Hôm thứ Năm (2/12), phiên bản tiếng Anh của Thời báo Hoàn Cầu và tổng biên tập Hồ Tích Tiến tố ngược Hiệp Hội Quần vợt Nữ Quốc tế (WTA) “tước đoạt quyền tự do ngôn luận” của Bành Soái sau khi tổ chứ này tuyên bố ngừng tất cả các giải đấu ở Trung Quốc.

Screen Shot 2021 11 06 at 11.38.56 AM 1
Ngày 2/11/2021, ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái (phải) đã cáo buộc cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (trái) ba năm trước tấn công tình dục cô tại nhà riêng của ông ta. (Ảnh ghép)

Về vấn đề này, chuyên gia về Trung Quốc là Gordon G. Chang cho biết: “Trước tiên chính quyền Trung Quốc đã bịt miệng Bành Soái và làm cho cô ấy biến mất, bây giờ lại cho cô ấy xuất hiện và tuyên bố rằng WTA đang tước quyền tự do ngôn luận của ngôi sao quần vợt này, nên biết WTA không thể tiếp xúc được Bành Soái, (đảo lộn trắng đen) đáng sợ!”

Trước đó hôm thứ Tư, trong một tuyên bố của Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WTA là Steve Simon cho biết, việc các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xử lý vụ việc của Bành Soái khiến họ không còn lựa chọn nào khác, họ không thể chấp nhận cáo buộc tấn công tình dục đàn áp phụ nữ từ những người có quyền lực. Họ cũng yêu cầu nhà chức trách Trung Quốc điều tra toàn diện và minh bạch trong các cáo buộc của cô Bành Soái về hành vi tấn công tình dục của ông Trương Cao Lệ, không tiến hành kiểm duyệt ngôn luận nữa.

Dẫn khởi của câu chuyện này là vào ngày 2/11, Bành Soái công khai cáo buộc ông Trương Cao Lệ, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng, 3 năm trước đã tấn công tình dục cô. Sau đó trong tháng qua, tung tích cũng như tình trạng sức khỏe và tình trạng tự do của Bành Soái đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Mặc dù cô đã xuất hiện trước công chúng sau 19 ngày “mất tích”, nhưng những bức ảnh và video liên quan cho thấy lời kể của cô là lời nói theo chủ ý của cơ quan chức năng và truyền thông do nhà nước kiểm soát.

Phản ứng của tuyên truyền Trung Quốc với tuyên bố của WTA

Sau khi WTA đưa ra quyết định đình chỉ các trận đấu ở Trung Quốc, hôm thứ Năm tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) phiên bản tiếng Anh – một chi nhánh của tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ – đã cáo buộc WTA quyết định “phiến diện” không chỉ làm tổn hại đến quyền và lợi ích cá nhân của Bành Soái mà còn “ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội cạnh tranh công bằng” của các tay vợt nữ khác.

Hôm thứ Năm, tổng biên tập Hồ Tích Tiến cũng đăng trên Twitter một lần nữa nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc: “WTA đang buộc Bành Soái hỗ trợ các thế lực phương Tây tấn công Trung Quốc, họ đang tước đoạt quyền tự do ngôn luận của Bành Soái, đòi hỏi tình hình của cô ấy phù hợp với trí tưởng tượng của họ”.

Đa số người dân sống ở Trung Quốc Đại Lục không thể trực tiếp sử dụng tài khoản Twitter, họ không thể thấy được các bài đăng trên Twitter của ông Hồ.

Cho đến nay, các nhà chức trách ĐCSTQ đã chặn hoạt động bàn luận trên internet về đề tài cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái đối với ông Trương Cao Lệ, trong khi không có dấu hiệu nào cho thấy họ đang điều tra vấn đề hoặc đang chuẩn bị điều tra vấn đề.

Trùng hợp khi các tổ chức thể thao nước ngoài như WTA đang gây áp lực thì vào tháng trước, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã bất ngờ được Bắc Kinh sắp xếp để có một cuộc gọi video dài 30 phút với Bành Soái. Sau khi WTA tuyện bố ngừng tổ chức các giải đấu tại Trung Quốc, IOC lại có cuộc gọi điện video với Bành Soái, tuy nhiên lần này chỉ đưa ra tuyên bố mà không có hình ảnh. Thông điệp tuyên bố của IOC vẫn giống như trước, cho biết Bành Soái vẫn an toàn.

Bắc Kinh sẽ tổ chức thế vận hội vào tháng 2/2022, trước khi nghỉ hưu vào năm 2018, ông Trương Cao Lệ là người luôn phụ trách chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh và là quan chức đối thoại với Chủ tịch IOC.

Biên bản họp báo hàng ngày do Bộ Ngoại giao ĐCSTQ công bố hầu như đều xóa các câu hỏi về Bành Soái của các phóng viên nước ngoài. Ví dụ hôm thứ Năm khi được hỏi về việc WTA rút khỏi Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân từ chối bình luận trực tiếp, chỉ trả lời rằng Trung Quốc phản đối chính trị hóa thể thao, nhưng trong biên bản họp báo công bố sau đó đã không nêu chuyện này.

Quyết định được ủng hộ của ban điều hành WTA

Chủ tịch Simon của WTA chia sẻ sau khi tuyên bố ngừng các giải đấu ở Trung Quốc:

“Khi Bành Soái không được tự do giao tiếp và dường như bị áp lực phải bác bỏ cáo buộc tấn công tình dục của cô ấy, tôi không hiểu sao có thể yêu cầu các vận động viên của chúng ta thi đấu ở đó. Xét thấy tình hình hiện tại, tôi cũng rất lo lắng, nếu chúng tôi tổ chức các sự kiện ở Trung Quốc vào năm 2022 thì tất cả các tay vợt và nhân viên của chúng tôi có thể gặp rủi ro”.

“Mặc dù bây giờ chúng tôi biết Bành Soái đang ở đâu, nhưng tôi rất nghi ngờ liệu cô ấy có được tự do, an toàn và không bị kiểm duyệt, bị ép buộc và đe dọa hay không. WTA luôn rõ ràng về những gì cần thiết và một lần nữa chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái, đồng thời không để (cô ấy) bị kiểm duyệt”.

Chỉ trích của cư dân mạng nước ngoài

Bất kể Thời báo Hoàn cầu hay Twitter của ông Hồ Tích Tiến, hay tuyên bố thứ hai của IOC, đều làm dấy lên chỉ trích và nghi ngờ mạnh mẽ từ cư dân mạng quốc tế.

Có người đã chế nhạo ông Hồ Tích Tiến rằng: “Anh Hồ, tôi rất quan tâm, ai đang đe dọa anh để khiến anh nói thế? Ai đang ép anh nói những điều mà anh rõ ràng là không tin, ai tước đi quyền tự do ngôn luận của anh?

Một dòng tweet khác: “Hồ Tích Tiến đang dẫn đầu. Muốn buộc mọi người phải chọn phe và thể hiện lòng trung thành với Trung Quốc (ĐCSTQ), đây là một mánh khóe phổ biến ở Bắc Kinh, và ông ấy nghĩ mình cũng có thể làm như vậy trên Twitter”.

Một cư dân mạng khác nói: “Không ai có thể tấn công hoặc bôi đen thể chế Trung Quốc (ĐCSTQ), bởi vì thể chế Trung Quốc (ĐCSTQ) từ lâu đã là bóng đen”.

“Vấn đề là cả thế giới không tin vào tuyên bố của ĐCSTQ đối với vụ Bành Soái. Ngoài ra, ĐCSTQ thậm chí không dám điều tra cáo buộc tấn công tình dục của Bành Soái đối với cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc”, một cư dân mạng khác viết.

Cư dân mạng Trung Quốc đề cập bóng gió để tránh kiểm duyệt

Cư dân mạng ở Trung Quốc cũng bày tỏ sự thất vọng của họ theo một cách tế nhị khác khi cố gắng tránh kiểm duyệt trực tuyến của ĐCSTQ. Một số người sử dụng những từ ngữ khó hiểu để nói về Bành Soái, vì mọi người không thể chỉ rõ tên tiếng Trung của cô ấy cũng như không thể nêu rõ chi tiết về các cáo buộc của cô ấy, nên họ sử dụng những tuyên bố mơ hồ như “một vận động viên quần vợt”, “cuộc chiến nước bọt”, “chuyện không thể nói”…

“Câu chuyện là thật hay giả chưa nói, chuyện đó không được phép kể. Có vòng tròn bên ngoài câu chuyện, chuyện trong vòng tròn đó không ai đọc được, ai thích thì bình luận  thôi”, một cư dân mạng Trung Quốc viết. “Không biết mọi người còn nhớ câu chuyện không thể kể trước đây”.

Có người sử dụng từ bóng gió “lấy trứng chọi đá”. Như Bành Soái đã cho biết trong dòng trạng thái tố cáo công khai vào ngày 2/11: “Cho dù là lấy trứng chọi đá, dù làm con thiêu thân tôi cũng sẽ nói sự thật về ông (ám chỉ Trương Cao Lệ)”, ám chỉ của cô là ông Trương Cao Lệ có quyền lực nên hoàn cảnh của  cô giống như “lấy trứng chọi đá”.

Sau 19 ngày mất tích, Bành Soái bất ngờ đóng vai trò khách mời chung mâm cùng với các quan chức thể thao để dự một giải quần vợt dành cho giới trẻ được tổ chức tại Trung tâm Quần vợt Quốc gia Bắc Kinh vào tháng 11: Giải Trung Quốc Mở rộng do Tổng cục Thể thao Nhà nước và Chính quyền thành phố Bắc Kinh đăng cai tổ chức.

Chuyên gia quần vợt kỳ cựu của Trung Quốc là Trương Bản Đấu (Zhang Bendou) đã viết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc: “Đây là bài đăng về sự kiện thanh thiếu niên được chia sẻ nhiều nhất mà tôi thấy trong sự nghiệp của mình”.

Nhiều bình luận chế giễu khác được cư dân mạng Trung Quốc đưa ra. “Hầu như mọi người đều hỏi, ‘** (ám chỉ Bành Soái) ở đâu?’, sau đó cô ấy xuất hiện”, một cư dân mạng cho biết.

Những bức ảnh và video này không cho thấy Bành Soái lên tiếng, cũng như không đề cập đến nội dung cáo buộc tấn công tình dục, chỉ thấy Bành Soái mỉm cười và ký tên vào quả bóng tennis lớn trên tay của vận động viên nhỏ tuổi.

Đến nay tài khoản Weibo của Bành Soái vẫn trong tình trạng không thể tìm kiếm. Cô đã sử dụng tài khoản này để công khai cáo buộc ông Trương Cao Lệ tấn công tình dục.

Theo Lý Nguyên, Epoch Times

Xem thêm: