Nhiều quốc gia từ Trung Quốc đến Indonesia và Brazil đã phụ thuộc rất nhiều vào các loại vắc-xin Trung Quốc để tiêm cho người dân của họ với hy vọng chống lại dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, liệu chúng có cung cấp đầy đủ sự bảo vệ chống lại biến thể Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ) hay không vẫn là câu hỏi khiến cho nhiều người cảm thấy nghi ngại.

vắc-xin Trung Quốc
Vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất. (Ảnh minh họa: Shan_shan/Shutterstock)

Các loại vắc-xin Trung Quốc có thể hoạt động chống lại biến thể Delta hay không?

Trung Quốc đã không cung cấp kết quả về hiệu quả của vắc-xin đối với biến thể dựa trên dữ liệu quy mô lớn trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc sử dụng thực tế, cũng như cung cấp thông tin chi tiết từ các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng các chuyên gia Trung Quốc lại đang kêu gọi mọi người tiêm chủng càng sớm càng tốt.

Việc thiếu dữ liệu chi tiết về vắc-xin Trung Quốc chống lại biến thể Delta đã làm cản trở quá trình đánh giá của các chuyên gia nước ngoài.

Vào ngày 24/6, Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), nhà nghiên cứu và cựu phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV rằng vắc-xin do Trung Quốc sản xuất không tạo ra đủ lượng kháng thể và kém hiệu quả trong việc chống lại biến thể Ấn Độ.

Biến thể Ấn Độ đã gây ra 85% số ca nhiễm bệnh trong đợt bùng phát COVID-19 gần đây ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, dù cho hàng chục triệu cư dân địa phương đã được tiêm chủng.

Vắc-xin Trung Quốc chưa được chấp thuận sử dụng ở Mỹ hoặc EU. Các loại vắc-xin này cũng bị loại khỏi chương trình tiêm chủng kỹ thuật số của EU. Chính quyền Trung Quốc đã công bố các biện pháp trả đũa, trong đó có việc từ chối nhập cảnh đối với những du khách chưa được tiêm-vắc xin Trung Quốc và không công nhận việc tiêm chủng bằng loại vắc-xin không phải của Trung Quốc. Các biện pháp này đã ngăn cản nhiều công dân Trung Quốc ở nước ngoài hồi hương.

Mặc dù có hiệu quả thấp và dữ liệu thử nghiệm thiếu minh bạch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây vẫn phê duyệt cả 2 loại vắc-xin Sinopharm và Sinovac để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Quyết định này được đưa ra khi có ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới nghi ngờ về tính hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc.

Indonesia, quốc gia báo cáo các trường hợp mắc mới hàng ngày ở mức cao kỷ lục do sự gia tăng của biến thể Delta, đã chứng kiến ​​hàng trăm nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 mặc dù đã tiêm vắc-xin Sinovac, theo các quan chức cho biết vào đầu tháng này.

So sánh hiệu quả với các loại vắc-xin của phương Tây

Một nghiên cứu của Y tế Công cộng Anh (PHE) thực hiện vào tháng 5 cho thấy vắc-xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 88% trong việc chống lại các bệnh có triệu chứng do biến thể Delta 2 tuần sau khi tiêm liều thứ 2. Loại vắc-xin này đạt hiệu quả 93% với biến thể Alpha, lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Ngoài ra, 2 liều vắc-xin AstraZeneca đạt hiệu quả 60% đối với các bệnh có triệu chứng do biến thể Delta; 66% đối với biến thể Alpha, PHE cho biết.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: