Vào ngày 13/12, sau khi công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime của Trung Quốc bị Mỹ áp đặt lệnh cấm đầu tư, công ty này đã quyết định hoãn niêm yết tại trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Là một điểm đọ sức trong quan hệ Mỹ – Trung, vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính quốc tế đã không còn tồn tại.

shutterstock 1687449481
(Ảnh minh họa: Lee Yiu Tung / Shutterstock)

Sáng ngày 13/12 theo giờ Hồng Kông và Đài Loan, SenseTime, vốn được cho là đang bận rộn chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), đã thông báo trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông rằng việc chào bán và niêm yết toàn cầu của công ty sẽ bị trì hoãn. Dự kiến sẽ công bố lịch niêm yết cập nhật, các thủ tục đăng ký liên quan đối với đợt chào bán cổ phiếu Hồng Kông và các thông tin liên quan khác.

SenseTime cho biết, công ty vẫn dốc sức hoàn thành việc chào bán và niêm yết toàn cầu trong thời gian sớm nhất. Đồng thời sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền, không tính lãi suất, cho tất cả những nhà đầu tư đã đăng ký cổ phiếu của công ty trong quá trình chào bán.

SenseTime ban đầu dự định huy động tới 767 triệu đô la Mỹ thông qua IPO ở Hồng Kông vào tháng này. Các sản phẩm của SenseTime được sử dụng trong các lĩnh vực thành phố thông minh, cảnh sát giám sát và lái xe tự động.

Ngày 10/12, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, có 25 thực thể và cá nhân liên quan đến “xâm phạm nhân quyền và đàn áp nhân quyền ở một số quốc gia trên thế giới”, và SenseTime là một trong số đó. Bộ Tài chính Mỹ đã đưa các công ty liên quan vào danh sách đen các công ty, tuyên bố rằng các công ty trong danh sách này hỗ trợ quân đội Trung Quốc. Nguyên nhân là do công nghệ nhận dạng khuôn mặt của SenseTime đã đóng vai trò giúp chính phủ đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Danh sách đen sẽ cấm người Mỹ đầu tư vào công ty này.

Sau đó, sáng ngày 11/12, SenseTime ra tuyên bố biểu thị mạnh mẽ phản đối quyết định này và các cáo buộc liên quan. Nhưng mặc dù vậy, đợt IPO cổ phiếu tại Hồng Kông của SenseTime cũng vì thế mà đã tạm thời bị dừng lại.

SenseTime được thành lập tại Hồng Kông vào năm 2014, trụ sở chính của tập đoàn và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) toàn cầu tại Thượng Hải. Đây là công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo lớn nhất ở châu Á. Kể từ khi thành lập, doanh thu của SenseTime đã tăng từ 1,853 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018 lên 3,027 tỷ nhân dân tệ vào năm 2019 và tiếp tục tăng lên 3,446 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 36,4%.

Ngày 13/12, theo Đài Á Châu Tự Do đưa tin, ông Lý Triệu Ba (Simon Lee) giảng viên danh dự và nhà nghiên cứu của Viện Kinh doanh Châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Trung văn Hồng Kông, tin rằng việc SenseTime tạm ngừng niêm yết tại Hồng Kông có liên quan đến tâm lý hiện tại đối với chứng khoán Hồng Kông.

Ông Lý Triệu Ba nói: “Mục đích niêm yết chỉ là kiếm tiền. Nếu sau khi bỏ nhiều công sức mà không thể thu được số tiền như mong muốn, ví dụ như giá cổ phiếu ế ẩm, giảm đến mức không thể chịu được, thực ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của công ty. Gần đây bầu không khí thị trường chứng khoán Hồng Kông không tốt. Trong tình huống sóng gió lớn như thế này mà cho thuyền ra khơi, đúng là là không thích hợp, thậm chí rất có thể sẽ giảm xuống dưới giá chào bán.”

Một số nhà phân tích cho rằng lệnh cấm SenseTime của Mỹ sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các công ty nhạy cảm, và các cổ phiếu khác của Trung Quốc có thể tiếp tục được niêm yết tại Hồng Kông để huy động vốn. Tuy nhiên, học giả tài chính Tư Lệnh (Si Ling) cho rằng tác động của sự kiện này đối với cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (cổ phiếu của công ty Trung Quốc được niêm yết ở nước ngoài) là toàn diện. Các “cổ phiếu khái niệm Trung Quốc” đã vươn ra quốc tế trong những năm gần đây đều có một đặc điểm chung, đó là chúng có mối quan hệ phức tạp với Chính phủ Trung Quốc. “Các công ty này thường là các công ty tài trợ cho các ngành trong lĩnh vực công nghệ cao. Chúng có tốc độ tăng trưởng cao, bổ sung cao và không có nhiều ý nghĩa thực thể kinh tế. Các công ty này có thể quán triệt các ý đồ chiến lược, ý đồ chính trị, ý đồ quân sự, ý đồ ngoại giao và chiến lược toàn cầu của Chính phủ Trung Quốc.”

Trả lời phỏng vấn của truyền thông, ông Viên Vĩ Cơ (YUEN, Wai Kee, Thomas), một nhà kinh tế học tại Đại học Hong Kong Shue Yan, cho biết, Hồng Kông đã phát triển từ một “người liên hệ siêu cấp” tương đối trung lập về chính trị trong quá khứ thành một điểm đọ sức trong quan hệ Mỹ – Trung. Rủi ro gia tăng sẽ khiến các công ty công nghệ e ngại niêm yết tại Hồng Kông, dự tính một số công ty có thể chuyển sang Singapore để niêm yết gây quỹ.

Cùng với sự chuyển biến của bầu không khí chính trị tại Hồng Kông và sự ra đời của “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông”, lòng tin của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đối với chế độ tư pháp và vị trí trung tâm tài chính của Hồng Kông đã bị lay động. Việc thực thi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông đã mang đến thay đổi lớn cho cục diện chính trị, làm giảm các quyền tự do ngôn luận và tự do tụ tập cùng các quyền lợi khác; cảnh sát lợi dụng luật an ninh quốc gia để đàn áp những người theo phe dân chủ, gây ra hiệu ứng ve sầu mùa đông và tự kiểm duyệt, v.v.

Theo dữ liệu từ Cushman & Wakefield, tỷ lệ trống tòa nhà văn phòng của Hồng Kông đã đạt mức cao nhất trong 15 năm kể từ năm 2019. Trong số các văn phòng làm việc bị trả lại không thuê nữa, có đến 80% là công ty quốc tế.

Tờ Wall Street Journal trước đó đã phỏng vấn ông Rob Chipman, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông và là giám đốc điều hành của Asian Tigers Group, một công ty cung cấp dịch vụ di dời tại Hồng Kông. Ông cho biết, từ năm 2019, nhân viên sẵn sàng chuyển đến Hồng Kông giảm một nửa, trong khi số người rời khỏi Hồng Kông đã tăng lên 30%, và phải thừa nhận rằng “có lẽ đã đến lúc phải rời đi”.

Lý Chính Hâm, Vision Times

Xem thêm: