Ngày 23/10, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã chính thức hủy bỏ hoàn toàn Luật Dẫn độ gây tranh cãi, đáp ứng một trong năm yêu cầu của người biểu tình.

Embed from Getty Images

Ngày 23/10, Cục trưởng Cục An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu đã chính thức tuyên bố thu hồi lại dự thảo “Luật Dẫn độ”. (Ảnh: Getty Images)

Dự luật này được đưa ra thảo luận lần thứ 2 tại cơ quan Lập pháp Hồng Kông ngày 23/10, hơn một tháng sau khi Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố rút dự luật hôm 4/9. Ngay sau khi đưa ra thảo luận, các thành viên Hội đồng lập pháp Hồng Kông đã chính thức thống nhất hủy bỏ hoàn toàn Luật Dẫn độ. “Ngày hôm nay, tôi chính thức thông báo về việc rút lại hoàn toàn Luật dẫn độ”, người phụ trách về an ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-Chiu) tuyên bố trước Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông.

Tuy nhiên, động thái này mới chỉ đáp ứng được một trong 5 yêu cầu mà những người biểu tình đưa ra và có thể sẽ chưa đủ sức thuyết phục để chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài hơn 4 tháng qua tại đặc khu. 

Phong trào biểu tình phản đối Luật Dẫn độ bắt đầu từ tháng 6 và ngày càng trở nên căng thẳng, từ chỗ “hòa bình, ôn hòa, lý trí” đến đụng độ dữ dội giữa phía cảnh sát và người biểu tình. Nhiều người biểu tình khẳng định, người Hồng Kông sẽ không hài lòng với thắng lợi mang tính giai đoạn, “khát vọng đối với công bằng tự do sẽ không dừng lại”, cho đến khi đạt được 5 yêu cầu, và “5 yêu cầu không thể thiếu một điều nào”.

Connie, một cô gái 27 tuổi tham gia biểu tình đã chia sẻ khi nhận được thông tin về việc Hội đồng Lập pháp hủy bỏ hoàn toàn Luật Dẫn độ: “Chẳng có thay đổi gì lớn giữa việc tạm hoãn hay rút bỏ dự luật này… Quá nhỏ bé, quá muộn.” “Vẫn còn những yêu cầu khác mà chính quyền phải đáp ứng, đặc biệt là vấn đề cảnh sát lạm dụng bạo lực.”

Người Hồng Kông còn kêu gọi bà Lâm từ chức và yêu cầu phải có cuộc điều tra chặt chẽ về hành vi bạo lực của cảnh sát, cũng như tha bổng cho những người biểu tình bị giam giữ.

Đáng chú ý, cùng ngày 23/10, Chan Tong-kai, người đàn ông được cho là nguyên nhân dẫn đến việc chính quyền Hồng Kông khởi động sửa đổi dự thảo Luật Dẫn độ cũng được ra tù. 

Chan Tong-kai bị buộc tội giết bạn gái tại Đài Loan vào tháng 2/2018. Anh ta trốn về quê nhà ở Hồng Kông và cảnh sát Đài Loan không thể bắt giữ anh ta vì thiếu thỏa thuận dẫn độ. Vì điều này, chính quyền Hồng Kông đề xuất Dự luật dẫn độ, châm ngòi cho phong trào biểu tình suốt thời gian qua. Bản thân Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng đã nói rằng bà sẽ không chấp nhận vụ án giết người liên quan tới nghi phạm Chan Tong-kai làm cái cớ cho việc thông qua Luật dẫn độ.

Chan Tong-kai sau đó đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ vào tháng 3/2018, sau đó bị kết án về tội rửa tiền. Cơ quan Tư pháp đặc khu cũng không có đủ bằng chứng về tội giết người của Chan ở Đài Loan.

ĐCSTQ có kế hoạch thay thế Trưởng Đặc khu

Trước phản ứng ngày càng mãnh liệt của người biểu tình và để chấm dứt khủng hoảng chính trị tại đặc khu, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đã lên kế hoạch thay thế bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bằng một Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông “lâm thời”

Tờ Financial Times hôm 22/10 dẫn nguồn thạo tin cho hay, nếu như kế hoạch này được xúc tiến, người thay thế bà Lâm sẽ được bổ nhiệm vào tháng 3/2020 và sẽ giữ vai trò lãnh đạo Hồng Kông cho tới hết nhiệm kỳ của bà Lâm vào năm 2022.

Các ứng viên kế nhiệm hàng đầu thay thế bà Lâm bao gồm ông Trần Đức Lâm (Norman Chan), cựu Giám đốc Cơ quan tiền tệ Hồng Kông và ông Đường Anh Niên (Henry Tang), cựu Tổng thư ký chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông.

Nguồn tin nhận định, hiện chính quyền ĐCSTQ muốn chờ cho tình hình đặc khu Hồng Kông dịu xuống, sau đó mới ra quyết định cuối cùng về thay thế lãnh đạo vì họ không muốn bị xem là phải nhượng bộ.

Minh Ngọc

Xem thêm: