Vấn đề tăng trưởng kinh tế Trung Quốc liên tục chậm lại và sự mất giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ đã gây chú ý. Có quan điểm cho rằng nguy cơ lớn hơn đối với kinh tế Trung Quốc hiện nay không phải là xung đột thương mại Trung-Mỹ mà là việc sụt giảm nhu cầu trong nước.

kinh tế Trung Quốc
Ảnh minh họa từ Xinhua

Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh đưa tin, ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng thuế quan 25% hàng hóa của nhau với trị giá 34 tỷ đô la Mỹ, Tổng thống Trump cho biết không loại trừ Mỹ sẽ áp thuế quan tổng trị giá 450 tỷ đô la Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Mặc dù mối đe dọa thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh đang là một chủ đề nóng, nhưng một số phân tích cho rằng, việc suy giảm nhu cầu trong nước gây hiểm họa cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn là do xung đột thương mại Trung-Mỹ.

Theo quan điểm này, yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không phải là xuất khẩu mà là đầu tư vào tài sản cố định và tiêu thụ nội địa, nhưng nhiều năm qua hai vấn đề này đã từng bước suy giảm nhanh chóng. Ngoài ra, tuần này tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ đạt mức đáy mới trong 6 tháng qua, với chỉ số SHA của chứng khoán Thượng Hải giảm 10% trong tháng Sáu.

Để làm cho nền kinh tế sôi động, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi (Reserve Requirement Ratio, RRR), bơm vào thị trường 700 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 107 tỷ đô la Mỹ), biện pháp sẽ có hiệu lực kể từ ngày từ ngày 05/7.

Từ Cao (Xu Gao), nhà kinh tế hàng đầu của Công ty Quản lý tài sản chứng khoán Quang Đại (Everbright Securities Asset Management) cho biết, rủi ro thương mại bên ngoài và tăng trưởng tín dụng nội bộ chậm khiến “áp lực suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc là khá nghiêm trọng”.

Các nhà quản lý toàn cầu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, nợ của Trung Quốc và đầu tư không hiệu quả đang gia tăng. Mặc dù giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc cam kết tăng gói kích cầu ngắn hạn và ưu tiên áp dụng kiểm soát rủi ro, nhưng theo như kinh nghiệm của một thập kỷ qua cho thấy các nhà hoạch chính sách của Cộng sản Trung Quốc thường chỉ nói mà không làm, không tuân thủ cam kết.

Gần đây, một báo cáo của Viện Tài chính và Phát triển quốc gia  (National Institute of Finance and DevelopmentIFA) của Trung Quốc đã cảnh báo, do các yếu tố như chủ thể phát hành trái phiếu không thực thi được cam kết, đồng nhân dân tệ sụt giá, tính thanh khoản khó khăn, Fed tăng lãi suất và xung đột thương mại Trung-Mỹ làm cho nền kinh tế Trung Quốc “rất nhiều khả năng lâm vào khủng hoảng tài chính”.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào thị trường, nhưng các nhà đầu tư thì vẫn lo lắng sự suy giảm tăng trưởng kinh tế sẽ khiến cho thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giảm. Về hiện tượng gần đây đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, Larry Hu, nhà kinh tế Trung Quốc làm cho Tập đoàn Macquarie cho rằng, nếu nhà cầm quyền Trung Quốc cố tình làm sụt giá đồng nhân dân tệ như là một thủ đoạn nhằm trả đũa thương mại, vậy thì tình trạng sụt giá này nhiều khả năng sẽ lặp lại với tốc độ nhanh chóng như hồi năm 2015, sẽ gây tác động rất xấu cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, sự suy giảm đầu tư gần đây ở Trung Quốc phần lớn là do chính sách của các cấp chính quyền Trung Quốc. Ví dụ, khi Chính phủ Trung ương bắt đầu kiểm soát việc vay mượn bừa bãi của chính quyền địa phương, khiến chính quyền địa phương phải giảm mạnh chi tiêu vào xây dựng cơ sở hạ tầng, trở thành nguyên nhân chính làm suy giảm đầu tư tài sản cố định.

Nhà kinh tế học Andrew Polk của tổ chức nghiên cứu Trivium China cho biết, phần lớn số liệu suy giảm kinh tế có nguyên nhân chính do chính sách trung ương Trung Quốc giảm chi cho chính quyền các địa phương, dẫn đến chính quyền các địa phương giảm chi tiêu.

Tuyết Mai

Xem thêm: