Kể từ khi Jack Ma (Mã Vân) có một số phát biểu gây sốc tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Bến Thượng Hải vào ngày 24/10 năm ngoái, ông này đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Đồng thời, Bắc Kinh khởi xướng giám sát chống độc quyền đối với Alibaba. Trong bối cảnh các quan chức Alibaba và Jack Ma không trả lời, báo chí bên ngoài suy đoán rằng, Jack Ma có thể đã bị ĐCSTQ bắt giữ và “bị nhốt trong ngục tối”.

jack ma
Jack Ma, chủ tịch, sáng lập viên của tập đoàn Alibaba vừa được xác nhận là thành viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ảnh: Flickr)

Jack Ma đã đi đâu? Kết cục của người giàu nhất gây đồn đoán

Hai tháng qua có thể là thời điểm đen tối nhất trong quá trình khởi nghiệp của Jack Ma. Ngày 2/11 năm ngoái, Jack Ma đã được hẹn gặp; ngày hôm sau, kế hoạch niêm yết của Ant Group bị đình chỉ. Trước “Ngày hội mua sắm trực tuyến Double 11”, Taobao đã bị giới truyền thông chính thức đàn áp dữ dội. Ngày 10/12, dự án quy hoạch của chi nhánh “Đại học Lakeside” Côn Minh, quy tụ một nhóm doanh nhân giàu có do Jack Ma thành lập, đã bị đình chỉ. Ngày 14/12, việc mua lại Công ty TNHH Đầu tư Ali bị trừng phạt. Ngày 18/12, các sản phẩm tiền gửi trên nền tảng Ant bị dừng phát hành mà không được cảnh báo. Ngày 24/12, Tập đoàn Alibaba bị đệ đơn điều tra chống độc quyền.

Ngày 5/1 năm nay, Xiami Music dưới trướng của Alibaba đã đưa ra tuyên bố rằng, họ sẽ ngừng dịch vụ của mình vào ngày 5/2, đồng nghĩa với việc nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc trên Internet đã chính thức thất thủ.

Ngoại trừ việc không xuất hiện hơn 2 tháng qua, hoạt động cuối cùng của Jack Ma trên mạng xã hội như Weibo và Twitter cũng chỉ dừng lại vào tháng 10 năm ngoái. Vì lý do này, một số kênh truyền thông Âu Mỹ đã chú ý và đặt câu hỏi Jack Ma đã đi đâu.

Ông Leland Miller, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu thị trường Mỹ “China Beige Book”, trả lời phỏng vấn tạp chí tài chính Hoa Kỳ  “Barron’s” rằng, bản thân Jack Ma và công ty của ông ta đã gặp rất nhiều rắc rối, nên Jack Ma có thể khôn ngoan hơn khi giữ thái độ khiêm tốn. Cũng có thể là Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt nhốt ông ấy trong ngục tối vì “không cống hiến cho đảng”.

Kyle Bass, ông trùm quỹ đầu cơ nổi tiếng của Mỹ, khẳng định Jack Ma sẽ phải chịu mức án hơn 10 năm tù. Ông lấy ví dụ về Mạnh Hoành Vĩ, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) kiêm cựu Thứ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ. Vài năm trước, ông Mạnh Hoành Vĩ đột nhiên “biến mất”, cuối cùng bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và bị kết án hơn 10 năm tù. Lúc đó ông Mạnh Hoành Vĩ cũng bị ĐCSTQ chỉ trích vì “không có nguyên tắc đảng phái”.

Ông Bass cho rằng, ngoài ông Mạnh Hùng Vĩ, số phận của Jack Ma có thể cũng kỳ lạ như ông Vương Kiện, cựu chủ tịch tập đoàn HNA Group cách đây vài năm, hoặc có thể vào tù như ông Ngô Tiểu Huy, cựu chủ tịch tập đoàn bảo hiểm Anbang.

Trên thực tế, sự biến mất của Jack Ma khiến nhiều người quan sát liên tưởng đến ông Tiêu Kiến Hoa, người siêu giàu của Trung Quốc và ông Ngô Tiểu Huy, cháu rể của ông Đặng Tiểu Bình, cố lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ.

Ông Ngô Tiểu Huy, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Tập đoàn bảo hiểm Anbang, đã bị kết án 18 năm tù vào tháng 5/2018. Ông ấy cũng biến mất khỏi tầm mắt công chúng một thời gian trước khi bị tịch thu số tài sản lên đến 85,7 tỷ NDT.

Một tỷ phú khác là ông Tiêu Kiến Hoa, người được một ban ngành hùng mạnh của ĐCSTQ đưa về Đại Lục từ đầu năm 2017, đã 4 năm trôi qua nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã tiếp quản 9 tổ chức tài chính của Công ty Tomorrow Holdings vào tháng 7 năm ngoái.

Kênh truyền thông “Caijinglengyan” cũng tin rằng, số phận của Jack Ma trong tương lai có thể xảy ra 2 trường hợp. Một là phải vào tù, giống như ông Ngô Tiểu Huy, cựu chủ tịch Tập đoàn Anbang và ông Tiêu Kiến Hoa, người nắm giữ Công ty “Tomorrow”. Hai là một cái chết bí ẩn. Những trường hợp như vậy có quá nhiều.

Tờ “Forbes” ngày 7/1 đã đưa ra một bài viết nói rằng, nếu những người Trung Quốc giàu có bị nghi ngờ có ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị và kinh tế của các nhà chức trách, họ sẽ bị điều tra và mất liên lạc. Jack Ma là trường hợp mới nhất. Tờ “Forbes” thống kê rằng, trước Jack Ma còn có ông Quách Quảng Xương, ông Nhậm Chí Cường và nhiều ông trùm khác của Trung Quốc cũng biến mất và bị điều tra.

Bản báo cáo dẫn lời ông Aaron Friedberg, giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton, Hoa Kỳ, nói rằng tình trạng của những người Trung Quốc giàu có này cho thấy ĐCSTQ đang cố gắng loại bỏ tất cả các yếu tố có thể thách thức chế độ.

Jack Ma có lẽ đã bị cuốn vào cuộc đấu tranh phe phái

Truyền thông Anh “Financial Times” ngày 7/1 đã đăng một bài viết rằng, chính quyền ĐCSTQ đã ra lệnh cho các kênh truyền thông lớn không đưa tin về cuộc điều tra chống độc quyền của Alibaba. Vì vậy, ý nghĩa phía sau có thể là do Jack Ma đã trở thành một vấn đề nhạy cảm về chính trị quốc gia.

Báo cáo còn dẫn lời ông Tiêu Cường, một học giả nghiên cứu tại Học viện Thông tin của chi nhánh Berkeley, trực thuộc Đại học California, phân tích rằng ngôn từ của lệnh cấm chính thức đối với các kênh truyền thông là “nghiêm trọng và bất thường”, rất giống với cách diễn đạt của những bản báo cáo định tính về “các sự kiện chính trị lớn”, như Bạc Hy Lai trước đó.

Ông Tiêu Cường tin rằng, các công ty của Jack Ma có liên quan trực tiếp đến một số gia đình chính trị quyền lực nhất ở Trung Quốc. Rắc rối mà ông ấy gặp phải lần này có thể là do có bối cảnh chính trị cao.

Ông Luyện Ất Tranh (Joseph Lian), một nhà bình luận cấp cao về các vấn đề thời sự của Hồng Kông, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Epoch Times, cũng tin rằng việc ĐCSTQ tấn công Alibaba và Tập đoàn Ant thực sự là kết quả của các cuộc đấu tranh phe phái.

Ông Luyện Ất Tranh nói rằng, suốt một thời gian dài, “liên kết tư nhân” của ĐCSTQ thực chất là sản phẩm của hàng loạt sự cấu kết giữa các quan chức và doanh nhân thuộc các gia tộc như Giang Trạch Dân, Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng. Họ đã dựa vào mỗi quan hệ và quyền lực quốc gia để trở nên hùng mạnh hơn, và giành được quyền lực lớn như vậy. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta đã sử dụng quyền lực của đảng-nhà nước để tấn công các liên kết tư nhân này. Thực ra, đó là biểu hiện của cuộc nội đấu bè phái. Ngoài ra, đế chế kinh doanh của Jack Ma quá lớn, sẽ bị ông Tập Cận Bình coi là một mối đe dọa. Ông Tập tin rằng, có thể dễ dàng mua chuộc các quan chức đảng và chính phủ của ĐCSTQ, và có thể tham gia vào một số cuộc đấu tranh của tòa án, vì vậy nhất định sẽ bắt Jack Ma.

Ông Luyện tin rằng, cuộc tấn công của ĐCSTQ đối với Jack Ma chỉ là “phát súng đầu tiên”, tất cả những người kiếm được nhiều tiền từ các lĩnh vực tư nhân khác đều sẽ gặp nguy hiểm. Bản thân ĐCSTQ là một thể chế độc quyền, độc chiếm mọi quyền lực, tài nguyên, và các mối quan hệ, v.v. Bất kỳ tổ chức nào khác chỉ cần có sức hấp dẫn hoặc thu phục được quần chúng, cũng tương đương với việc đe dọa đến ĐCSTQ và ĐCSTQ sẽ tấn công họ.

Miêu Vi, Vision Times Tiếng Trung

Xem thêm: