Trong năm qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp quy mô lớn đối với kinh tế tư nhân. Thống kê cho thấy trong 11 tháng kể từ đầu năm đã có khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc bị đóng cửa, thực trạng đã kéo theo làn sóng thất nghiệp quy mô lớn.

chien tranh thuong mai
Công nhân trong dây chuyền lắp ráp quạt điện của AIRMATE Co., Ltd. – công ty xuất khẩu các sản phẩm điện sang Mỹ. Hình ảnh tại tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc, ngày 30/3/2018. (Ảnh: Shutterstock)

Theo số liệu từ Washington Post, trong 11 tháng đầu năm nay có khoảng 4,37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đóng cửa, gấp hơn 3 lần số doanh nghiệp mở mới trong cùng kỳ.

Mức lớn nhất trong lịch sử

Theo dữ liệu được cung cấp bởi nền tảng truy vấn thông tin doanh nghiệp Trung Quốc Tianyancha, mỗi tháng trong năm nay tại Trung Quốc có trung bình hơn 390.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động. Vậy là sau 20 năm, số lượng công ty hủy đăng ký vào năm 2021 tại Trung Quốc lại một lần nữa vượt quá số lượng công ty đăng ký mới.

Không chỉ thế, tỷ lệ số công ty hủy đăng ký cao hơn số công ty đăng ký năm nay tại Trung Quốc có thể là mức lớn nhất trong lịch sử. Ước tính, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hủy đăng ký vào năm 2021 có khả năng vượt 4,45 triệu, con số này gần gấp đôi so với năm 2019 và gấp khoảng 10 lần so với năm 2018.

Do các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc nên tác động của làn sóng phá sản này khiến tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Trung Quốc trong quý IV năm nay có thể giảm xuống dưới 4%.

Ngày 31/12/2021, tờ Zaobao của Singapore đưa tin rằng nhà kinh tế trưởng Trương Trí Uy (Zhang Zhiwei) của công ty quản lý tài sản Ngân hàng Bảo hiểm (PinPOINT) Trung Quốc, cho biết rằng ông không ngạc nhiên về số liệu trên, cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đã đối diện áp lực sinh tồn rất lớn.

Từ cuối năm ngoái, Viện trưởng Diêu Dương (Yao Yang) của Viện Nghiên cứu Phát triển Quốc gia – Đại học Bắc Kinh, cũng cho biết số người thất nghiệp của Trung Quốc có thể lên tới hàng trăm triệu người, cao hơn đáng kể so với số liệu thống kê chính thức.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh tài chính của QQ News tại Trung Quốc, chuyên gia Diêu Dương cho biết mặc dù thời gian Trung Quốc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) là không dài nhưng tác động với nền kinh tế trong nước vẫn rất lớn. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dịch vụ buộc phải đóng cửa là rất nhiều. Với những công ty lợi nhuận ít ỏi này, việc mở cửa trở lại sau khi đóng cửa là khá khó khăn, một số công ty này có thể biến mất vĩnh viễn.

“Nước tiến dân lùi”

Nghiêm trọng hơn, hiện tượng ĐCSTQ tập trung ưu đãi nguồn lực vào doanh nghiệp nhà nước khiến doanh nghiệp tư nhân teo lại đang ngày càng gia tăng, vấn đề vẫn đang được cộng đồng mạng bàn luận sôi nổi.

Trong những năm gần đây, hiện tượng kinh tế Trung Quốc dồn nguồn lực vào doanh nghiệp nhà nước khiến doanh nghiệp tư nhân teo lại đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Trong khi thực tế những các doanh nghiệp tư nhân lại có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Thống kê cho thấy doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra hơn 50% doanh thu tài chính; hơn 70% đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm, doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp.

Trong năm qua, cơ quan quản lý của ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với nền kinh tế tư nhân. Điều này không chỉ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân, mà về lâu dài còn gây nguy hiểm cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khả năng đổi mới của doanh nghiệp.

Vào tháng 11/2020, quá trình IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group, một công ty con của Tập đoàn Alibaba, chính thức bị dừng lại vào phút chót. Nếu quá trình IPO của Ant Group thành công sẽ lập kỷ lục về đợt IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới, với quy mô gây quỹ là 34 tỷ đô la Mỹ.

Sau đó ĐCSTQ bắt đầu một cuộc đàn áp toàn diện đối với doanh nghiệp tư nhân, khiến các ngành công nghệ, tài chính, trò chơi, giáo dục – đào tạo, và bất động sản của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng nặng nề. Kết quả là trên thị trường vốn toàn cầu, giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc đã bốc hơi hơn 1 nghìn tỷ USD, và trong năm nay chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 15%.

Hành động tiêu biểu nhất của chính quyền ĐCSTQ là việc đàn áp các doanh nghiệp tư nhân được thực hiện với danh nghĩa “sự thịnh vượng chung” để người giàu và các doanh nghiệp chia sẻ nhiều của cải hơn cho xã hội.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Ngoại thương Pháp (Natixis), cho rằng chiến dịch trấn áp phản ánh mong muốn của ĐCSTQ trong việc thắt chặt kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân. Bà nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA): “Rất nhiều điều đã xảy ra là những hành động được thực hiện trước khi luật chống độc quyền thực sự được thông qua. Tôi nghĩ đây là vấn đề khác biệt quan trọng vì gây bất ngờ cho các tổ chức thương mại, do vai trò của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc rất lớn, việc chống độc quyền dường như chỉ áp dụng cho khu vực tư nhân.”

Dexter Tiff Roberts, tác giả cuốn sách “Huyền thoại về chủ nghĩa tư bản Trung Quốc” (The Myth of Chinese Capitalism) là nhà nghiên cứu cấp cao của Tổ chức Sáng kiến ​​An ninh châu Á của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với VOA:

“Họ gửi một thông điệp đến các doanh nhân tỷ phú khác: cuối cùng các anh chị nên nhớ, Đảng là ông chủ của các anh chị, dưới hệ thống Trung Quốc thì ĐCSTQ mới là ông chủ.”

Danh nghĩa “đẹp đẽ” che giấu tình hình bi đát

Các hành động của chính quyền ĐCSTQ được thực hiện dưới những dữ liệu kinh tế có vẻ “đẹp đẽ”, che giấu tình hình thực của nền kinh tế Trung Quốc.

Khi cựu Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ (Lou Jiwei) tham gia một sự kiện trực tuyến vào ngày 11/12, ông đã thẳng thắn chỉ trích dữ liệu kinh tế của ĐCSTQ đã không phản ánh được hiện tượng kỳ lạ về những biến động kinh tế tiêu cực, một lần nữa khiến giới quan sát không thể không lo ngại cho tính chính xác và độ tin cậy của dữ liệu kinh tế tại Trung Quốc.

“Không có đủ số liệu để phản ánh những thay đổi tiêu cực (trong nền kinh tế)”, ông Lâu Kế Vĩ nói. Ông tin rằng dữ liệu một chiều khiến khó có thể đánh giá được ba loại áp lực “nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu” mà ĐCSTQ cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt.

“Ngược lại, số liệu thống kê của Mỹ chứa đựng cả số liệu tích cực và tiêu cực”, ông Lâu Kế Vĩ nói.

Cựu Bộ trưởng Tài chính này cũng nói rằng thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy số lượng người có việc làm đã tăng lên, nhưng họ đã không theo dõi để xem liệu những người được tuyển dụng này có bị sa thải trở lại sau nửa năm hoặc lâu hơn một chút hay không.

Ông Lâu Kế Vĩ đã có thời gian dài ở trong quan trường ĐCSTQ, đã trải nghiệm quá nhiều tình cảnh thực trạng bộ máy chỉ thích đưa tin thổi phồng tốt đẹp của họ khiến sự thật bị xuyên tạc một cách nguy hiểm.

Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: