Do chính phủ Hồng Kông đưa ra bản dự thảo “Luật đào phạm” và muốn thông qua nên đã khiến cho hơn 1 triệu người dân Hồng Kông xuống đường diễu hành phản đối vào ngày 9/6; ngày 12/6, cảnh sát Hồng Kông đã bắn đạn cao su và dùng lựu đạn hơi cay để đàn áp người biểu tình. Trong ngày 16 – 17 tới, Hồng Kông sẽ tiếp tục có các hoạt động kháng nghị. Liệu Hồng Kông có diễn biến thành “Sự kiện Thiên An Môn” (sự kiện Lục Tứ) thứ hai hay không, có nhận định cho rằng quan trọng là cần xem ông Tập Cận Bình.

Embed from Getty Images

Ngày 9/6, Hồng Kông bùng nổ cuộc diễu hành phản đối chính phủ sửa đổi luật cho phép dẫn độ người sang Trung Quốc, nhưng cuộc diễu hành này vẫn chưa thể ngăn chặn chính phủ Hồng Kông thu hồi lại dự luật, việc này dẫn đến cuộc tổng vận động toàn thành phố bãi công, bãi khóa, bãi thị để phản đối luật xấu. Hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Hội đồng Lập pháp vào ngày 12/6, cảnh sát đã dùng vũ lực như xịt hơi cay, bắn đạn cao su, ném lựu đạn hơi cay, bom cay để giải tán người biểu tình; ít nhất có 79 người bị thương, ước tính có khoảng 5000 cảnh sát trấn áp bạo động đã bắn đạn cao su và ném bom cay vào người biểu tình.

Có người dân và nghị viên nghi ngờ Bắc Kinh vẫn dùng biện pháp cũ, điều động lượng lớn đặc vụ, cảnh sát Trung Quốc giả danh cảnh sát Hồng Kông để hành hung người biểu tình.

Hiện Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã tạm ngưng thảo luận lần 2 dự luật “Luật đào phạm” sửa đổi.

Tổ chức Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền tại Hồng Kông đã đăng một tuyên bố lên Facebook hôm 13/6 nói rằng, họ đã đăng ký một cuộc đại diễu hành màu đen với cảnh sát vào ngày 16/6, và kêu gọi ngày 17 toàn Hồng Kông tiếp tục tiến hành bãi công, bãi khóa, bãi thị cho đến khi Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật.  

Sau khi chính phủ Hồng Kông định tính cuộc biểu tình hôm 12/6 là “bạo động”, ngày 13/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu trong cuộc họp báo theo thông lệ rằng, sự kiện phản đối Hồng Kông sửa đổi luật là “phát động bạo động một cách ngang nhiên và có tổ chức”. Đây được coi như là “định tính” được chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố chính thức.

Trong khi đó, truyền thông Hồng Kông hôm 13/6 đã dẫn nguồn tin từ chính phủ Hồng Kông tiết lộ, chính phủ Hồng Kông cáo buộc “đằng sau có người vạch kế hoạch”, đã định tính cuộc kháng nghị này là “cuộc cách mạng màu do nước ngoài giật dây”.

Dư luận cho rằng, đây hiển nhiên là do chính quyền ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông tạo dư luận để trấn áp toàn diện cuộc biểu tình.

Hôm 13/6, Đài Á châu Tự do dẫn nguồn tin cho biết, ngày 11/6 đã có bộ đội chống bạo động và xe bọc thép tập trung gần khu vực cầu Hồng Kông – Chu Hải – Macau, đồng thời cũng có người trong nội bộ xác nhận, có bộ đội cảnh sát vũ trang tại ngũ mặc thường phục đến Hồng Kông. Kiểu duy trì ổn định xuyên biên giới này đã trở thành một trong những thủ đoạn quan trọng của chính quyền ĐCSTQ.

Tình hình của Hồng Kông liệu có một lần nữa tái diễn sự kiện thảm án thảm sát Thiên An Môn năm 1989 hay không?

Về việc này, trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhà quan sát vấn đề Trung Quốc Chương Gia Đôn (Gordon Chang) nói: Điều này cuối cùng sẽ quyết định bởi ý nguyện của ông Tập Cận Bình rằng ông muốn đi bao xa trong vấn đề này? Ông ấy có muốn dùng đến quân đội ĐCSTQ để tăng cường sức mạnh cho cảnh sát Hồng Kông? Đây sẽ là những vấn đề quan trọng nhất. Chúng ta sẽ rất nhanh chóng thấy được đáp án, đặc biệt là khi cảnh sát không thể nào kiểm soát được người biểu tình kháng nghị.

Còn về vấn đề Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga định tính cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ giao người cho Trung Quốc thành cuộc bạo loạn, ông Chương Gia Đôn phân tích, điều này có nghĩa là bà ấy có thể dùng đến toàn bộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông để đối phó với người Hồng Kông, nhưng điều này có thể không khởi được tác dụng, bởi vì số người kháng nghị vượt quá số lượng cảnh sát. Do đó, việc này cần nhìn xem ông Tập Cận Bình sẽ làm thế nào? Liệu ông Tập Cận Bình có sử dụng vũ lực, biến Hồng Kông trở thành “Sự kiện Thiên An Môn” thứ hai hay không?

Ông Chương Gia Đôn còn nói, do cuộc kháng nghị tại Hồng Kông và cuộc chiến thương mại với Mỹ, nên ông Tập Cận Bình hiện giờ đang tứ bề thọ địch, có thể ông sẽ chọn biện pháp nào đó mà không nhất định là phù hợp với lợi ích tốt nhất của ĐCSTQ, thậm chí cũng không phù hợp với lợi ích của bản thân.

Tạp chí CommonWealth Magazine tại Đài Loan dẫn lời của Giáo sư Lâm Hòa Lập công tác tại Đại học Trung văn Hồng Kông cho biết, Bắc Kinh đã không dự định nhượng bộ về dự luật dẫn độ, nhưng cũng thừa nhận không gánh nổi cái giá cần phải trả khi tiến hành trấn áp người dân Hồng Kông. Hai thế khó này khiến cho chính quyền ông Tập Cận Bình nơm nớp lo sợ như đang đi trên lớp băng mỏng, không muốn khiến cho tình hình ở Hồng Kông tiếp tục leo thang.

Ông chỉ ra, ý chí của người dân Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh đối lập nhau ngày càng kịch liệt, đối với Bắc Kinh mà nói, nguy cơ lần này không thể dùng phương pháp đơn giản rõ ràng để giải quyết.

Ông Lâm Lập Hòa nói, nếu kháng nghị tiếp tục leo thang, kinh tế Hồng Kông và kinh tế Trung Quốc đều sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng. Do chiến tranh thương mại đã khiến cho kinh tế Trung Quốc trượt dốc mạnh, nội bộ ĐCSTQ đã xuất hiện tiếng nói chỉ trích ông Tập Cận Bình. Nếu lần này thất bại trong xử lý cuộc kháng nghị tại Hồng Kông, thì áp lực của ông Tập Cận Bình sẽ lớn hơn nữa.

Tờ Epoch Times đưa tin, ĐCSTQ đã sớm rơi vào khủng hoảng toàn diện, đầu năm nay, Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ Vương Hộ Ninh đã nói cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”. ĐCSTQ rất có khả năng vì để bảo vệ chính quyền mà không tiếc hủy hoại “hòn ngọc phương Đông”, bằng mọi giá để cố gắng thúc đẩy thông qua dự luật dẫn độ.

Việc ĐCSTQ cố gắng thúc đẩy “Luật đào phạm” đã biểu hiện ra tác phong cường quyền và bóp nghẹt tự do dân chủ mà ĐCSTQ quen dùng. Trước đó, ngày 21/5, ông Hàn Chính – Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Trưởng Tiểu ban Trung ương Điều phối công tác Hồng Kông & MaCau, đã không ngó ngàng đến tiếng nói phản đối của người dân Hồng Kông trong mọi tầng lớp ngành nghề, mà phát biểu một cách rõ ràng rằng: Trung ương hoàn toàn ủng hộ chính phủ đặc khu Hồng Kông hiệu đính “Luật đào phạm”.

Ông Hàn Chính lâu nay vẫn được coi là thân tín của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Còn ông Vương Hộ Ninh được gọi là “Quốc sư 3 triều đại” và là “đại não” chân chính của ĐCSTQ, là người đã hoạch định lượng lớn nội dung lý luận về chủ nghĩa Mác cho 3 thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ từ ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đến Tập Cận Bình; gần đây Vương bị vạch trần là người trung thành với ông Giang Trạch Dân.

Trí Đạt

Xem thêm: