1/9 là ngày khai giảng năm học mới tại Hồng Kông, tuy nhiên theo số liệu mới nhất của Cục Giáo dục Hồng Kông, tính đến cuối tháng 7, đã có 61.000 chỗ trống tại các trường tiểu học và trung học công lập ở Hồng Kông. Một lượng lớn giáo viên trong các trường học đã thay đổi. Rốt cuộc những học sinh và giáo viên này đã đi đâu?

p2998651a468773779
Theo số liệu của Phòng Giáo dục, tính đến cuối tháng Bảy năm nay, có 61.333 vị trí trống tại các trường tiểu học và trung học cơ sở khu vực công lập. (Ảnh: Sở Thông tin Chính phủ Hồng Kông)

Số học sinh trung học di cư và du học tăng gấp đôi

Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, dựa trên số liệu của “Báo cáo Thống kê Học sinh” năm 2020-2021 do Cục Giáo dục Hồng Kông công bố vào tháng Tám, và số liệu nghỉ học tham khảo, tỷ lệ học sinh tiểu học Hồng Kông mất đi khoảng 1,6% và tỷ lệ học sinh các trường trung học bị thất thoát lên tới 2,84%. Tính đến cuối tháng Bảy, có 61.333 chỗ trống tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập của Hồng Kông.

Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Hiệu trưởng các trường trung học Hồng Kông công bố vào tháng Hai, số học sinh trung học bỏ học từ tháng 7 – 11/2020 đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong số đó, học sinh di cư hoặc ra nước ngoài học lên cấp đã tăng gấp đôi so với năm 2019.

Việc học sinh mất đi trong năm học mới có liên quan mật thiết đến làn sóng nhập cư chưa từng có, do việc thực thi “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông.” Tình hình này khiến nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học thất vọng.

Thời báo Kinh tế Hồng Kông đưa tin, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Phúc Kiến, một trường được trợ cấp trực tiếp, gần đây tiết lộ rằng số học sinh bỏ học tại trường này từ không quá 3 học sinh mỗi năm, đã tăng lên hai con số trong năm học trước. 90% trong số đó là do di cư, chủ yếu họ định cư tại Vương quốc Anh.

Tỷ lệ học sinh từ các trường danh tiếng giảm, giáo viên trung học cũng di cư

Kênh truyền thông mạng Hk01 đưa tin, ngày 1/9, ông Hoàng Tinh Dung, hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Scientia, một trường học được trợ cấp trực tiếp ở Hồng Kông, tiết lộ rằng trong năm học mới, tỷ lệ học sinh thất thoát của các trường cấp 1 danh tiếng ở Kowloon và quận Trung tâm và phía Tây (Central and Western) là khá cao.

Một trường danh tiếng ở Quận phía Đông thất thoát khoảng 160 học sinh. Một trường danh tiếng ở thành phố Kowloon thất thoát 140 học sinh. Một trường danh tiếng truyền thống khác tại quận Kwun Tong thất thoát hơn 150 học sinh. Ông mô tả vấn đề thất thoát học sinh rất nghiêm trọng. Ông cho rằng điều này có liên quan đến việc gia đình học sinh theo học tại các trường danh tiếng, có địa vị xã hội cao và đa phần họ đã chuyển ra nước ngoài học lên cao hơn.

Ngoài học sinh, giới học thuật cũng đang phải đối mặt với làn sóng giáo viên từ chức. Hiệp hội Giáo viên Hồng Kông (Hiệp hội Giáo dục) đã giải thể, công bố một cuộc khảo sát vào tháng Năm năm nay, cho thấy khoảng 40% giáo viên được hỏi, có ý định rời khỏi ngành giáo dục.

“Stance News” từng đưa tin rằng trong năm học 2020-2021, ít nhất 15 giáo viên từ trường Cao đẳng Anh-Trung danh tiếng truyền thống đã từ chức, chiếm khoảng 20% ​​đội ngũ giảng viên. Nhiều người trong số họ đã di cư.

Hiệu trưởng Hoàng Tinh Dung cũng cho biết, mỗi năm, trong trường của ông lại có 12 giáo viên nghỉ việc, hầu hết là giáo viên trẻ. Tình hình các trường được trợ cấp trực tiếp tại các khu vực khác thậm chí còn nghiêm trọng hơn, tính đến đầu tháng Bảy đã mất đi gần 40 giáo viên. Ông tin rằng các giáo viên đã di cư hoặc chuyển nghề vì môi trường chính trị và xã hội thay đổi.

Trước làn sóng từ chức của giáo viên, Cục Giáo dục Hồng Kông đã cấp chứng chỉ “giáo viên được cấp phép” cho 1.500 người không có bằng giáo viên, để lấp chỗ trống của giáo viên trong năm học mới. Sự mất mát kép về học sinh và giáo viên đã gây nguy hiểm cho không gian sinh tồn của trường. Một số trường phải thu nhỏ lớp học, ví như Trường Tiểu học Chính phủ Hồng Kông đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “đóng cửa nhà trường”.

Vào tháng Tám, một hiệu trưởng của trường trung học đã viết thư cho bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Trưởng đặc khu Hồng Kông. Ông dẫn lời nhiều vị hiệu trưởng khác phản ánh rằng trường của họ đang phải đối mặt với vấn đề thất thoát giáo viên nghiêm trọng. Đặc biệt là những nhân tài quản lý cấp trung có kinh nghiệm và năng lực.

Vị hiệu trưởng này kêu gọi chính quyền Hồng Kông lắng nghe kỹ tiếng nói của người dân Hồng Kông, tìm hiểu lý do họ di cư, tôn trọng nhân tài và xử lý vấn đề thất thoát giáo viên càng sớm càng tốt.

Cựu giáo viên: Lằn ranh đỏ của Luật an ninh Quốc gia đẩy nhanh quá trình di cư 

Đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn ông Alan (bút danh), một giáo viên đã dạy học 10 năm và lựa chọn sẽ di cư. Ban đầu ông dự định nhập cư vào Anh trong mùa hè này. Tuy nhiên, vào tháng Một năm nay, 47 người tham gia ủng hộ phe dân chủ đã bị bắt, khiến ông thấp thỏm lo lắng về lằn ranh đỏ.

Do vậy, ông đã quyết định rời Hồng Kông vào đầu tháng Tư. Ông tiết lộ rằng trước khi ông di cư, 17 giáo viên từ trường của ông cũng đã từ chức, và nhà trường đã phải tuyển dụng thêm 30 giáo viên mới.

Ông Alan kể lại những lý do lựa chọn việc ra đi của mình. Ông ấy dạy tiếng Trung. Trước đây ông thường sử dụng các đoạn tin tức của “China Beat“. Qua đó ông phân tích các sự kiện xã hội với các em học sinh, dưới nhiều góc độ, để phù hợp với chương trình học của môn “đạo đức và tình cảm” của Khoa tiếng Trung.

“Không nhất thiết phải chỉ trích Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, để thảo luận về sự phát triển của Trung Quốc, sẽ luôn phải học hỏi từ những sai lầm.” Nhưng từ năm ngoái, hình thức dạy học này đã không được phép tiếp tục. “Nếu bạn sử dụng những tài liệu này và nói rằng Trung Quốc không tốt, một số phụ huynh hoặc học sinh sẽ có cơ hội nói rằng bạn không công bằng.”

Sau phong trào chống Dự luật Dẫn độ, đã xảy ra một số vụ việc Cục Giáo dục thu hồi chức vụ của giáo viên. Kể từ đó, các cơ quan chức năng thường nhấn mạnh rằng giáo viên phải tuân thủ “Đạo đức nghề nghiệp” và kiềm chế những hành vi “không thể chấp nhận được”. Nhưng họ chưa bao giờ giải thích “những hành vi không thể chấp nhận được” là gì, và chỉ nói rằng giáo viên cần phải có khả năng tự phân biệt.

Là một giáo viên tuyến đầu, kiêm quản lý cấp trung của trường, ông Alan cho biết, ông không muốn gặp phải tình trạng thầy trò đề phòng lẫn nhau. Ông cũng không biết sẽ phải giải quyết thế nào nếu các giáo viên khác bị tố cáo.

“Trong sách giáo khoa và bài phát biểu của tôi ngày hôm nay, liệu có câu nào giẫm lên lằn ranh đỏ hay không? Liệu nó có bị các em học sinh dùng làm điểm yếu hay không? Khi tôi ở vai trò quản lý, nếu một đồng nghiệp giẫm lên lằn ranh đỏ và bị tố cáo, khi nhà trường họp, tôi nên giải quyết thế nào? Giúp đỡ đồng nghiệp hay cố bám trụ lại trong trường?” Ông Alan tố cáo nhà chức trách trốn tránh trách nhiệm và để ban giám hiệu nhà trường phải làm “đao phủ” cho chính phủ.

Ông Alan cho rằng việc di cư không phải là một quyết định đơn giản, ở lại và phải “chôn vùi lương tâm” để dạy môn “An ninh quốc phòng”, hay ra đi và phải lo lắng về tương lai, hoặc có thể sẽ không còn “người Hồng Kông chân chính” có thể giáo dục thế hệ sau.

Ông tỏ ra bi quan về triển vọng của ngành giáo dục. Với việc chính quyền đưa ra một loạt chính sách tư tưởng, gồm cả việc yêu cầu các trường học phải treo quốc kỳ Trung Quốc hàng ngày, và thay thế những kiến thức phổ quát bằng “Khoa phát triển dân sự và xã hội”. Ông ước tính rằng sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên vào tháng 12, có thể nhiều hơn giáo viên sẽ nghỉ việc.

Hôm 1/9, Bộ trưởng Giáo dục Dương Nhuận Hùng (Kevin Yeung) cho biết, người Hồng Kông có quyền tự do di cư và Cục Giáo dục sẽ không ngăn cản giáo viên rời đi. Nhưng ông tuyên bố rằng xã hội Hồng Kông sẽ ổn định nhờ “Đạo luật An ninh Quốc gia” và kêu gọi người dân nên suy xét kỹ trước khi di cư.

Hà Giai Huệ, Vision Times

Xem thêm: