Tháng 6/2004, 1 tháng sau khi cha qua đời, Hàn Vũ cùng người thân đến để nhìn mặt cha cô lần cuối dưới sự giám thị của cảnh sát Bắc Kinh. Cô bé 19 tuổi chợt để ý tới một vết mổ dài trên thi thể cha, từ cổ họng xuống dưới ngực, được khâu lại bằng chỉ đen, đang bị áo che khuất. Giật mình, Hàn Vũ bắt đầu cởi khuy áo cha, nhưng cảnh sát đã hét lên yêu cầu cô dừng lại… Hình ảnh kinh hoàng này vẫn còn đọng lại trong ký ức của Hàn Vũ nhiều năm sau đó, có lúc nó nhấn chìm cô trong đau khổ, nhưng cũng có lúc lại thôi thúc bước chân cô làm nên những hành động dũng cảm tại Trung Quốc.

Cô bé 14 tuổi tự chăm sóc em trai sau khi cha mẹ bị bắt cóc

5 năm trước ngày kinh hoàng đó, cuộc đời Hàn Vũ đột ngột thay đổi hoàn toàn sau khi cha, rồi mẹ kế của cô bé bị cảnh sát bắt cóc. Do không biết liên lạc với ai, Hàn Vũ đã phải một mình chăm sóc em trai. Cả hai chị em tự làm việc nhà và đi mua đồ ăn với số tiền tiết kiệm ít ỏi trong suốt 1 năm.

“Cuộc sống của chúng tôi trở nên rất khó khăn. Chúng tôi sống bằng số tiền tiết kiệm ít ỏi mà cha để lại và ăn những bữa ăn đơn giản nhất”, Hàn Vũ kể.

Hàn Vũ phải ép mình trưởng thành hơn, học cách nấu ăn, nhóm lửa trong những ngày lạnh giá để hai chị em không bị lạnh. Cô bé cũng phải bỏ học và đi xin ăn, rồi tìm kiếm một công việc tạm thời, và cuối cùng xoay xở có được một gian hàng nhỏ để bán.

Hai chị em Hàn Vũ đã trải qua những ngày tháng thiếu vắng cha mẹ như vậy.

Nạn nhân của một cuộc bức hại

Hàn Vũ sinh năm 1985. Mẹ ruột mất khi cô bé còn nhỏ, và cha cô đi bước nữa. Cha cô, ông Hàn Tuấn Thanh, từng là một côn đồ du đãng nổi tiếng ở trấn Đậu Điếm, quận Phòng Sơn, Bắc Kinh. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi khi ông Hàn Tuấn Thanh bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công.

“Khi cha tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công, không khí của cả gia đình được cải thiện. Khi đó, tôi cảm thấy mình vui hơn bao giờ hết.”

Không chỉ gia đình và người dân địa phương thấy được sự cải biến này. Cảnh sát cũng rất ngạc nhiên khi một người thường xuyên xuất hiện ở đồn như ông Hàn Tuấn Thanh lại có thể từ bỏ những thói quen xấu và trở thành người tốt hơn.

Ký ức 19 tuổi: Cái chết kinh hoàng của cha tại trại giam Trung Quốc
Ông Hàn Tuấn Thanh, cha của Hàn Vũ. (Ảnh do Hàn Vũ cung cấp)

Tuy nhiên vào năm 1999, sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu tại Trung Quốc, gia đình Hàn Vũ đã bị bức hại nghiêm trọng.

Vì tiếp tục tập Pháp Luân Công và nói với người khác sự thật về cuộc đàn áp, ông Hàn bị cảnh sát ập vào bắt đi khi đang ở nhà. Hàn Vũ và em trai bất lực nhìn cảnh sát lôi cha ra khỏi cửa. Ngày hôm ấy, cảnh sát đã lùng sục khắp nhà Hàn Vũ để lấy đi tất cả tài liệu về Pháp Luân Công.

“Khi đó tôi nói với cảnh sát rằng họ đã bắt người tốt, nhưng ông ta đã giơ tay đánh tôi… Khoảng một tháng sau, họ lại đến bắt mẹ kế. Trong nhà chỉ còn lại hai chị em.”

Nhưng ngay cả khi chỉ còn lại hai đứa trẻ, cảnh sát vẫn không thôi theo dõi Hàn Vũ. Cô bé từng nhận được cuộc điện thoại của một người tập Pháp Luân Công mà gia đình cô bé biết, xin ở lại nhà một đêm. Hôm sau, khi đang đi đón người nọ, Hàn Vũ phát hiện có xe cảnh sát đi theo mình, nên đã đi lòng vòng rồi về.

Trong vòng một giờ đồng hồ, vài cảnh sát đã đến trước cửa nhà Hàn Vũ, xông vào lục soát và thẩm vấn xem vừa rồi cô bé đi đâu, làm những gì.

“Dù bố mẹ không còn ở nhà, họ vẫn cứ quấy rối. Khoảng thời gian đó tôi rất sợ hãi cảnh sát.”

Khi đến trường học, Hàn Vũ và em trai cũng bị cô lập. Các phụ huynh trong trường đã dặn dò con không tiếp xúc với hai chị em vì sợ bị liên lụy. Cậu em trai chỉ mới 9 tuổi của Hàn Vũ dần trở nên trầm lặng và bắt đầu trốn học. “Khi đó em còn rất nhỏ mà đã phải chịu đựng nhiều hơn tôi.”

Hàn Vũ và em trai chỉ là hai mảnh đời bé nhỏ trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào năm 1999, số người tập môn này là từ 70 đến 100 triệu người, trung bình cứ 20 người Trung Quốc thì có 1 người tập Pháp Luân Công, vượt trên cả số Đảng viên cộng sản. Khi Đảng ra quyết định đàn áp hàng chục triệu người, bao nhiêu người thân của họ đã bị liên lụy, bao nhiêu gia đình đã tan nát, bao nhiêu đứa trẻ đã mồ côi hoặc phải sống thiếu cha mẹ?

Cha trở về

Sau khi được thả về nhà, ông Hàn Tuấn Thanh đã quay trở lại là con người khi xưa: dễ nổi nóng, cờ bạc, uống rượu, hút thuốc. Sự bức hại tàn khốc trong tù đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể xác của ông.

Ông Hàn đã kể với hai con về những tra tấn mà ông phải chịu đựng. Ông thường xuyên bị quản giáo đánh đập tàn nhẫn và có lần ông đã bị mười mấy dùi cui điện sốc cùng lúc.

Sau 8 tháng kiên trì, cuối cùng vì không chịu nổi ngược đãi và tẩy não, ông Hàn đã tuyên bố từ bỏ tập luyện và hợp tác với nhà tù để bức hại những người tập Pháp Luân Công khác. Ông đã tự tay thực hiện những hành vi tra tấn họ, bao gồm cả việc đổ nước sôi lên người họ. Điều này trở thành một vết thương tinh thần đối với ông.

Mặc dù vậy, sau khi Hàn Tuấn Thanh ra tù, những người tập Pháp Luân Công quen biết đã không xa lánh ông. Với sự giúp đỡ của họ, ông dần dần bình tâm, một lần nữa từ bỏ những thói quen xấu và quay lại tập Pháp Luân Công.

Hối hận vì những việc làm trong tù, ông Hàn đã tự mua một máy in và sản xuất những tư liệu nói rõ sự thật về cuộc đàn áp. Ông cũng tham gia giúp đỡ những người tập Pháp Luân Công đã bị lừa dối hoặc trải qua bức hại nghiêm trọng trong nhà tù của chế độ. Một ngày, khi ông Hàn tới gặp một số người như vậy tại tỉnh Hà Bắc, ông đã bị cảnh sát bắt.

Ông Hàn qua đời vào tháng 5/2004, khoảng 2 tháng sau khi ông bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ quận Phòng Sơn. Về sau một người bạn tù kể rằng hơn một chục cảnh sát đã tra tấn ông đến chết vì lần này ông nhất quyết không chịu từ bỏ đức tin.

Ký ức không thể nào quên

Vì sống xa nhà nên khi cha bị bắt lần thứ 2, Hàn Vũ không hề hay biết. Lúc được báo rằng cha qua đời, Hàn Vũ đã không thể tin nổi, cô nghĩ họ thông báo nhầm người vì cha cô rất khỏe mạnh vào lần cuối hai cha con gặp nhau.

Mới đầu cảnh sát từ chối cho Hàn Vũ cùng những người thân được phép nhìn thi thể của ông Hàn Tuấn Thanh. Họ đưa cho gia đình một báo cáo khám nghiệm tử thi, trong đó viết rằng ông Hàn Tuấn Thanh qua đời vì đau tim.

Vào tháng 6/2004, sở an ninh địa phương cuối cùng đã phải cho phép Hàn Vũ và người thân được nhìn thi thể ông Hàn. Cảnh sát dặn dò họ không mang theo máy ảnh hay cho truyền thông biết. Khi đến nơi, họ đã bị bao vây bởi số cảnh sát còn đông hơn gia đình. Cảnh sát lục soát kỹ lưỡng trước khi cho họ vào phòng.

Nhìn thi thể của cha trong căn phòng trống, Hàn Vũ nhận thấy ông đã gầy đi rất nhiều, cằm và mặt đầy vết bầm tím. Ông còn bị mất một vùng thịt dưới mắt trái. Tuy nhiên, điều khiến Hàn Vũ sửng sốt là một vết cắt dài “được khâu bằng chỉ đen dày” từ cổ họng của cha cô kéo xuống. Hàn Vũ vội cởi cúc áo của cha để xem vết rạch lớn như thế nào. “Khi tôi cởi đến nút thứ hai, cảnh sát nhìn thấy và hét lên yêu cầu tôi dừng lại”.

Gia đình ông Hàn bị buộc phải ra khỏi phòng, nhưng họ đã rất bất bình và tranh cãi với cảnh sát trong một thời gian dài. Chú của Hàn Vũ và những người khác sau đó đã trở vào trong phòng. Và khi cảnh sát không để ý, chú cô đã mở cúc áo cha cô.

“Họ phát hiện ra vết rạch chạy suốt từ cổ họng đến bụng”, Hàn Vũ kể. “Khi ấn vào bụng, họ nhận ra trong bụng đầy đá lạnh.”

Khi bị gia đình chất vấn, cảnh sát đã nói rằng đó là do việc khám nghiệm tử thi. Sau sự việc này, cảnh sát lan truyền tin đồn rằng ông Hàn Tuấn Thanh qua đời do bị viêm phổi. Nhưng họ không thể che dấu được sự thực là người ông đầy vết bầm tím, dưới mắt trái bị mất một vùng thịt, xương sườn bị gãy.

Vào thời điểm ông Hàn Tuấn Thanh được hỏa táng, quận Phòng Sơn đã điều hơn 100 cảnh sát tới nơi.

huy an
“Giấy quyết định hủy án” của Cục công an Phòng Sơn thành phố Bắc Kinh tuyên bố vụ án bị hủy do ông Hàn Tuấn Thanh tử vong trong thời gian bị giam giữ. (Ảnh do Hàn Vũ cung cấp)

Tuy nhiên, nỗi đau mất cha vẫn không thôi ám ảnh Hàn Vũ. 3 năm sau, năm 2007, khi đang vượt tường lửa tìm kiếm trên mạng, Hàn Vũ bắt gặp một bài báo nói về ngành công nghiệp cưỡng bức thu hoạch nội tạng trị giá hàng tỷ đô-la do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn.

“Tôi dồn dập nghĩ về cái chết của cha và nhận ra rằng ông cũng là nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng”, Hàn Vũ nói. “Tôi đã khóc suốt đêm cho đến khi bất tỉnh”.

Hàn Vũ biết được sự thực về cái chết của cha 1 năm sau khi tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc bị phơi bày trên trường quốc tế. Ngày 6/7/2006, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour cùng luật sư nhân quyền David Matas đã công bố báo cáo đầu tiên về tội ác thu hoạch nội tạng từ người tập Pháp Luân Công. Báo cáo cho biết “nguồn nội tạng của 41.500 ca cấy ghép [tại Trung Quốc] trong khoảng 6 năm từ 2000 tới 2005 là không thể lý giải” và kết luận “việc cướp nội tạng trên quy mô lớn từ những người tập Pháp Luân Công không tự nguyện đã tồn tại và vẫn tiếp tục cho tới ngày nay”.

Sau báo cáo đầu tiên, ông David Kilgour, ông David Matas cùng nhà báo Hoa Kỳ Ethan Gutmann đã liên tục công bố các báo cáo điều tra độc lập với những bằng chứng ngày càng cụ thể vào năm 2007 (bản cập nhật báo cáo Kilgour – Matas), 2009 (sách “Thu hoạch đẫm máu”), 2012 (sách “Tạng nhà nước”), 2014 (sách “Đại thảm sát”), và mới đây nhất là bản báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2016). Trong các báo cáo này, không chỉ số lượng bằng chứng tăng lên, mà số lượng nạn nhân được ước tính cũng ngày càng trầm trọng.

Nhìn lại lịch sử tội ác thu hoạch tạng của "chuyên gia ghép 10.000 tạng"
Theo thứ tự: nhà báo được đề cử Nobel Hòa Bình Ethan Gutmann; cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương David Kilgour; luật sư nhân quyền được đề cử Nobel Hòa Bình David Matas.

Ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại quốc gia này. Nạn nhân chủ yếu của tội ác này là người tập Pháp Luân Công, ngoài ra còn có người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Phật giáo Tây Tạng, và những tín đồ Kitô giáo.

Lựa chọn dũng cảm

Kể lại quãng thời gian khi mới biết tin cha mất, Hàn Vũ nói “Khi đó tôi rất chấn động và cảm thấy vô cùng đau khổ, tôi không thể chấp nhận được sự thật này. Tôi không dám tin rằng họ thật sự đã sát hại cha tôi. Tôi cứ nghĩ người ta gọi nhầm. Cho đến khi tôi nhìn thấy thi thể của ông thì mới…”

Hàn Vũ nghẹn ngào trầm mặc rất lâu rồi nói tiếp: “Cho đến khi nhìn thấy thi thể của ông, tôi mới hiểu rằng ông thật sự đã ra đi rồi. Khoảnh khắc đó đầu tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không thể ngủ nổi và dù đã ngủ rồi cũng sẽ mơ thấy ác mộng.”

“Tôi thường hay nằm mơ thấy cha”.

Ký ức 19 tuổi: Cái chết kinh hoàng của cha tại trại giam Trung Quốc
Bức ảnh cũ của ông Hàn Tuấn Thanh. (Ảnh do Hàn Vũ cung cấp)

Một đêm năm 2013, Hàn Vũ lại nằm mơ thấy cha trong tình trạng hoàn toàn khác. “Trong mơ, trông cha tôi rất khác, ông có vẻ vô cùng khỏe mạnh. Ông nói rằng muốn đưa tôi đến một nơi, tôi hỏi là đi đâu thì ông nói cứ đi theo ông là được.”

“Ông đưa tôi đến trước hai cái thang máy, một cái đang đi lên, còn một cái đi xuống. Cha và tôi đứng ở trước thang máy đang đi lên. Cha nói rằng tôi hãy đi tìm lại những gì đã mất và phải thật lòng tin vào tín ngưỡng.”

Không lâu sau khi nằm mơ, Hàn Vũ đi du lịch đến Hồng Kông. Khi cô nhìn thấy những người tập Pháp Luân Công đang đứng trên phố để phản đối cuộc đàn áp và giải thích sự thật về Pháp Luân Công với những người qua đường, cô đã cảm thấy vô cùng bất ngờ và xúc động.

Khi còn bé, cô đã theo cha và mẹ kế tập Pháp Luân Công, nhưng cô chưa có ý thức gì về quyết định đó. Sau khi cha mẹ bị bức hại, cô cũng không tiếp tục.

Năm 2014, khi 29 tuổi, Hàn Vũ trưởng thành đã quyết định tập Pháp Luân Công bất chấp hiểm nguy khi cuộc đàn áp chưa hề kết thúc.

“Tôi sẽ dùng những gì bản thân đã trải qua để nói với mọi người tôi gặp rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt”. Mặc dù đã phải chịu đựng rất nhiều, Hàn Vũ vẫn nói, “Thực ra, chính cảnh sát mới là người đáng thương. Họ là nạn nhân. Tôi không ghét họ. Họ không hề biết đến sự thật, họ cho rằng những gì mình tin tưởng là đúng. Bởi vì ở Trung Quốc, người dân bị áp chế về mặt tư tưởng.”

Tìm đến tự do

Năm 2015, Hàn Vũ tới Hoa Kỳ dùng visa du lịch. Tại đây, cô đã cùng những người tập Pháp Luân Công tham gia các hoạt động tập thể một cách tự do.

Khi trở về nước, Hàn Vũ, bấy giờ đang làm việc tại Bắc Kinh, đã gửi một đơn kiện tới Tòa án Tối cao vào ngày 16/7. Cô đứng ra kiện cựu độc tài, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân, người đã trực tiếp ra lệnh bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc với mật lệnh “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”.

Ngày 20/7, Hàn Vũ, bạn cùng phòng và chủ nhà đều bị bắt cóc. Cả ba đều là người tập Pháp Luân Công.

Hàn Vũ bị đưa đến đồn cảnh sát và bị thẩm vấn tất cả chi tiết khi cô ở Hoa Kỳ. Cô bị trói trên một chiếc ghế sắt, cả ngày không được ăn uống. Hàn Vũ bị đưa tới trại giam Hải Điến, Bắc Kinh.

Ngày 10/8, Hàn Vũ được gặp luật sư. Cuối cùng, vì không đủ chứng cứ chứng minh Hàn Vũ là người tập Pháp Luân Công nên cảnh sát đã thả cô. Sau khi được thả, Hàn Vũ hiểu sớm muộn cô sẽ phải rời khỏi Trung Quốc.

Ngày 15/10/2018, Hàn Vũ cuối cùng đã đến được New York, Hoa Kỳ. Khi phóng viên hỏi cô vì sao lại đến Hoa Kỳ để xin tị nạn chính trị, Hàn Vũ đã cười nói: “Vì sao lại là Hoa Kỳ ư? Bởi vì ở đây tự do.”

Ký ức 19 tuổi: Cái chết kinh hoàng của cha tại trại giam Trung Quốc
Hàn Vũ tại New York. (Ảnh do Hàn Vũ cung cấp)

“Cảm giác đầu tiên khi tôi đến đây chính là tự do. Khi ở Trung Quốc, tôi phải hết sức cẩn thận khi đọc sách của Pháp Luân Công, tôi chưa từng dám mang sách ra ngoài. Nhưng ở đây, tôi có thể đọc trên tàu điện ngầm, cũng như luyện công ở công viên và ngay cả trước Lãnh sự quán Trung Quốc mà không phải lo lắng bị bắt hoặc tra tấn.”

“Nhưng thật ra một phần trong tôi vẫn chưa thoát khỏi Trung Quốc. Mỗi lần nhìn thấy cảnh sát, trong tâm tôi vẫn sẽ cảm thấy sợ hãi.”

Nói về dự định của mình, Hàn Vũ tâm sự: “Dù đến cuối cùng, cha cũng không hề cúi đầu trước bức hại, ông vẫn kiên trì với tín ngưỡng của mình. Tôi cũng sẽ giữ vững tín ngưỡng và truyền rộng sự thật, bảo vệ và giải cứu những người lương thiện vì giữ vững tín ngưỡng mà bị đàn áp ở Trung Quốc, bao gồm cả những bạn của tôi đang ở trong tù.”

Mỗi ngày dù trời mưa hay gió, Hàn Vũ đều đến trước Lãnh sự quán Trung Quốc. Cô cầm biểu ngữ trên tay hoặc phát những cuốn sách nhỏ cho người qua đường nhằm truyền tải sự thật về cuộc đàn áp đang xảy ra ở quê nhà, phơi bày những hành vi tội ác của chế độ cộng sản.

Han Vu truoc dai su quan 01
Hàn Vũ trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York. (Ảnh do Hàn Vũ cung cấp)

Minh Nhật biên tập

Tư liệu:

Xem thêm:

Mời xem video: