Vào tháng trước, Văn phòng An ninh Quốc gia của Cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhà hoạt động dân chủ với cáo buộc họ tham gia và tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ (hồi năm ngoái) của phe dân chủ trong Hội đồng lập pháp. Hôm Chủ nhật (28/2), Cảnh sát Hồng Kông ra thông báo rằng 47 người trong số họ bị buộc tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước”. Giới giám sát nhân quyền Hồng Kông và phương Tây đã lên tiếng trước động thái này.

p2733951a395557229
Hôm 28/2, giới chức Hồng Kông đã giam giữ qua đêm 47 nhà hoạt động dân chủ, hôm sau đưa họ ra Tòa án West Kowloon. Hình ảnh hồi tháng Bảy năm ngoái tại buổi họp báo của phe dân chủ Hồng Kông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, bày tỏ phản đối Luật An ninh Quốc gia bị Bắc Kinh áp đặt (Ảnh: Vision Times).

Như đã biết, tháng Một năm nay, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 53 nhà hoạt động dân chủ tham gia trong cuộc bầu cử sơ bộ (nếu tính cả Hoàng Chi Phong/Joshua Wong và Đàm Đắc Chí/Tam Tak-Chi thì là 55 người), sau đó 53 người đã được cho phép bảo lãnh, quyết định chính thức được bảo lãnh vào ngày 10/2 chờ đến tháng Tư trở lại trình diện cảnh sát. Thế nhưng ngày 26/2 (thứ Sáu), nhiều người đã nhận được thông báo từ cảnh sát yêu cầu họ đến đồn cảnh sát trình báo mang theo giấy bảo lãnh.

Theo Stand News Hồng Kông, trước khi vào đồn cảnh sát Mong Kok, người phát ngôn Ventus Lau của “Đội Tập kết Dân sự Hồng Kông” (Hong Kong Civil Assembly Team), đã ôm bạn bè trong nước mắt, thẳng thắn chia sẻ không biết khi nào mới có cơ hội gặp lại, có lẽ lúc đó sẽ ở tuổi trung niên. Tuy nhiên anh tin rằng người dân Hồng Kông sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh.

p2886091a515231720
Trước khi vào đồn cảnh sát Mong Kok, người phát ngôn Ventus Lau của “Đội Tập kết Dân sự Hong Kong” đã ôm bạn bè trong nước mắt (Ảnh: Vision Times).
p2886095a702712726
Ventus Lau thẳng thắn chia sẻ không biết khi nào mới có cơ hội gặp lại, có lẽ lúc đó sẽ ở tuổi trung niên (Ảnh: Vision Times).

Ủy viên Fergus Leung của Hội đồng quận Trung Tây chia sẻ tâm trạng anh hiện rất phức tạp, nhưng không hối hận về những gì mình đã làm, tin rằng tình cảnh này không có nghĩa là kết thúc, con đường người Hồng Kông cần đi còn rất dài, mong mọi người kiên định với mục tiêu ban đầu.

p2886111a789144325
Ngày 28/2, trước khi vào sở cảnh sát Mong Kok, Fergus Leung cho biết tâm trạng của anh rất phức tạp, nhưng anh không hối hận về những gì mình đã làm (Ảnh: Vision Times).

Ủy viên Wong Pak-yu của Hội đồng quận Yuen Long đã đến đồn cảnh sát Tin Shui Wai trước thời hạn. Anh bình thản cho biết đã chuẩn bị tâm lý khi bắt đầu tham gia chính trị. Khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng, anh đã có gặp gỡ chia tay nhóm bạn. Anh nhắn gửi những người ủng hộ mình rằng: “Quan trọng là không hổ thẹn với lương tâm, làm người tốt để ngăn chặn những điều sai trái vẫn hơn làm người khôn lỏi.”

Trước khi bước vào đồn cảnh sát, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp Claudia Mo cho biết cảm thấy bình thản.

Thành viên dân chủ Owen Chow đã đến Sở cảnh sát Tsing Yi. Anh thẳng thắn cho biết đã lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất ngày hôm nay, nhưng không quên động viên mọi người Hồng Kông không được hết hy vọng. Nuôi hy vọng không đồng nghĩa là ngây thơ, tự lừa dối bản thân, mà là sự khẳng định niềm tin, người Hồng Kông cho dù ở trong tù hay ở nước ngoài thì vẫn nên tiếp tục kiên nhẫn, giữ vững niềm tin vào tươi lai tốt đẹp cho mọi người rồi sẽ đến!

Trước đó đã có những bình luận về quan điểm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, đề xuất “để Hồng Kông cho những người yêu nước lãnh đạo”, họ cho biết cái gọi là “yêu nước” mà ông Tập Cận Bình nói thực chất chỉ là trung thành với nhà cầm quyền.

Phản ứng của chính giới phương Tây và giới dân sự Hồng Kông

Động thái bắt giữ các nhà dân chủ của chính quyền Hồng Kông đã gây bất bình trong xã hội dân sự Hồng Kông và nhiều nước phương Tây. Chính phủ các nước cáo buộc Bắc Kinh vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh”, tuyên bố là cơ sở để Anh trao trả chủ quyền Hồng Kông cho Bắc Kinh.

Xã hội dân sự Hồng Kông cũng lên tiếng phản đối hành động của chính quyền: Phó chủ tịch Jimmy Sham của Liên đoàn các đảng viên Dân chủ Xã hội (League of Social Democrats) tại Hồng Kông cho biết: “Việc đàn áp liên tục sẽ không bao giờ làm suy yếu niềm tin của chúng tôi”; trong khi cựu phát ngôn viên “Ban Vấn đề Quốc tế Trường cao đẳng và đại học Hồng Kông”, nhà hoạt động lưu vong Sunny Cheung cho biết: “Đây là một tín hiệu mạnh mẽ từ ông Tập Cận Bình rằng ông ấy muốn quét sạch phe dân chủ ở Hồng Kông”…

Liên minh châu Âu đã lên án rằng vụ việc đã gây ra mối quan ngại sâu sắc. “Bản chất của những cáo buộc này cho thấy rõ ràng rằng chủ nghĩa đa nguyên chính trị hợp pháp sẽ không còn được khoan dung ở Hồng Kông,” người phát ngôn Nabila Massrali của Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố.

“Liên minh châu Âu kêu gọi chính quyền Hồng Kông và Bắc Kinh tuân thủ các cam kết của họ đối với các quyền tự do cơ bản và pháp quyền, những nguyên tắc này đã được ghi trong Luật Cơ bản Hồng Kông và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Liên minh châu Âu kêu gọi ngay lập tức trả tự do cho những người bị bắt,” tuyên bố của Liên minh châu Âu nêu rõ.

Vào Chủ nhật, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã phản hồi trên Twitter rằng “Quyết định buộc tội ‘lật đổ chính quyền’ đối với 47 nhà hoạt động Hồng Kông dựa theo Luật An ninh Quốc gia là quyết định rất đáng lo ngại. Điều đó cho thấy Luật An ninh Quốc gia được sử dụng để loại bỏ bất đồng chính kiến ​​chứ không phải vì an ninh trật tự.”

Ngày 25/2 “Ủy ban Đặc biệt về Quan hệ Canada-Trung Quốc” (CACN) của Quốc hội Canada đã đưa ra một báo cáo kêu gọi chính phủ Canada công khai lên án những vi phạm của Bắc Kinh đối với quyền tự trị và dân quyền của Hồng Kông, đề nghị phối hợp với các nước đồng minh để trừng phạt các quan chức Bắc Kinh chịu trách nhiệm. Báo cáo cũng nhấn mạnh việc ủng hộ Hồng Kông thực hiện “bẩu cử phổ thông đầu phiếu”.

“Ủy ban Đặc biệt Quan hệ Canada-Trung Quốc” hối thúc Chính phủ Canada thẳng thắn có hành động thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Báo cáo yêu cầu chính phủ xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt, truy cứu trách nhiệm những quan chức phụ trách hoặc đồng lõa với những vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, tự do và pháp quyền ở Hồng Kông.

Diễn biến hồi năm ngoái

Vào tháng 7/2020, phe dân chủ Hồng Kông đã tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ Hội đồng Lập pháp và đề xuất kế hoạch “35+”, tức là giành được hơn một nửa số ghế trong Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (tổng số 70 ghế); từ đó sẽ phủ quyết đối với dự toán ngân sách nhằm gây áp lực cho Chính phủ đáp ứng 5 yêu cầu chính của người Hồng Kông được đưa ra trong thời gian biểu tình chống Dự luật Dẫn độ. Nói cách khác, những người dân chủ sử dụng các quyền được luật pháp trao cho Hội đồng Lập pháp để chống lại Chính phủ Hồng Kông.

Sau đó chính quyền Hồng Kông đã viện cớ dịch bệnh COVID-19 để hủy bỏ cuộc bầu cử vào tháng Chín năm ngoái; đến tháng 11 chính quyền Hồng Kông đã tước tư cách của 4 nghị sĩ lập pháp dân chủ, khiến 15 thành viên còn lại phải từ chức để phản đối, hệ quả là Hội đồng lập pháp Hồng Kông không còn người phe dân chủ.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: