Kỳ họp thứ nhất của Nhân đại Trung Quốc khóa 14 mới khai mạc hôm 5/3 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm đã đọc Báo cáo Công tác Quốc vụ viện (Chính phủ). Khi kết thúc buổi họp khai mạc, ông Tập Cận Bình đã chủ động tiến đến bắt tay ông Lý. Trước đó cộng đồng mạng có chia sẻ đoạn video gây chú ý.

Screen Shot 2023 03 06 at 13.34.43
Ông Lý Khắc Cường tại “lưỡng hội” năm 2023. (Ảnh chụp màn hình CCTV)

Tập Cận Bình chủ động đến bắt tay Lý Khắc Cường khi ra về

Ngày 5/3, kỳ họp thứ nhất Nhân đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc / Quốc hội) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 14 đã khai mạc tại Đại lễ đường Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đọc báo cáo công tác cuối cùng của Quốc vụ viện trong nhiệm kỳ của mình.

Theo Đài RFA, trong báo cáo ông Lý Khắc Cường đưa ra 8 đề xuất công việc cho năm nay, chỉ nói về kinh tế và sinh kế của người dân, không nói về tôn giáo, dân tộc hay ổn định xã hội và quản trị; tránh đề cập chính sách chống dịch ‘Zero COVID’ gây nguy hại xã hội và nền kinh tế Trung Quốc, thay vào là nhấn mạnh những thành tựu mới trong nền kinh tế, đặt ra mục tiêu mới về tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm ngoái không đạt mục tiêu (chỉ đạt được 3%), còn mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay được đặt ra là khoảng 5% – mức thấp nhất trong hơn 20 năm qua về mục tiêu phát triển mà Quốc vụ viện Trung Quốc đặt ra, nhưng ông Lý Khắc Cường vẫn mô tả rằng sự phát triển của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu mới rất không dễ dàng.

Theo Sing Tao Daily hôm 5/3, sau cuộc họp khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ động đi đến bắt tay Thủ tướng Lý Khắc Cường, sau đó quay đi và gật đầu chào trước đám đông đại biểu.

Lý Khắc Cường với tuyên bố ám chỉ Tập Cận Bình?

Ngày 2/3, chủ blog nổi tiếng trên Sina Weibo (898.000 người theo dõi) là Li Yong Leon” (@李勇Leon) đã công bố bài chỉ ra hôm 2/3, ông Lý Khắc Cường cùng với lãnh đạo khóa 13 của Quốc vụ viện đã chụp ảnh chung cáo biệt hơn 800 người của Văn phòng Quốc vụ viện.

Bài đăng kèm theo video cho thấy ông Lý Khắc Cường liên tục vẫy tay với những người có mặt tại hiện trường, theo sau là các nhà lãnh đạo khác của Quốc vụ viện như Hồ Xuân Hoa, Lưu Hạc…, những người có mặt tại hiện trường thì hô vang “Xin chào Thủ tướng”, sau đó ông Lý Khắc Cường bước đến chỗ ngồi và chụp ảnh với toàn bộ nhân viên Quốc vụ viện.

(Nội dung tweet: Phát biểu tạm biệt của ông Lý Khắc Cường. [Ông ấy] nói thẳng ‘người làm trời biết’.)

Một đoạn video khác cho thấy ông Lý Khắc Cường hô hào rằng phía bắc hiện đang là mùa đông nhưng hôm nay nắng như mùa xuân, người ta thường nói “người làm trời biết, ông trời có mắt”. Lời này của ông Lý đã gây chú ý trong công luận. Không ít cư dân mạng trên Twitter bình luận rằng ông Lý Khắc Cường dường như muốn bào chữa cho vấn đề của bản thân mình: Uy thế của ông không tương xứng vị trí quyền lực ông đảm nhận.

Quốc vụ viện thất thế dưới thời Lý Khắc Cường

Thủ tướng Quốc vụ viện là người phụ trách cao nhất trong cơ quan hành chính của ĐCSTQ, gánh vác trọng trách mọi mặt đối nội, đối ngoại. Các thế hệ Thủ tướng Trung Quốc từ thời ông Chu Dung Cơ, Ôn Gia Bảo đến Lý Khắc Cường là những phong cách điều hành khác nhau. Ông Chu Dung Cơ đã thiết lập khuôn khổ và ý tưởng cơ bản cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, dưới khuôn khổ đó mà ông Ôn Gia Bảo đã nắm bắt thời kỳ cơ hội giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm thời ông. Tuy nhiên đến thời ông Lý Khắc Cường lại là người yếu nhất. Tạp chí tin tức hàng tuần The Economist (Anh) từng chỉ ra trong một bài có tiêu đề “Đảo chính kiểu Trung Quốc” rằng: Vấn đề của ông Lý Khắc Cường không phải là bất tài mà là bất lực.

Ngày 5/3, nhà khoa học chính trị Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) người Trung Quốc nói với Đài RFA rằng phần mà ông Lý Khắc Cường không đề cập đến (trong báo cáo của Quốc vụ viện) là lời cảnh báo trước rằng Quốc vụ viện sẽ bị tước bỏ quyền lực sau khi hoàn thành cải cách thể chế.

Ông Trần Đạo Ngân nói rằng việc ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh vào những thành tựu kinh tế của Trung Quốc trong báo cáo không chỉ để xóa nhòa cái bóng đen của dịch bệnh COVID-19, mà còn nhằm thúc đẩy niềm tin vào triển vọng của Trung Quốc, cũng để đánh bóng hoạt động của chính ông ấy nhằm biện minh rằng ông là thủ tướng xứng đáng. Khi đánh giá 10 năm nhiệm kỳ thủ tướng của ông Lý Khắc Cường, ông Trần Đạo Ngân mô tả rằng nhiều thủ tướng trước đó thì đã tăng cường được quyền lực cho Quốc vụ viện nhưng đã bị tước mất trong nhiệm kỳ của ông Lý.

Ông Trần Đạo Ngân nói: “So với các báo cáo trước, báo cáo của ông ấy thiếu rất nhiều thứ và có thể tóm gọn trong 4 từ ‘thất quyền nhục quốc’, quyền lực này là quyền lực hành chính. Trong 30 năm qua đã là quá trình trao trả quyền lực từ Đảng về Quốc vụ viện, quyền hành pháp của Quốc vụ viện dần dần được tăng cường… Sau 30 năm cải cách, từ Triệu Tử Dương đến Chu Dung Cơ và sau đó đến Ôn Gia Bảo, quyền lực của các thế hệ thủ tướng đó đã dần được tăng cường, nhưng kết quả là trong 10 năm thời ông Lý Khắc Cường thì quyền hành pháp lại dần dần bị Đảng thâu tóm nên có thể gọi là ‘thất quyền, nhục quốc’”.

Thiếu can đảm nói không với Tập Cận Bình

Ông Lý Khắc Cường đã giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện 2 nhiệm kỳ liên tiếp, theo Hiến pháp ĐCSTQ thì ông chỉ có thể giữ chức Thủ tướng tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông sẽ giải nhiệm tại “Lưỡng hội” toàn quốc năm nay và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất của Quốc vụ viện.

Giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) tại Đại học Công nghệ Sydney (Úc) nói với RFA rằng ông Lý Khắc Cường đã thể hiện được tầm quan trọng của cải cách và mở cửa, nhưng ông ấy không phát huy được tầm hiểu biết của cá nhân trong điều hành nền kinh tế, chỉ có thể tập trung vào vấn đề an toàn địa vị cá nhân.

Ông nhận định: “Ông Lý Khắc Cường không có can đảm và dũng khí để thách thức ông Tập Cận Bình. Trong báo cáo công việc này, ông ấy vẫn nhắc đến thành tựu của ông Tập Cận Bình ở nhiều mặt, điều đó trái với lương tâm và nhận thức cá nhân của ông ấy. Theo đó, ông ấy tự định vị bản thân như cái bóng của ông Tập Cận Bình, hợp tác với ông Tập Cận Bình, bảo vệ xu thế độc tài cá nhân và chuyên quyền của Tập Cận Bình, để tránh bị con dao ‘chống tham nhũng’ của Tập chém vào đầu mình. Những người trong Quốc vụ viện đều như vậy, mục tiêu lớn nhất không phải là phục vụ tổ quốc và nhân dân, mà là ‘hạ cánh an toàn’. Đây là xu thế phổ biến của những kẻ cầm quyền trong ĐCSTQ”.