v.v, đã gây được tiếng vang trong cộng đồng phần tử tri thức tại Trung Quốc, cũng như được sự kính trọng của giới tri thức. Trong đó có các bài như: “Trung Quốc không phải là một đế quốc đỏ”, “5 chiến dịch của Chủ nghĩa Tự chủ”, “Nhắc lại lý niệm vĩ đại của nước cộng hòa”, “Nhắc lại cơ sở lập trường của Trung Quốc”, “Bảo vệ ‘Cải cách mở cửa'”, “Lời nói chính trực thời hoàng kim – Trung Quốc đang ở giới điểm”, v.v, nhất là bài viết được ông công bố hồi tháng 7 năm ngoái “Nỗi sợ hãi và sự mong chờ của chúng ta”, đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những nhân sĩ tri thức thuộc các giai tầng ở Trung Quốc.

Trong các bài viết của mình, ông Hứa Chương Nhuận đã trực tiếp phê bình rất nhiều chính sách đối nội đối ngoại đi ngược trong mọi phương diện của đảng chấp chính trong mấy năm qua, nhất là kịch liệt phản đối phòng trào sùng bái cá nhân đang nổi, hủy bỏ giới hạn nhiệm kỳ của lãnh đạo quốc gia được ghi trong hiến pháp, hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tư nhân gia tăng, truyền thông nhà nước nhắc lại đấu tranh giai cấp, tăng lực độ đàn áp đối với phần tử tri thức, viện trợ nước ngoài quá mức và đóng vai trò là nhà lãnh đạo Chiến tranh Lạnh mới trên thế giới. Những phê bình của ông Hứa đã chỉ thẳng trọng tâm về vấn đề của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay, đó chính là đi lệch khỏi con đường cải cách mở cửa, đi vào con đường toàn trị cũ của Stalin – Mao Trạch Đông từ kiểm soát tư tưởng đến kiểm soát xã hội. Những chính sách mà ông phê bình này lại chính là những thứ mà lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy.

Sự kiện ông Hứa Nhuận Chương bị điều tra đã khiến giới học thuật và phần tử tri thức tại Trung Quốc lên tiếng, họ yêu cầu Đại học Thanh Hoa thu hồi quyết định sai lầm.

Theo Đài BBC cho biết, bạn của ông Hứa Chương Nhuận, Giáo sư Xã hội học của Quách Vu Hoa (Guo Yuhua) của Đại học Thanh Hoa, Giáo sư Sở Thụ Long (Chu Shulong) của Học viện Quản lý công thuộc Đại học Thanh Hoa đã công khai lên tiếng ủng hộ ông Hứa.

Bà Quách Vu Hoa chia sẻ với BBC cho biết, bà đã đề xuất gặp bí thư đảng ủy và các lãnh đạo của Đại học Thanh Hoa để hỏi chi tiết về nguyên nhân và căn cứ pháp luật khi điều tra ông Hứa, nhưng hai ngày trôi qua vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Bà còn còn đăng bài viết “Làm gì có chuyện học giả không được biểu đạt?” để lên tiếng ủng hộ ông Hứa, bài viết được đăng trên mạng xã hội và đã được nhiều người chia sẻ. Tuy nhiên, từ chiều ngày 26/3, ở Trung Quốc Đại lục đã không thể mở được bài viết này.

Sau khi thông tin ông Hứa bị đình chỉ mọi chức vụ và đình chỉ giảng dạy, bà Chương Di Hòa (bạn của ông Hứa Chương Nhuận) đã công khai chất vấn Đại học Thanh Hoa trên mạng xã hội Wechat. Bà cho biết, trong môi trường chính trị câm như hến, ông Hứa Chương Nhuận vì lên tiếng mà đã bị đàn áp, giới tri thức nên đứng ra lên tiếng cho ông. “Nếu mỗi người chúng ta đều dám đứng ra, thì Đại học Thanh Hoa không thể muốn làm gì thì làm!”

Giáo sư Cao Hồng Quân (Gao Hongjun) thuộc Học viện Luật của Đại học Thanh Hoa cũng cho biết, “đồng nghiệp của chúng tôi bị đình chỉ mọi chức vụ một cách vô cớ, có lẽ chỉ là vì những phát biểu của ông ấy, điều này không có căn cứ pháp luật nào, đồng thời khiến cho nhiều giảng viên trong trường thấy sợ hãi. Trong một nước pháp trị, tự do ngôn luận là quyền lợi của công dân được quy định trong hiến pháp, cũng là quyền con người cơ bản. Tôi lấy danh nghĩa của một giảng viên, phản đổi cách làm của phía nhà trường.”

Hôm 28/3, Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) đưa tin, Giáo sư Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan) thuộc Học viện Luật của Đại học Thanh Hoa đã có bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) với tiêu đề “Đại học Thanh Hoa nên thiện đãi học giả ưu tú của mình”, nói ông Hứa Chương Nhuận “bị tội vì lên tiếng”, cần có nhiều người của Đại học Thanh Hoa và những người trong giới Luật học đứng ra, yêu cầu Đại học Thanh Hoa không nên “đàn áp học giả”, để ông Hứa Chương Nhuận trở về cương vị của mình tại Đại học Thanh Hoa.

Hiện tại, thông tin từ nội bộ từ Đại học Thanh Hoa cho biết, nhà trường chưa đưa ra “xử lý cuối cùng” đối với ông Hứa Chương Nhuận.
Ông Hứa Chương Nhuận năm nay 57 tuổi, là một tri thức nổi tiếng, từng là Nghiên cứu viên đặc biệt của Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc (Unirule Institute of Economics). Năm 2005, ông được bầu chọn là một trong “10 nhà Luật học trẻ kiệt xuất trên toàn quốc (Trung Quốc)”, ông cũng là một học giả tự do nổi tiếng.

Ở Trung Quốc, có rất nhiều trường hợp “bị tội vì lên tiếng” giống như ông Hứa Chương Nhuận. Giới quan sát cho rằng, chính quyền Trung Quốc đang thu hẹp lại không gian phát ngôn để tạo thành hiệu ứng im lặng trong giới học thuật tại nước này.

Theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI), nhiều năm qua, có nhiều giáo sư tại Trung Quốc bị trừng phạt như dừng giảng dạy, buộc thôi việc do dám lên tiếng. Trong đó có Phó Giáo sư Sử Kiệt Bằng (Shi Jiepeng) của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Phó Giáo sư Hứa Truyền Thanh (Xu Zhuanqing) của Đại học Kiến trúc Bắc Kinh, Giáo sư Long Thịnh Đông (Long Shengdong) của Đại học Hạ Môn, Phó Giáo sư Trác Cát Hồng (Zhai Jiehong) của Đại học Kinh tế và Luật Trung Nam tại Hồ Bắc, Phó Giáo sư Đàm Tùng (Tan Song) của Học viện Ngoại thương thuộc Đại học Sư phạm Trùng Khánh, Giáo sư Dương Chiêu Chính (Yang Zhaozheng) của Đại học Quý Châu, v.v.

Trí Đạt

Xem thêm: