Vào dịp “lưỡng hội” toàn quốc (Đại hội Đại biểu nhân dân và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hàng năm đều có những đại biểu đưa ra đề xuất bị cộng đồng mạng cho rằng kỳ quặc đến khó tin. Năm nay cũng không ngoại lệ khi có người đưa ra những đề nghị như sau:

Hội nghị Chính hiệp toàn Trung Quốc đã khai mạc vào chiều ngày 21/5, ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã xuất hiện mà không đeo khẩu trang, trong khi khoảng 2100 ủy viên Chính hiệp đến từ các tỉnh thành đã đeo khẩu trang.
Ảnh lưỡng hội ĐCSTQ năm 2020 (Ảnh cắt từ video của CCTTV).

Trả lời về vấn đề mang thai hộ

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, một trong những vấn đề thu hút chú ý tại “lưỡng hội” ĐCSTQ năm nay là trả lời công luận đối với đề xuất “hợp pháp hóa mang thai hộ có điều kiện”. Bà Chu Liệt Ngọc (Zhu Lieyu), đại biểu của tỉnh Quảng Đông đưa ra đề xuất “hợp pháp hóa mang thai hộ có điều kiện”, tuyên bố rằng việc hợp pháp hóa vấn đề này có thể giúp hạn chế tệ nạn trong việc mang thai hộ, qua đó cũng giúp quy kết đối với những trường hợp mang thai hộ bất hợp pháp (không đủ điều kiện).  

Khi một nhà báo nêu chất vấn nếu hợp pháp hóa điều đó thì cơ quan nào quản lý giám sát nghề mang thai hộ và quản  lý giám sát thế nào, bà Chu Liệt Ngọc cho biết, “Bây giờ đưa ra đề xuất này chỉ hy vọng để hợp pháp hóa. Sau khi hợp pháp hóa, vấn đề cơ quan nào quản lý là chuyện nghiên cứu tiếp theo”.

Khi được hỏi liệu “hợp pháp hóa mang thai hộ có điều kiện” có đồng nghĩa là thương mại hóa đối với các bà mẹ mang thai hộ hay không, ngoài ra việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ sẽ như thế nào? Bà Chu Liệt Ngọc cho biết bà mẹ mang thai hộ không nhất thiết do phụ nữ đảm trách, cũng có thể là… thụ tinh ống nghiệm!

Câu trả lời chất vấn này gây chú ý vì thực tế, mang thai hộ có nghĩa là thông qua áp dụng công nghệ y tế hiện đại (công nghệ hỗ trợ sinh sản) để cấy trứng đã thụ tinh vào tử cung người phụ nữ có khả năng sinh sản (tức là người mang thai hộ) để hoàn thành việc mang thai và sinh con cho người khác (khách hàng). Nói cách khác, thụ tinh ống nghiệm cuối cùng cũng phải thông qua sinh sản từ tử cung của phụ nữ. 

Hủy bỏ bắt buộc học tiếng Anh

Một số kiến nghị khác gây nhiều chú ý và làn sóng chỉ trích trong công luận như: hủy bỏ tình trạng tiếng Anh là môn học chính trong các trường tiểu học và trung học, hủy bỏ bài tập về nhà đối với học sinh tiểu học, thời gian tan học đối với học sinh tiểu học nên muộn hơn…

Có bình luận cho rằng đề xuất như vậy khiến cả giới phụ huynh và nhà giáo đều không vui vẻ gì, thực tế gánh nặng của học sinh là do chế độ giáo dục khoa cử của ĐCSTQ, cho dù không có bài tập về nhà thì cũng không hẳn giảm bớt gánh nặng.

Hạ độ tuổi kết hôn, chú ý vấn đề giới tính trong giờ học thể dục

Một kiến nghị nữa gây chú ý là của ông ủy viên Chính hiệp Lỗ Hiểu Minh (Lu Xiaoming) – Phó Viện trưởng Trường Viện Pháp luật Đại học Kinh tế Tài chính Quảng Đông, ông Minh chia sẻ với truyền thông rằng sẽ đề xuất sửa đổi giảm tuổi kết hôn xuống dưới 18 tuổi đối với nam và nữ nhằm giải quyết vấn đề nghiêm trọng về già hóa dân số của Trung Quốc.

Cộng đồng mạng có nhiều phản bác đề xuất của ông Minh: 18 tuổi chưa có việc làm và không thể mua được nhà, nếu có sinh con thì nuôi thế nào, sẽ gây thêm gánh nặng cho cha mẹ; làm việc 10 năm còn mua không được 50 mét vuông đất, cho dù 18 tuổi kết hôn thì sinh con cũng khó nuôi nấng cho tốt được…

Ngoài ra, đề xuất của ông Hiệu trưởng Đại học Tô Châu là Hùng Tư Đông (Xiong Sidong) cũng thành đề tài bàn tán khi kiến nghị: Chú ý đến sự khác biệt về giới trong giáo dục để làm sao trẻ em trai Trung Quốc trông… giống con trai hơn!

Có bình luận cho rằng năm nào “lưỡng hội” ĐCSTQ cũng thấy xuất hiện những đề xuất “ly kỳ” như vậy, điều này không chỉ phản ánh trình độ và tố chất của một số ủy viên, còn cho thấy vấn đề thể chế đã đưa họ vào nhầm chỗ khiến dù ăn nói linh tinh cũng không thể loại bỏ họ ra khỏi bộ máy…

Lâm Sam, Vision Times

Xem thêm: