Xã hội Trung Quốc ngày nay có xu thế cổ vũ phương châm sống “Ai tụt lại phía sau sẽ no đòn”, căn nguyên của phương châm này mang dấu ấn từ môi trường giáo dục Trung Quốc, nhưng thực tế lịch sử Trung Quốc có ủng hộ phương châm đó?

Bắc Kinh, Thiên An Môn
Cảnh sát Trung Quốc (Ảnh: Songquan Deng/ Shutterstock).

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi là “Trung Quốc”) từ nhỏ đến lớn được răn dạy về lịch sử một thế kỷ ô nhục khi Trung Quốc bị thế giới bao vây trấn áp. Những đứa trẻ đó cũng được học rằng vào ngày 1/10/1949 nhân dân Trung Quốc đã đứng lên. Điều khiến thế hệ trẻ Trung Quốc ngày nay càng tự hào hơn là Trung Quốc không còn là gã ốm yếu Đông Á năm xưa mà đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí còn đang trong tầm ngắm vượt qua nước Mỹ.

Phản ánh sự giáo dục và nhận thức nói trên là câu nói quen thuộc và được yêu thích nhất của trẻ em Trung Quốc ngày nay: Ai tụt lại phía sau sẽ no đòn. Phương châm đó đã trở thành lý do để giới trẻ Trung Quốc ngày nay bày tỏ hy vọng về một Trung Quốc hùng mạnh.

Nhưng những dấu ấn lịch sử Trung Quốc cho thấy phương châm đó chỉ là hoang tưởng:

Thứ nhất, trong lịch sử [thời phong kiến] Trung Quốc, hầu như tất cả các cuộc thay đổi triều đại đều là kết quả của việc các kẻ thù bên ngoài lạc hậu hơn xâm lược và lên thay thế triều đại hùng mạnh trước đó. Có thể nói, cho dù vương triều của triều đại trước không đến nỗi lạc hậu vào những năm cuối triều đại thì cũng không thoát khỏi kiếp vận bị tiêu tan.

Thứ hai, nhìn vào lịch sử 70 năm qua của Trung Quốc sẽ có một cách hiểu mới về phương châm “Ai tụt lại phía sau sẽ no đòn” tưởng tưởng hợp lý, nhưng không đúng. Từ năm 1949 – 2023, Trung Quốc đã 3 lần bị thế giới bao vây, nhưng không lần nào liên quan đến lạc hậu của Trung Quốc.

Cuộc bao vây đầu tiên xảy ra vào những năm 1950. Nguyên nhân không phải do tình trạng nghèo đói cùng cực của Trung Quốc trong buổi đầu [nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc] lập quốc, mà do Trung Quốc bắt tay với Triều Tiên xâm lược Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) – một nước độc lập được Liên Hiệp Quốc công nhận. Để đối phó với cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc và Triều Tiên vào Hàn Quốc, Liên Hiệp Quốc đã ủy quyền cho lực lượng quân sự của 16 nước và lực lượng y tế của 5 nước thành lập Quân đội Liên Hiệp Quốc để cung cấp cho Hàn Quốc quân đội và các nguồn lực quân sự cần thiết đẩy lùi các cuộc tấn công vũ trang của Trung Quốc và Triều Tiên, lập lại hòa bình cho khu vực bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị thế giới bao vây, và đó là một đòn quân sự. Kể từ đó, Trung Quốc bị cô lập, bị thế giới tự do cấm vận trong hơn 20 năm. Những lệnh cấm vận đó phải vào cuối những năm 1970 khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ thì mới dần dần được dỡ bỏ.

Cuộc bao vây Trung Quốc thứ hai xảy ra vào năm 1989 – tức 10 năm sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Lần này là bao vây kinh tế. Vào thời điểm đó, Trung Quốc bước vào thập niên thứ hai của cải cách và mở cửa, sức sống kinh tế bắt đầu thể hiện và sức mạnh đất nước Trung Quốc đã vượt xa bất kỳ giai đoạn nào trong 40 năm trước. Lần thứ hai thế giới bị bao vây này cũng không phải vì Trung Quốc lạc hậu, mà vì vào sáng sớm ngày 4/6 năm đó, nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng quân đội để tàn sát các sinh viên và công dân Trung Quốc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Thiên An Môn và Đại lộ Trường An. Biến cố này được cộng đồng quốc tế gọi là Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6”, nhưng ở Trung Quốc được nhà cầm quyền gọi là “Nổi loạn ngày 4/6”. Sau vụ việc, nhiều nước phát triển đã cắt đứt quan hệ kinh tế và viện trợ với Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt kinh tế này kéo dài trong nhiều năm và không được dỡ bỏ hoàn toàn cho đến trước khi Trung Quốc gia nhập WTO vào tháng 11/2001.

Lần thứ ba Trung Quốc bị thế giới bao vây bắt đầu vào năm 2019 là lúc Trung Quốc đạt GDP bình quân đầu người 10.000 đô la Mỹ, tạm biệt đói nghèo và bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện tại mạnh hơn bất kỳ chế độ nào trong lịch sử Trung Quốc được ghi lại. Trận đánh lần này rõ ràng không phải vì Trung Quốc lạc hậu.

Sau khi gia nhập WTO, Trung Quốc đã đạt được động lực kinh tế chưa từng có. Trước thềm đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới và là động lực của nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tất cả các nước đều không muốn bỏ lỡ thị trường Trung Quốc và các cơ hội do thị trường khổng lồ này mang lại, chiều ngược lại thì việc Trung Quốc hộp nhập quốc tế nhiều hơn giúp kinh tế của Trung Quốc phát triển hơn.

Đây là xu thế có lợi cho cả Trung Quốc và thế giới. Nhưng nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã tùy tiện lạm dụng lợi thế phát triển này thông qua đơn phương thao túng nguồn lực kinh tế và xem là vũ khí chính trị đe dọa các nước. Về quyền sở hữu trí tuệ, Trung Quốc bắt đầu từ việc ép buộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, và từng bước leo thang đến việc trực tiếp đánh cắp công nghệ tại nước xuất xứ công nghệ; trong thương mại quốc tế, họ tùy tiện phá bỏ quy tắc quốc tế và tùy tiện áp đặt các hình phạt thương mại đối với đối tác; về quan hệ quốc tế, buộc các nước và tổ chức hợp tác phải chấp nhận các giới hạn đỏ chính trị khác nhau do chính phủ Cộng sản Trung Quốc đặt ra; về mặt nhân quyền, tùy tiện tước đoạt quyền tự do thậm chí tính mạng công dân đối với người dân ở Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng và các khu vực khác của Trung Quốc; về tranh chấp lãnh thổ đã xuyên tạc quy tắc quốc tế, không ngừng gây ra vấn đề tranh chấp lãnh thổ và qua đó đe dọa vũ lực với các nước láng giềng. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc dùng thị trường khổng lồ của họ làm mồi nhử để đòi hỏi các nước phải cúi đầu trước họ trong tất cả các lĩnh vực trên, muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc thì phải ngoan ngoãn nghe theo.

Điều Chính phủ Trung Quốc không ngờ được là sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc bắt đầu thất bại, cộng đồng quốc tế bắt đầu ghê tởm và phản kháng. Ba sự kiện quan trọng đã góp phần vào sự thay đổi bất ngờ này: Phong trào Chống Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông vào năm 2019, sự bùng phát toàn cầu của dịch COVID-19 vào năm 2020, và cuộc diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào năm 2021 được tiết lộ rộng rãi. Ba sự kiện đó lần lượt tiêu biểu cho thực tế mạo phạm nghiêm trọng của Cộng sản Trung Quốc đối với thế giới tự do trên ba khía cạnh: phản bội các cam kết quốc tế, đe dọa nền kinh tế toàn cầu, và chà đạp nhân quyền. Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, xu thế bất mãn trong cộng đồng quốc tế đối với nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc đã tích tụ trong gần 20 năm và cuối cùng bắt đầu bùng phát vào năm 2019 rồi lan rộng nhanh chóng.

Sự thay đổi đột ngột này được bộc lộ rõ ​​trong các tuyên bố lên án đối với Chính phủ Trung Quốc. Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác ngày càng thường xuyên, quan hệ giữa Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước đã theo đó nhanh chóng tụt dốc không phanh. Trước đó ứng xử của nhiều nước trên thế giới đối với Trung Quốc còn chùn tay cả nể, nhưng bất ngờ yêu  cầu công bằng và thậm chí công khai lên án. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đổ mọi trách nhiệm về cuộc xung đột cho một bên của thế giới, nhưng khi một số lượng lớn các nước và tổ chức quốc tế xung đột với nhà cầm quyền Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian và vì cùng một lý do thì trách nhiệm thực sự thuộc bên nào là rõ ràng.

Lần thứ ba nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị thế giới bao vây tấn công có thể nói vẫn lại là do chính họ tự chuốc lấy chứ không liên quan gì đến vấn đề mạnh hay yếu từ sức mạnh quốc gia của Trung Quốc.

Nếu chúng ta phải tìm một cơ sở cho quan điểm “Ai tụt lại phía sau sẽ no đòn” thì cơ sở này chỉ tồn tại trong tâm lý chung của người dân Trung Quốc ngày nay [nhưng trái với hiện thực lịch sử Trung Quốc]. Quan điểm “cá lớn nuốt cá bé” không chỉ thể hiện nhất quán trong các khuôn mẫu hành vi của Chính phủ Cộng sản Trung Quốc được liệt kê ở trên, mà còn để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm lý cộng đồng người dân tại Trung Quốc. Sống trong một xã hội mà kẻ yếu bị khuất phục trước nắm đấm kẻ mạnh thì hẳn người dân xã hội đó cũng cảm thấy nước yếu làm chư hầu nước mạnh là lẽ đương nhiên.

Trẻ em ở Trung Quốc bị nhồi nhét tư tưởng [cá lớn nuốt cá bé] đó từ khi còn nhỏ. Trong một môi trường không có khai sáng của nền văn minh hiện đại, quan niệm man rợ đó sẽ đồng hành dẫn dắt họ trong suốt cuộc đời. Các chiến binh sói dân sự và các nhà ngoại giao chiến binh sói trong quan trường của Trung Quốc ngày nay là phiên bản người lớn của những đứa trẻ Trung Quốc trước đó.

Chưa đầy một tuần sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Moscow để thành lập một liên minh mới với ông Putin.

Trung Quốc hiện đang chìm trong cuộc bao vây tấn công lần thứ ba của cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với điều gì tiếp theo? Câu trả lời có thể sẽ sớm ghi tạc vào bức tranh lịch sử.

Bạch Đinh
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng tại Yibaochina.)