Ngày 31/1/2021, Chính phủ Anh chính thức chấp nhận người Hồng Kông xin thị thực BNO để nhập cư vào Anh. Bộ Nội vụ Anh đã thông báo trên mạng xã hội vào ngày 31/1 vừa qua rằng trong 2 năm thực hiện kế hoạch đã có hơn 144.000 người Hồng Kông nhập cư vào Anh.

sân bay Hồng Kông lọt khỏi top 10 Hồng Kông zero COVID Hồng Kông mất tự do dân chủ hàng ngàn người rời khỏi Hồng Kông 2013961244
Cục quản lý Xuất nhập cảnh Hồng Kông cho biết trong hai năm qua, lượng người dân Hồng Kông di cư xuất cảnh qua sân bay lên tới gần 380.000 người. (Ảnh: HUI YT/Shutterstock)

Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề nhập cư Vương quốc Anh, ông Robert Jenrick cho biết trong một video do Bộ Nội vụ Anh công bố rằng 2 năm trước, Chính phủ Anh đã đưa ra kế hoạch BNO 5+1 cho công dân Hồng Kông, đến nay đã có hơn 144.500 người Hồng Kông có được thị thực qua kế hoạch này, có thể sinh sống, làm việc, tận hưởng tự do tại Vương quốc Anh. Tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Anh đã nới lỏng các hạn chế về đơn đăng ký, theo đó cho phép những cư dân Hồng Kông trẻ tuổi sinh sau năm 1997 đủ điều kiện đăng ký thị thực BNO một cách độc lập, cung cấp cho họ một lộ trình để trở thành công dân Anh.

Ông Robert Jenrick nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh đã kiên định trách nhiệm đạo đức và lịch sử của mình đối với người dân Hồng Kông. Ông cũng đã chứng kiến ​​những đóng góp đáng kể mà người Hồng Kông đã làm cho cộng đồng và nền kinh tế Anh: Không ít người làm công việc tình nguyện trong cộng đồng, như làm tình nguyện viên để giúp đỡ những người tị nạn Afghanistan và Ukraine; có những người giảng dạy tại các trường học; nhiều người đang dấn thân trong các công việc khác nhau đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của nền kinh tế Anh…

Ông Robert Jenrick vui mừng chỉ ra rằng nhiều người Hồng Kông chia sẻ cảm nhận đến Vương quốc Anh giống như về nhà.

Chương trình Chào đón Hồng Kông

Ngày 1/7/2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực thi “Luật An ninh Quốc gia” tại Hồng Kông, chính thức tuyên bố chấm dứt chính sách “một nước hai chế độ”, qua đó tấn công tàn ác vào quyền tự do, nhân quyền và pháp quyền mà người dân Hồng Kông từng được hưởng. Vương quốc Anh – trước đây vốn là nước chủ quản Hồng Kông – đã đưa ra kế hoạch BNO5+1 cho phép người Hồng Kông có tư cách BNO đưa gia đình đến định cư tại Anh, sau khi cư trú được 5 năm có thể đăng ký thường trú tại Anh và cư trú thêm 1 năm nữa có thể đăng ký nhập tịch Anh.

Để giúp người Hồng Kông thích nghi với cuộc sống ở Vương quốc Anh, năm 2021 Chính phủ Anh đã khởi động “Chương trình Chào đón Hồng Kông Vương quốc Anh”, theo đó phân bổ 43,1 triệu bảng Anh trong việc hỗ trợ người Hồng Kông nhập cư về ngôn ngữ, văn hóa, công việc, giáo dục… giúp hòa nhập vào xã hội Anh.

Ông Li, một người gốc Hồng Kông nhập cư vào Vương quốc Anh bằng thị thực BNO, nói với Vision Times rằng ông đã tham gia vào “Chương trình Chào đón” nói trên, ông mô tả sự sắp xếp này là “rất chu đáo và hài lòng”. “Khóa học Chào đón” được chia thành 6 khóa, mỗi khóa khoảng 2 – 3 tiếng, “Trong đó tôi đã học được rất nhiều kiến ​​thức về lịch sử, chính trị, văn hóa, phong tục và các kiến ​​thức khác của Anh. Tôi cũng đã làm quen với nhiều người Hồng Kông khác tại sự kiện này. Mọi người đã chia sẻ kinh nghiệm của họ ở Vương quốc Anh và so sánh Vương quốc Anh với Hồng Kông. Chúng tôi đã có khoảng thời gian trò chuyện rất vui vẻ.”

Hiện ông Li đang sống tại một thành phố ở miền trung nước Anh cho biết, vào đầu năm 2021 khi ông đến thì người Hồng Kông ở đó không nhiều, sau một năm rưỡi, “Tôi thấy rằng ngày càng có nhiều người Hồng Kông trên đường phố và tiếng Quảng Đông có thể được nghe thấy ở khắp mọi nơi. Gần đây, tôi nhận thấy rằng có những người Hồng Kông làm việc như đưa thư, tài xế xe buýt, bán hàng…”. Ông cười nói rằng người Hồng Kông vốn yêu thích làm việc, khi đến Vương quốc Anh thì tính cách đó còn được phát huy nhiều hơn.

Nói về trải nghiệm ở Anh, ông Li mô tả là thoải mái, tự do và không bị gò bó. Ông nói rằng nhập cư là thể hiện thái độ chính trị, mặc dù nước Anh không phải là một xã hội hoàn hảo, còn đó những vấn đề như hiệu quả giải quyết công việc thấp…., “nhưng ở đây có tự do, và tự do là vô giá”.