Sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ 3 tại Đại hội 20, đã có tin đồn về làn sóng người giàu và tinh anh nước này rời khỏi đất nước.

shutterstock 211339096
Gần đây nhiều tin đồn về Trung Quốc rằng giới nhà giàu nước này đã bắt đầu tăng tốc kế hoạch rời khỏi đất nước. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nguồn tin từ Financial Times

Tờ Financial Times (Anh) ngày 25/10 đưa tin, vào thời điểm Đại hội 20 của ĐCSTQ, cùng xu thế phe cánh thân tín Tập Cận Bình nắm quyền, giới nhà giàu nước này đã tăng tốc làn sóng lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. Luật sư David Lesperance, người có nhiều trải nghiệm làm việc với các gia đình giàu có ở Hồng Kông và Trung Quốc, chỉ ra việc ông Tập Cận Bình kéo dài thời gian cầm quyền là một bước ngoặt đối với giới thượng lưu và kinh doanh của Trung Quốc – những người trước đây đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Ông Lesperance cho biết nhiều khách hàng của ông đã chuẩn bị rời Trung Quốc từ nhiều năm trước, bao gồm cả việc chuyển tài sản hợp pháp đến các khu vực tài phán nước ngoài an toàn, bố trí cho các thành viên gia đình nhập quốc tịch mới để cư trú. Ông nói rằng những người giàu có của Trung Quốc không chỉ lo lắng nhà cầm quyền sẽ sử dụng hệ thống thuế cao và buộc họ chia sẻ tài sản, mà còn ngày càng lo lắng về an toàn của chính họ.

Nguồn tin chỉ ra những năm gần đây, có hiện tượng nhiều người nổi tiếng của Trung Quốc đã bất ngờ “mất tích” trong thời gian ngắn hoặc dài đã khiến giới nhà giàu Trung Quốc lo lắng hơn về an toàn của họ: ví dụ như Mã Vân (Jack Ma) – người sáng lập Alibaba – từng “mất tích” một thời gian, Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) – người sáng lập Minh Thiên đã bị xét xử và kết án ở Thượng Hải sau khi “mất tích” 5 năm, tin đồn nữ doanh nhân Đoàn Vỹ Hồng (Duan Weihong) bị điều tra vì liên quan đến vụ án tham nhũng của cựu ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài…

Ông Lesperance mô tả rằng người giàu có Trung Quốc trước đây vẫn có phương án “chuẩn bị một chiếc tàu cao tốc ở bến cảng với vàng miếng và bộ hồ sơ thứ 2; bây giờ chuyển thành chuẩn bị một chiếc máy bay riêng, hộ chiếu và tài khoản ngân hàng nước ngoài”.

Nguồn tin cũng đề cập đến việc hãng luật Dentons Reid LLP trụ sở tại Singapore có 6.000 nhân viên tại Trung Quốc, đối tác cấp cao của họ là Kia Meng Loh cho biết trong vài tháng qua, liên tục nhận được chỉ thị và yêu cầu của giới nhà giàu Trung Quốc về việc đặt văn phòng gia đình (family offices) tại Singapore. Văn phòng gia đình được những người giàu có sử dụng để quản lý tài sản của gia đình.

Ông Kia Meng Loh nói trước đây, Hồng Kông từng là điểm đến cho giới thượng lưu và giàu có Trung Quốc đặt văn phòng gia đình, nhưng với việc ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát Hồng Kông thì sức hấp dẫn của Hồng Kông đã giảm sút.

Giám đốc Ryan Lin của công ty luật Bayfront Law có trụ sở tại Singapore cũng cho biết, trong thời gian Đại hội 20 của ĐCSTQ ông đã tiếp nhận 5 gia đình Trung Quốc bày tỏ mong muốn thành lập văn phòng gia đình tại Singapore, trong số đó có 3 gia đình đang trong quá trình thực hiện. Trong năm qua, ông đã thành lập khoảng 30 “văn phòng gia đình” ở Singapore, hầu hết những người giàu Trung Quốc đều muốn chuyển địa điểm và chuyển tài sản sang Singapore.

Theo Ngân hàng tư nhân CITI, số lượng văn phòng gia đình được thành lập tại Singapore đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2017 – 2019, từ 400 vào cuối năm 2020 lên 700 vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng. Người sáng lập một nền tảng bất động sản của Mỹ dành cho giới giàu có của Trung Quốc cho biết, ông đang vật lộn với vô số yêu cầu vì hầu hết khách hàng đều mong muốn rời khỏi Trung Quốc mà không có kế hoạch chu đáo.

Đồng thời, các công ty nhập cư ở Thượng Hải và Bắc Kinh đã nhận được một số lượng lớn đơn xin thẻ xanh Mỹ từ những người có thành tích xuất sắc. Đối với họ thì thời gian chờ đợi sẽ nhanh hơn so với những người siêu giàu có thể nhận được thẻ xanh bằng cách đầu tư.

Khoảng 10.000 người giàu rời khỏi TQ trong nửa đầu năm 2022

Đầu tháng 7 năm nay, Bloomberg đã công bố thông tin đặc biệt cho biết do dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc và suy thoái kinh tế, khoảng 10.000 người giàu Trung Quốc đã rời khỏi nước này.

Khi đó, công ty tư vấn nhập cư đầu tư Henley & Partners (có trụ sở tại London – Anh) ước tính rằng việc di cư của những người giàu có này đã mang khỏi Trung Quốc 48 tỷ USD. Trong số 10.000 cá nhân có giá trị ròng cao (VHNWI), có khoảng 4.200 người đã di cư ra nước ngoài từ tháng 1 – 6 năm nay. Theo lựa chọn, nước ưa thích của họ để di cư là Mỹ, tiếp theo là Canada, Úc, Vương quốc Anh và Singapore.

Nguồn tin đã lấy chủ sở hữu họ Hồ của một nhà hàng ở Thượng Hải làm ví dụ, nói rằng chính sách phòng chống dịch bệnh COVID-19 hà khắc của ĐCSTQ khiến người này đã quyết định bán một phần vốn sở hữu của mình trong hai nhà hàng cao cấp trị giá 20 triệu nhân dân tệ, đồng thời đã thuê một luật sư nhập cư và người quản lý tài sản để giúp anh ta chuyển đến Canada.

Theo công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners tiết lộ, “Mặc dù chúng tôi không chắc chắn về số lượng chính xác VHNWI sẽ chuyển đến Singapore trong năm nay, nhưng con số cho cả năm sẽ vượt quá 500”.

Theo công ty môi giới bất động sản Hedeng Group, so với quý trước thì doanh số bán căn hộ cao cấp trong khu vực Singapore đã tăng 64% trong quý II, và các yêu cầu từ người mua nước ngoài cũng tăng lên. Vào tháng 6 năm nay, một người mua lại khu Canninghill Piers ở Fort Canning (Singapore) cũng là người từ Trung Quốc, đã mua một lúc 20 căn, tất cả là căn lớn 3 – 4 phòng ngủ với tổng giá trị giao dịch ước tính hơn 85 triệu đô la Singapore (hơn 61,5 triệu USD).

Các nguồn tin cho biết, người mua có thể còn mua thêm 10 căn nữa, nâng tổng giá trị giao dịch lên hơn 100 triệu đô la Singapore và đóng góp khoảng 30 triệu đô la Singapore tiền thuế trước bạ cho Chính phủ Singapore.

Giáo sư Nick Thomas tại Đại học Thành phố Hồng Kông – người từng biên tập một số cuốn sách về đại dịch COVID-19 và các mối quan hệ chính trị – nói với Bloomberg rằng sự ra đi của những người giàu này “là một cái giá rõ ràng đối với nền kinh tế Trung Quốc”, và rằng “rủi ro từ COVID-19 đang được đưa vào các kế hoạch kinh tế và mô hình doanh nghiệp”.