Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố ngừng xuất khẩu “tất cả dầu ăn và nguyên liệu thô từ dầu cọ” từ ngày 28/4. Theo báo cáo, 52% lượng dầu cọ nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Indonesia.

shutterstock 555816331
(Nguồn: Suriya Desatit/ Shutterstock)

Theo tờ “Chứng khoán thương mại Trung Quốc” đưa tin, tối ngày 22/4, Indonesia – nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, thông báo ngừng xuất khẩu toàn bộ dầu ăn và dầu cọ nguyên liệu từ ngày 28/4.

Dầu cọ thường được sử dụng để sản xuất dầu ăn, thực phẩm chế biến và thậm chí cả các mặt hàng như mỹ phẩm và nhiên liệu sinh học. Dầu cọ Indonesia chiếm hơn một nửa nguồn cung toàn cầu, với Trung Quốc và Ấn Độ là các nhà nhập khẩu chính của dầu cọ Indonesia.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các nước chủ yếu mà Trung Quốc nhập khẩu dầu cọ trong Quý I năm nay là Indonesia và Malaysia, trong đó 258.300 tấn dầu cọ được nhập khẩu từ Indonesia, chiếm 52%, và 242.800 tấn dầu cọ nhập khẩu từ Malaysia, chiếm 48%.

Ngay khi lệnh cấm được đưa ra, nó lập tức gây ra một cú sốc lớn trên thị trường dầu thực phẩm toàn cầu, giá dầu và chất béo quốc tế tăng mạnh. Giá của ba loại dầu và chất béo chính ở Trung Quốc đều tăng mạnh. Vào tối ngày 22/4, giá dầu đậu nành tương lai của Mỹ nhanh chóng tăng lên mức cao kỷ lục. Giá dầu tương lai trên Sàn giao dịch Chicago Mercantile Exchange (CBOT) tăng vọt, với điểm chuẩn có thời điểm tăng khoảng 4,5% trong phiên, lập mức cao kỷ lục là 83,21 cent. Sau khi mở cửa giao dịch, 3 loại dầu mỡ chính đã tăng giá trên bảng xếp hạng: Dầu cọ đã có lúc tăng hơn 7%, và dầu đậu nành và dầu hạt cải tăng hơn 3%.

So với quy mô nhập khẩu dầu cọ, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc để sản xuất dầu đậu tương lớn hơn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc năm 2021 là 96,52 triệu tấn, với giá trị nhập khẩu là 53,5 tỷ USD, và thời gian dài nước này sẽ phụ thuộc nước ngoài trên 80%.

Giá dầu đậu nành quốc tế đã tăng gần 50% trong năm nay, trong khi giá dầu cọ tăng gần 40%. Giá dầu ăn trong nước Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng do hạn chế xuất khẩu ở Indonesia.

Theo số liệu do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc công bố ngày 8/4, trong tháng Ba, chỉ số giá dầu thực vật tăng 23,2% so với tháng trước do giá dầu hướng dương tăng, và Ukraine là quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn trên thế giới. 

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, khu vực Biển Đen của Ukraine sản xuất 60% lượng dầu hướng dương trên thế giới, và xuất khẩu của nước này chiếm 76% tổng sản lượng của thế giới.

Trang Chứng khoán thương mại Trung Quốc đưa tin, bước sang năm 2022, mặc dù giá dầu ăn nội địa của Trung Quốc đã tăng trong vài tuần liên tiếp nhưng mức tăng chung là không lớn. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2021, giá dầu ăn tại Trung Quốc tăng 6,9%. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 65,8% của dầu ăn toàn cầu.

Báo cáo trích số liệu từ hệ thống giám sát hoạt động thị trường của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, từ ngày 11 đến 17/4, giá bán buôn dầu đậu nành, dầu hạt cải và dầu lạc tăng lần lượt 0,7%, 0,7% và 0,1% trên thị trường nông sản thực phẩm cả nước. Giá bán lẻ nông sản thực phẩm tại 36 thành phố vừa và lớn ở nước này cho thấy, từ ngày 11 đến 17/4, dầu đậu nành, dầu lạc, dầu hạt cải và dầu hỗn hợp tăng lần lượt 0,7%, 0,0%, 0,3% và 0,2% so với tháng trước, lần lượt tăng 6,4%, 2,9%, 8,9%, 8% so với cùng kỳ năm ngoái

Liên quan đến số liệu trên, một số cư dân mạng mỉa mai: “Sao 6,9% của bạn nhưng khi đến tay tôi thì lại thay đổi? Đã tăng từ 165 lên 200. Đây có phải là 6,9% tăng không? Bạn học toán thế nào? Nhìn thế giới mà không nhìn thực tế địa phương. Không được nói theo tình hình thực tế sao?”

Nhiều cư dân mạng lo lắng rằng dầu cọ là loại dầu ăn công nghiệp chính, và lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ (chiếm một nửa nhập khẩu của Trung Quốc), đồng nghĩa với việc giá cả tăng vọt, và hậu quả có thể là ngành công nghiệp phải thay thế bằng các loại dầu khác. Giá dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu đậu phộng, v.v. và cả các ngành công nghiệp thực phẩm sử dụng dầu ăn đều ảnh hưởng.