Hôm 30/7, người đầu tiên bị kết án theo Luật An ninh Quốc gia của Hồng Kông đã bị tuyên 9 năm tù vì điều khiển xe mô tô của mình lao vào một nhóm cảnh sát hồi năm ngoái trong khi xe của anh treo cờ kêu gọi “giải phóng” thành phố.

Screen Shot 2021 07 31 at 9.35.49 AM
Ảnh chụp màn hình khi Leon Tong đâm xe moto vào cảnh sát

Leon Tong Ying-kit, 24 tuổi, đã bị xét xử bởi ba thẩm phán Tòa án Tối cao được chỉ định từ một ban hội thẩm do lãnh đạo thành phố lựa chọn. Trước đó, anh đã bị kết tội “khủng bố và kích động đòi ly khai” vì hành động của mình hôm 1/7/2020 – chỉ vài giờ sau khi Luật An ninh do Bắc Kinh áp đặt có hiệu lực.

Tòa đã kết án anh Tong 6 năm rưỡi vì tội ly khai và 8 năm vì tội khủng bố. Trong đó, 5 năm rưỡi của tội khủng bố được thụ án trùng với thời gian bản án tội ly khai. Tổng số năm được tính chung là 9 năm. Anh cũng bị cấm lái xe trong 10 năm.

Trong phần giải thích dài 15 trang của tòa về hình phạt, các thẩm phán cho biết tội kích động của Tong phải chịu án phạt từ 5 đến 10 năm sau song sắt, dựa trên cách anh vẫy cờ và cách anh chọn ngay ngày đầu tiên Luật An ninh có hiệu lực để thực hiện hành vi phạm tội.

“Bị cáo không phải là một người biểu tình đơn độc lặng lẽ mang theo một lá cờ có khẩu hiệu giữa một biển người biểu tình,” bản án được đưa ra tại Tòa sơ thẩm cho hay. “Anh ta cố tình thách thức cảnh sát để thu hút càng nhiều sự chú ý vào thông điệp ly khai trên lá cờ càng tốt và để lại tác động lớn và ấn tượng mạnh mẽ cho mọi người.”

Lá cờ gắn phía sau xe máy của Tong mang khẩu hiệu “Giải phóng Hồng Kông; cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” – một lời kêu gọi của phong trào chống chính phủ năm 2019. Tòa cho rằng lá cờ này mang ý nghĩa ly khai.

Tòa cho biết bị cáo đã có “hành động khủng bố” gây tổn hại nghiêm trọng cho xã hội bằng cách đâm xe vào ba cảnh sát – biểu tượng của luật pháp và trật tự – và đe dọa các thành viên công chúng, đặc biệt là những người có quan điểm chính trị đối lập, bằng hành động đó.

Khi cân nhắc về hành vi phạm tội này, các thẩm phán cho rằng Tong đã biến chiếc xe máy của mình thành một “vũ khí sát thương” được sử dụng để chống lại các sĩ quan.

“Những gì bị cáo đã làm là hành vi có tính toán và cố ý, tạo ra tình huống rất nguy hiểm cho người đi đường và thực sự đã gây thương tích cho ba cảnh sát”, bản án cho biết.

Nhưng các thẩm phán cũng đồng ý rằng những vết thương của các sĩ quan là không “nghiêm trọng” như cáo buộc của công tố viên. 

Tong, người đã bị giam giữ gần 13 tháng, dự kiến ​​sẽ thụ án tại Nhà tù an ninh cao cấp Stanley và sẽ không đủ điều kiện để được trả tự do sớm trong ít nhất 5 năm.

Luật sư Clive Grossman SC của Tong cho biết thân chủ của ông sẽ nộp đơn kháng cáo.

Tại phiên điều trần hôm thứ Năm, luật sư bào chữa mô tả bị cáo là “một thanh niên tử tế”, người “đã phạm tội vì ngu ngốc và thực sự hối hận.” Tong đã sống với cha và em gái tại một khu nhà ở công cộng sau khi cha mẹ ly hôn.

Các lá thư gửi lên tòa án mô tả Tong là người giản dị và tốt bụng, cũng như một người con hiếu thảo, người đã hỗ trợ gia đình và việc học của em gái mình ở nước ngoài.

Bộ trưởng An ninh Chris Tang Ping-keung cho biết ông hoan nghênh việc kết tội và văn phòng của ông sẽ nghiên cứu tính phù hợp của bản án trước khi quyết định có thực hiện thêm bất kỳ bước nào hay không.

Trong khi đó, các học giả tự do đã gọi phán quyết này là một đòn giáng mạnh vào quyền tự do ngôn luận.

Thomas Kellogg, giám đốc điều hành của Trung tâm Luật Châu Á Georgetown, cho biết mức án “khắc nghiệt” đối với Tong đã làm tiêu tan hy vọng rằng tòa án sẽ xem xét đến nhận thức về luật an ninh và đưa ra mức án nhẹ hơn đối với các bị cáo ban đầu.

Ông cũng cho biết thật không may khi các thẩm phán đã phán quyết rằng các hành vi kích động ly khai có “tính chất nghiêm trọng”. “Nếu hành động mang biểu ngữ của Tong là nghiêm trọng, thì những hành vi nào … không nghiêm trọng? Tôi lo lắng rằng về cơ bản tòa án đã mở rộng điều khoản có tính chất nghiêm trọng để bao trùm hầu hết các hành vi xúi giục ly khai.’’

Nhà hoạt động đối lập Nathan Law hiện đang ở tại Anh gọi bản án là “thái quá”, gây lo ngại về quyền tự do ngôn luận. 

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: